Loạt dự án nhà ở gây lãng phí và bất ổn xã hội ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 22/05/2025, 14:14

Sau nhiều năm, nhiều lần kiến nghị và mòn mỏi chờ được gỡ vướng, ngày 29/4 vừa qua 6 doanh nghiệp là các chủ đầu tư dự án thành phần của dự án khu dân cư 154 ha Bình Trưng Đông - Cát Lái ở TP Thủ Đức đã đồng loạt ký tên, đóng dấu tập thể vào văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đề nghị được tháo gỡ pháp lý dự án nhằm đưa đất vào sử dụng…

Theo đại diện các doanh nghiệp này, từ tháng 8/2000 Văn phòng UBND thành phố đã có thông báo giao UBND quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức) đề xuất chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính và mời gọi doanh nghiệp tham gia vào dự án khu dân cư có diện tích khá lớn trên. Ngày 8/1/2001 UBND quận 2 đã đề xuất chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư 154 ha Bình Trưng Đông - Cát Lái là Công ty XD và KD nhà Phú Nhuận cùng 14 nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các dự án thành phần tại đây. Sau đó 10 ngày, đề xuất trên đã được UBND thành phố chấp thuận và tháng 11/2001 UBND thành phố có quyết định giao đất cho Công ty XD và KD nhà Phú Nhuận đầu tư hạ tầng.

Loạt dự án nhà ở gây lãng phí và bất ổn xã hội  -0
Khu đất làm dự án nhà ở bị bỏ hoang hàng chục năm ở TP Thủ Đức.

Quá trình thực hiện dự án, từ năm 2001 đến năm 2014 phần lớn các chủ đầu tư thứ cấp đã tự tiến hành thỏa thuận với người dân để bồi thường, giải tỏa và cơ bản hoàn thiện phần hạ tầng kỹ thuật nội bộ. Tuy nhiên, các dự án thành phần này không thể thực hiện dự án nhà ở độc lập do không thể kết nối bởi các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chính toàn khu chưa xác định được phương thức đầu tư. Đặc biệt, từ tháng 12/2014 đến nay các nhà đầu tư thứ cấp càng gặp khó khăn do quyết định giao đất cho Công ty XD và KD nhà Phú Nhuận đã được UBND thành phố thu hồi.

Dự án tổng thể không còn nhà đầu tư hạ tầng chính để kết nối giao thông cho các dự án thành phần khiến các dự án thứ cấp không có cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương tiếp tục phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch 1/500; không có cơ sở pháp lý để tiếp tục đền bù, giải tỏa với các hộ dân còn lại cũng như cơ sở để được giao đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. 

Kiến nghị với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND thành phố vào năm 2022, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng trên thực tế có rất ít dự án thực hiện thành công theo mô hình chủ đầu tư chính và các chủ đầu tư dự án thành phần. Phần lớn các chủ đầu tư thành phần  không thực hiện được công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bị dở dang trên dưới 20 năm nay, điển hình là Dự án khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái. Trong đó có dự án thành phần của Công ty TNHH ĐT- XD Trường Thịnh với diện tích 2,9 ha, dù tiếp giáp với mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh cũng không được tách thành dự án độc lập.

Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc ở phường Phước Long A và phường Phước Bình, quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) có quy mô 82,5 ha do Công ty Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính với 2 dự án thành phần còn bi đát hơn. Bởi các chủ đầu tư dự án thành phần tại đây đã tự giải tỏa hoặc đã đầu tư xong hạ tầng và các công trình trong dự án thành phần nhưng vẫn bị vướng. Lý do Dự án NOXH Nam Lý với diện tích hơn 4.557 m2, dự kiến xây dựng 26 tầng, 291 căn hộ tiếp giáp mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp. Lý do, Công ty CP địa ốc Thảo Điền làm chủ đầu tư dự án thành phần dù đã giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa được chấp thuận đầu tư để triển khai thực hiện. Đồng thời Dự án khu nhà ở Him Lam với quy mô diện tích 2,16 ha, gồm 34 nền biệt thự do Công ty CP ĐT KD địa ốc Him Lam làm chủ đầu tư đã được xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2016 nhưng vẫn chưa được giao đất dự án để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và làm “sổ hồng” cho người mua nền.  

Theo Sở NN - MT và Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2016-2022, tại thành phố có 1.532 dự án có sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, NOXH của khu vực tư nhân và các dự án đầu tư công. Song mới có 451 dự án hoàn thành, 703 dự án đang triển khai và có đến 357 dự án đã quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa thể triển khai thực hiện. Thậm chí, trong số 703 dự án thuộc diện đang triển khai cũng có khoảng 143 dự án bị vướng mắc pháp đang được gỡ vướng những năm gần đây. Tình trạng trên không chỉ gây bức xúc cho các hộ dân có đất trong dự án cũng như người góp vốn mua nền, mà còn gây lãng phí rất lớn về đất đai và nguồn lực xã hội.    

Bảo Sơn
.
.