4.000 năm trước, người Ai Cập đã… chế tạo robot
Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố của các nhà khoa học tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Theo đó, các robot đầu tiên gọi là "automaton" của người Ai Cập thời xưa dựa trên sử dụng máy móc tự đẩy. Nhóm nghiên cứu rút ra kết luận thông qua bức tượng gỗ trưng bày ở Bảo tàng Metropolitan.
Các nhà khoa học ở bảo tàng đặt tên cho bức tượng tiên tiến mô phỏng con người là "Hathor". Họ suy đoán nó được tạo ra cách đây hơn 3.000 năm để mô phỏng Hathor, nữ thần tượng trưng cho tình mẫu tử, âm nhạc và ca hát trong văn hóa Ai Cập cổ đại.
Các chuyên gia về Ai Cập học chụp X - quang và phát hiện hệ thống điều khiển cơ học bên trong, hoạt động nhờ trục giống ròng rọc. Cỗ máy nằm ở phần vai của bức tượng nữ giới, xoay tròn bằng hệ thống sợi chạy qua chân trái và ẩn bên trong thân tượng. Khi xoay, hệ thống tạo ra chuyển động lặp lại cho bức tượng như nâng và hạ tay. Dạng mô hình cơ học cổ nhất có niên đại ra đời vào thời kỳ Trung Vương quốc cách đây khoảng 4.000 năm. Đó là một rạp hát đặt trên 3 chú lùn, vận hành nhờ hệ thống con lăn liên động và lò xo để biểu diễn chuyển động nhảy múa. Các ghi chép về Ai Cập từ năm 1100 trước Công nguyên cũng mô tả chi tiết tượng chuyển động bằng công nghệ cơ học.