Chiếm dụng vỉa hè buôn bán khiến học sinh phải đi bộ dưới lòng đường
Cuối giờ chiều một ngày giữa tháng 11/2024, chúng tôi có mặt tại cổng Trường Tiểu học Rạch Ông trên đường Dương Bá Trạc, phường 2, quận 8, TP Hồ Chí Minh và ghi nhận: Vỉa hè phía trước cổng trường chỉ rộng chừng chưa đầy 1,5 mét luôn bị người dân chiếm dụng toàn bộ bề mặt, bày đủ thứ bánh kẹo, đồ ăn thức uống, nhất là đồ ăn vặt để bán cho học sinh và người đi đường.
Ngoài ra, những lúc tan học luôn có hàng chục xe bán hàng rong từ nơi khác đến lấn chiếm phần lề đường còn lại, thậm chí là cả dưới lòng đường để buôn bán... Việc chiếm dụng này đã khiến nhiều cháu học sinh thường hay đi bộ do có nhà ở gần không thể chen chân được trên lề, buộc phải xuống lòng đường len lỏi giữa đám đông xe cộ rất nguy hiểm.
Bức xúc trước việc này, một phụ huynh tên L.T.Mai chia sẻ: "Nhà tôi chỉ cách trường chưa đầy trăm mét, bình thường có thể dắt cháu đi bộ đến trường vào mỗi buổi sáng, nhưng vỉa hè bị người ta chiếm không còn chỗ trống, mà con đường này có mật độ xe cộ lưu thông rất đông nên đi bộ dưới lòng đường rất nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Không chỉ có đoạn này đâu, mà ngay cả vỉa hè trước cổng Trường THCS Dương Bá Trạc ở gần đây cũng bị chiếm dụng toàn bộ để buôn bán… Mình không thể làm gì được, chỉ mong chính quyền phường, quận vào cuộc mới mong có lối đi bộ cho các cháu…".
Tiếp tục khảo sát thực tế đối với Trường THCS Ba Đình trên đường Phan Văn Trị, phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy tình trạng lấn chiếm ở đây còn nặng nề hơn. Hai bên vỉa hè của con đường này bị người dân chiếm dụng cả ngày lẫn đêm để chất nước đá, thùng xốp, thùng carton đã qua sử dụng, ngoài ra còn chiếm dụng cả lòng đường làm nơi kê bàn ăn hoặc dựng xe gắn máy, kê tủ hàng... Chính vì vậy mà cứ mỗi khi tan trường, các em học sinh buộc phải len lỏi giữa dòng phương tiện đi ra điểm giao cắt với đường Nguyễn Biểu để lên xe do cha, mẹ chờ đón.
Tương tự, tại cổng Trường Tiểu học Đề Thám, trên đường Lê Đại Hành, phường 7, quận 11, TP Hồ Chí Minh luôn có hàng chục phương tiện bán đồ ăn, thức uống chiếm dụng toàn bộ vỉa hè. Ở phần vỉa hè cách xa cổng trường hơn chục mét, mặc dù phường đã kẻ vạch để chừa lối cho người đi bộ, nhưng người ta cũng chiếm toàn bộ để trông giữ xe hoặc kê bàn ghế bán cà phê. Ngoài ra, đoạn đường này nằm đối diện cổng Bệnh viện Chợ Rẫy nên có rất đông những xe bán hàng rong tự chế đến chiếm lĩnh một phần lòng đường để buôn bán.
Được biết UBND phường 7 luôn bố trí một tổ trật tự đô thị tuần tra, xử lý, đẩy đuổi những trường hợp vi phạm trật tự lòng lề đường, nhưng cứ đuổi đầu này, những người bán hàng rong lại chạy sang địa bàn phường khác chờ khi tổ công tác đi qua thì lại đưa phương tiện quay lại bán tiếp.
Bà Lê Thị Kim Nhung, Chủ tịch UBND phường 7, quận 11 cho biết, thực trạng người bán hàng lấn chiếm hết lề đường, thậm chí xuống đến lòng đường đã gây bức xúc cho không ít người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là các cháu học sinh tan học đi bộ về nhà mà không còn lối đi an toàn trên lề, phải xuống lòng đường phải len lỏi giữa dòng xe cộ rất nguy hiểm.
Mỗi ngày, phường đều tổ chức tổ công tác tuần tra, xử lý, đặc biệt là đợt cao điểm sẽ chốt trực buổi sáng từ 6-8h, trực từ 10-13h và chiều từ 18h30 đến 21h, nhưng chỉ có một công chức chuyên trách, còn lại là huy động luân phiên từ các nguồn lực khác nên chỉ thực hiện được trong thời gian ngắn chứ không thể lâu dài. Việc tuyển cộng tác viên cũng hết sức khó khăn bởi thù lao rất thấp, lại đòi hỏi trình độ học vấn 12/12 trở lên nên thường họ chỉ thử việc một vài tuần rồi lại nghỉ. Nhiều lúc trật tự đô thị khi xử lý vi phạm còn bị nhiều người bán hàng vây quanh giật lại đồ đạc, phương tiện rồi chửi bới, lăng mạ, thậm chí là đe dọa trả thù.
Qua ghi nhận thực tế ở nhiều tuyến đường có trường học, chúng tôi nhận thấy, với tính chất phức tạp như vậy, nếu chỉ một mình cấp phường thôi làm không xuể, bởi ngoài nguồn nhân lực thiếu trầm trọng thì vài nhân lực còn lại không có đủ thẩm quyền để xử lý những trường hợp bị côn đồ chống đối, gây hấn, đe dọa. Chính vì vậy rất cần một đội tuần tra lưu động có đủ chức năng xử lý vi phạm mới giải quyết được trật tự đô thị. Về lâu dài phải có phương án bố trí nơi kinh doanh hàng rong từng địa điểm cụ thể để tránh chen lấn buôn bán trước cổng trường gây mất ANTT như hiện nay.