Đề xuất cắt giảm 70% thủ tục đầu tư nhà ở xã hội - Giải pháp đột phá!
Hàng loạt chính sách liên quan đến nhà ở xã hội sẽ được điều chỉnh nếu đề xuất nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp vừa được Chính phủ đưa ra được thông qua. Điểm nhấn là việc rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư từ 300 ngày xuống chỉ còn 75 ngày.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một động thái quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc. Các dự án sẽ được triển khai nhanh hơn, nhiều hơn và giấc mơ có nhà của nhiều người sẽ thành hiện thực.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 25/4 vừa qua, Chính phủ đã đưa ra dự thảo Nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Đề xuất này tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án nhà ở xã hội, với mục tiêu giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Một trong điểm nhấn trong dự thảo là Chính đề xuất giảm 70% thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội. Theo đề xuất này, thời gian làm thủ tục đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội sẽ được rút ngắn từ 300 ngày xuống còn tối đa 75 ngày, tiết kiệm khoảng 200 ngày so với trước. Điều này giúp việc triển khai các dự án diễn ra nhanh chóng hơn, giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp.
Cùng với đó là hàng loạt chính sách khác để nhà ở xã hội phát triển cũng đã được đưa ra. Chẳng hạn, các dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công sẽ không phải trải qua quy trình đấu thầu như trước đây. Thay vào đó, UBND cấp tỉnh có thể giao trực tiếp cho chủ đầu tư, miễn là nhà đầu tư đó có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện các dự án bất động sản.
Để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất nâng mức lợi nhuận định mức của chủ đầu tư từ 10% lên 13% trên tổng chi phí đầu tư. Điều này sẽ tạo động lực cho các chủ đầu tư, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Một điểm mới nữa trong đề xuất là việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, giúp hỗ trợ mạnh mẽ về đất đai và hạ tầng cho các dự án nhà ở xã hội. Quỹ này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho các chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo các dự án được triển khai hiệu quả hơn.
Trước những đề xuất này trong dự thảo Nghị quyết, mặc dù đồng ý với việc rút gọn thủ tục, nhưng Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng yêu cầu bổ sung các cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và tránh tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua vào đầu tháng 5/2025, đây sẽ là cú hích lớn giúp các dự án nhà ở xã hội được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn, giúp tăng tốc tiến độ xây dựng và giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người lao động đang rất cần một mái ấm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết này sẽ tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để thực hiện mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030.
Cùng với đó, cũng là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trước yêu cầu phải tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí không chính thức, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết và thành lập Quỹ nhà ở quốc gia theo gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm để phát triển "nhà giá rẻ" tại các đô thị lớn.
"Ở góc độ của hiệp hội, chúng tôi rất hoan nghênh các quyết sách này sẽ tạo đột phá về cơ chế, chính sách cho các địa phương trong công tác tạo lập quỹ đất, lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội", ông Châu cho hay.
Các dự án nhà ở xã hội được triển khai nhanh hơn, nhiều hơn sẽ góp phần "hạ nhiệt" giá nhà, đó là kỳ vọng của TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khi những đề xuất này của Chính phủ trong dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Cùng với đó là kỳ vọng về hành trình mua nhà ở xã hội của người dân sẽ bớt gian nan.
"Chúng ta đã thấy "cơn khát" nhà ở xã hội thế nào qua việc người dân phải xếp hàng cả đêm, rồi phải chen chúc giữa mùa hè nắng gắt để bốc thăm mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn cách đây chưa lâu. Hành trình tạo lập nhà ở hiện nay đang quá gian nan khi chung cư thì giá quá cao, còn các dự án nhà ở xã hội thì triển khai chậm, thủ tục lòng vòng kéo dài hằng năm, thậm chí nhiều năm", TS Nguyễn Văn Đính nói.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua thì các dự án sẽ được triển khai nhanh và nhiều hơn, nguồn cung ra thị trường dồi dào hơn. Người mua nhà sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn, thay vì phải chen chân từng suất mua như trước.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, cơ chế giám sát phải được thực hiện chặt chẽ. Việc chủ đầu tư được rút gọn thủ tục triển khai nhanh các dự án nhưng cũng phải đảm bảo năng lực để sản phẩm đầu ra chất lượng, đúng tiến độ. Quản lý, giám sát thế nào để khi doanh nghiệp triển khai dự án đúng với tinh thần "rút ngắn thủ tục nhưng không hạ chuẩn chất lượng".