Cơn khát vàng giữa rừng sâu chưa hạ nhiệt

Chủ Nhật, 11/05/2025, 07:52

Sau khi Báo CAND có bài viết: “Núi rừng Vĩnh Ô lại rỉ máu vì “vàng tặc”, phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép ở rừng phòng hộ Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc. Ba chốt kiểm soát được thiết lập tại các tiểu khu 582, 583 (xã Vĩnh Ô) và 575H (xã Vĩnh Hà).

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm chính là những giải pháp tình thế chỉ có thể ngăn được người hôm nay, không chắc sẽ ngăn được người ngày mai. Thực tế là sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lực lượng tuần tra lại phát hiện dấu vết cũ, vỏ mì tôm, dép tổ ong, dấu chân còn in trên đất rừng khô. Người dân địa phương cho hay, khoảng trên 20 người, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc, đã quay lại nơi này. Họ không ồn ào, không máy nổ như lần trước, chỉ chờ thời, lặng lẽ theo cách của người quen rừng, người từng sống bằng rừng, nhưng cũng có lúc hại rừng để sống.

Cơn khát vàng giữa rừng sâu chưa hạ nhiệt -0
Lực lượng Công an tham gia truy quét “vàng tặc” ở Vĩnh Ô. 

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô thừa nhận, hiện còn 9 hầm vàng trái phép ở khu vực rừng Vĩnh Ô và Vĩnh Hà. Những vết thương đó vẫn hở miệng giữa đại ngàn, âm ỉ như chính nguy cơ tái diễn. Do chưa có phương tiện chuyên dụng để khảo sát độ sâu, chưa có lực lượng đủ điều kiện để đánh sập, vì thế, giấc mộng đổi đời của không ít người vẫn bám rễ vào những đường hầm đó.

Giấc mộng ấy, nhiều khi là câu chuyện của những người rời quê từ sớm, không nghề nghiệp ổn định, sống qua ngày bằng những chuyến đi rừng, làm thuê, thậm chí làm thuê cho chính “ông trùm” tổ chức khai thác vàng trái phép. “Họ cũng là người nghèo, đánh đổi an toàn lấy miếng cơm. Nếu không triệt hạ tận gốc, thì chỉ cần một khe nước cạn, một tuần không mưa là rừng lại có người”, ông Tặng nhận định.

Sáng 10/5, lực lượng liên ngành gồm 25 người chia thành nhiều tổ, tiến hành kiểm tra thực địa tại khu vực khe Mixi và Khe Dẻ (tiểu khu 583). Khi lực lượng tiếp cận, một nhóm 4 người kịp tháo chạy. Những người còn lại, nếu còn, đã kịp ẩn mình như bóng cây.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, cho biết, lực lượng vẫn đang bám địa bàn, tăng cường chốt chặn. Nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể bám rừng liên tục, nhất là trong điều kiện lực lượng mỏng, địa hình hiểm trở. Mỗi lần truy quét, mỗi cuộc tuần rừng lại là một cuộc đi giữa hiểm nguy, bởi không ai biết được những hầm lò bỏ ngỏ kia còn chứa thứ gì: Đất đá lở, khí độc, hay bẫy người.

“Nếu không phá hủy các hầm vàng, thì còn lâu mới chấm dứt được tình trạng này. Hầm thì còn, người sẽ lại tìm về. Vì vậy, đơn vị chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, đề xuất hỗ trợ phương tiện và lực lượng để đánh sập hoàn toàn các hầm trái phép. Hiện Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm. Chúng tôi rất hy vọng phương án này sẽ sớm được triển khai thực hiện”, ông Hùng nhấn mạnh.

Rừng Vĩnh Ô đã vào mùa khô, lá mục phủ kín những lối mòn lặng lẽ xuyên núi. Dưới tầng tán rừng ấy, từng gốc cây, từng khe suối nay trở thành chốn ẩn náu của những người đang đánh cược số phận mình với thứ ánh kim mê hoặc. Họ lẩn khuất sau những thân cây lớn, sống tạm trong những chiếc lán rách dựng vội, chờ một cơ hội để quay lại với những hầm lò bỏ ngỏ, nơi từng cào lên bao giấc mộng đổi đời…

Thanh Bình
.
.