Trả mặt bằng nhà phố, dù đang "thời điểm vàng" kinh doanh
Giáp Tết luôn là "thời điểm vàng" của sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Trên nhiều tuyến phố tại Thủ đô, kể các các tuyến phố được đánh giá là "địa điểm vàng" để kinh doanh như: Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Kim Mã… tình trạng các cửa hàng, mặt bằng đóng cửa, treo biển cho thuê đang diễn ra nhan nhản.
Trên tuyến phố Tôn Đức Thắng, chỉ chừng khoảng 700m, theo ghi nhận của PV đã có đến hơn 30 cửa hàng, dãy ki ốt hay mặt bằng nhà phố đang đóng cửa, treo biển cho thuê, mời hợp tác. Những lời mời gọi cho thuê không chỉ là những tấm băng rôn cả cũ lẫn mới, mà còn có cả những bản giấy in mới được dán ít ngày qua.
Trong khi đó, dọc con phố Kim Mã (Hà Nội), đếm sơ sơ cũng có đến hơn 20 mặt bằng bỏ trống, đang treo biển tìm khách thuê mới. Trên các tuyến đường như: Giảng Võ, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng hay thậm chí là các phố mua sắm sầm uất như Bà Triệu, Phố Huế, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, khu vực trung tâm trong phố cổ… cũng có nhiều cửa hàng treo biển cho thuê. Trong đó không chỉ có cửa hàng mới kinh doanh mà có cả những cơ sở nhiều năm kinh doanh nhưng vì buôn bán ế ẩm phải trả mặt bằng.
Chị Vũ Thị Thuý, chủ một cửa hàng chuyên buôn bán rượu vang trên phố Tôn Đức Thắng mới phải trả mặt bằng, tính phương án kinh doanh khác cho biết, giá thuê cửa hàng cao, trong khi đó lượng khách mua trực tiếp tại cửa hàng cũng giảm mạnh khiến tình hình kinh doanh càng lúc càng khó khăn.
"6 tháng kinh doanh, cộng các khoản tiền như: Tiền thuê cửa hàng, tiền đầu tư cửa hàng, tiền nhân công, điện nước thì càng kinh doanh, vợ chồng tôi càng lỗ. Chính vì thế dù biết là gần Tết, thời điểm kinh doanh cũng tốt hơn nhưng tôi vẫn quyết định "rút" sớm để tìm phương án thuê phù hợp hơn, hoặc có thể chỉ bán hàng thuần trên online", chị Thuý cho hay.
Dù đã kinh doanh nhiều năm, tuy nhiên anh Nguyễn Văn Ngọc, một chủ cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên đường Nguyễn Trãi (đối diện Royal City) chia sẻ, cũng đang cố gắng kinh doanh nốt dịp này, ra Tết sẽ trả lại mặt bằng. Tiền thuê cửa hàng và điện nước, mỗi tháng ít nhất cũng mất 30 triệu đồng. Trong khi đó, khách vãng lai dừng lại để mua hàng trên một tuyến đường đông đúc, lúc nào cũng chen kín người là rất ít.
"Khách duy trì cửa hàng lâu nay vẫn chỉ là khách quen, người ta chỉ cần đặt hàng qua điện thoại ít khi đến mua trực tiếp tại cửa hàng. Đặc biệt là khi điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, khói bụi thất thường khiến xu hướng này lại càng phát triển mạnh hơn. Chính vì thế, tôi nghĩ, số tiền duy trì cửa hàng này bỏ ra chạy quảng cáo, thuê nhân viên chăm sóc khách hàng để hoạt động online sẽ hiệu quả hơn là thuê mặt bằng và cứ mở cửa qua ngày như vậy", anh Ngọc chia sẻ.
Kinh tế khó khăn, xu hướng tiêu dùng của người dân đang dần thay đổi là nguyên nhân khiến làn sóng trả mặt bằng cho thuê đang lan rộng. Tuy vậy theo tìm hiểu, bên cạnh việc thuê cửa hàng kinh doanh hiện nay không còn hiệu quả, mà còn có những lý do khác. Đơn cử như một cửa hàng điện máy lớn trên phố Tôn Đức Thắng, hiện đang phải ngừng kinh doanh với thông báo không đáp ứng được yêu cầu phòng cháy, dù mặt tiền của siêu thị điện máy này lên đến cả trăm mét.
Mặc dù kinh doanh khó khăn nhưng theo dự báo của các đơn vị chuyên về dịch vụ bất động sản thì giá thuê mặt bằng kinh doanh sẽ còn tiếp tục tăng những năm tới đây. Đơn cử như, theo báo cáo của CBRE Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm Hà Nội năm 2024 đã đạt hơn 175 USD/m2/tháng, tăng hơn 18% so với năm trước. Dữ liệu phân tích của CBRE Việt Nam dự báo trong 3 năm tới, dự kiến giá thuê mặt bằng bán lẻ ở các khu vực trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể tăng từ 7 - 10% và khu vực ngoài trung tâm sẽ tăng 2 - 3%.
Lý giải về tình trạng giá cho thuê nhà mặt phố tăng dù kinh doanh không mấy khả quan, các chuyên gia bất động sản cho rằng là do mặt bằng giá bất động nói chung và nhà mặt phố nói riêng tăng mạnh thời gian qua. Đơn cử, trong năm 2024 với con số ước tính từ 30%-50% so với năm trước. Ví dụ, nếu giá một căn nhà phố năm 2023 là 20 tỉ đồng, nay tăng lên 30 tỉ đồng nên người cho thuê cũng kỳ vọng giá cho thuê tăng để đạt được mức sinh lời mong muốn.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội nhận định, hiện nay, các nhãn hàng không còn mở cửa hàng một cách đại trà như trước mà trở nên khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng. Nhà mặt phố cho thuê đang trong tình trạng ế ẩm, chỉ trục phố chính, vị trí đẹp mới thu hút được một số nhãn hàng, ngành nghề thuê.
"Mặt bằng thị trường chung ảm đạm, nguyên nhân là do mua bán online phát triển mạnh nên doanh nghiệp, người bán hàng không cần mặt phố để trưng bày sản phẩm nhiều. Hơn nữa, duy trì mặt bằng kinh doanh offline có chi phí cao nên người thuê rất cân nhắc bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Chưa kể, thị trường ảm đạm, giá vẫn tăng. Trước thực trạng nhiều nhà phố bỏ trống hàng loạt, các chủ sở hữu cần điều chỉnh giá thuê để phù hợp hơn với giá trị thực. Việc tăng giá thuê nhà phố, mặt bằng quá cao đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ và hộ kinh doanh", bà Hoàng Nguyệt Minh khuyến nghị.