“Cha đẻ” của trào lưu kết hôn tập thể
Chào đời năm 1920 trong một gia đình nông dân ở thị trấn Chongju, thuộc tỉnh Pyongan phía bắc Bình Nhưỡng nay thuộc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (DPRK). Sau chiến tranh Triều Tiên S. Moon đứng ra thành lập giáo phái Moonies.
Thâm nhập vào lĩnh vực kinh doanh, S. Moon tham gia vào đủ mọi ngành nghề từ chế tạo xe hơi tới xuất bản báo chí, từ dược phẩm đến chế biến trà, từ bất động sản tới sản xuất vũ khí... biến môn phái Moonies thành một đế chế kinh tế thực sự với hàng tỉ USD doanh số. Chỉ trong vòng vài năm sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa, S. Moon đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại thị trường đông dân nhất thế giới này. S. Moon cũng sở hữu nhà máy sản xuất ô tô duy nhất ở Bắc Triều Tiên, qua thương hiệu Pyeonghwa Motors khai trương năm 2002.
Đám cưới tập thể của 40.000 cặp đôi tại khuôn viên đại học Sunmoon ở Seoul vào năm 2009. |
Năm 1989 S. Moon thành lập câu lạc bộ bóng đá Seongnam Ilhwa Chunma, đội bóng hàng đầu Hàn Quốc từng 2 lần đoạt danh hiệu vô địch châu Á. Một vụ đầu tư tiêu biểu khác diễn ra trong năm 2004, khi S. Moon đã bỏ ra 1,5 tỉ USD xây tòa tháp đôi cao 70 tầng, tọa lạc trên diện tích 46.000m2 trung tâm thủ đô Seoul, được khánh thành vào đầu năm 2013.
Nhưng nổi bật hơn cả là những hôn lễ tập thể nhằm tiết giảm chi phí cho các cặp đôi tham dự, do mục sư S. Moon đích thân đứng ra tổ chức từ hơn nửa thế kỷ trước vào đầu năm 1961, quy tụ hàng chục nghìn đôi lứa cùng cử hành đám cưới chung. Ví như 30.000 cặp kết hôn tại sân vận động Jamsil của thủ đô Seoul trong năm 1992, hay 40.000 đôi lứa cùng trao nhẫn cưới vào năm 2009 tại khuôn viên Đại học Sunmoon - nơi đào tạo các thành viên cốt cán của UC...
Vị mục sư kiêm doanh nhân kỳ cựu S. Moon chính là người đi tiên phong, biến ý tưởng kết hôn tập thể cho đỡ tốn kém thành hiện thực, giúp những cặp đôi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thể tổ chức đám cưới của mình “không thua bạn kém bè”...
Mục sư S. M. Moon (trái) cùng nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành trong một buổi dạ tiệc vào cuối năm 1991 tại Bình Nhưỡng. |
Ngoài những học vị danh dự được các trường đại học và cao đẳng nổi tiếng thế giới trao tặng, Tiến sĩ S. Monn còn là thành viên Ủy ban Danh dự của Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Trong lễ tang cố Chủ tịch DPRK Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) vào đầu tháng 7-1994, mục sư S. Moon là chính khách Hàn Quốc duy nhất được mời tham dự từ đầu đến cuối.
Quanh nhân vật S. Moon luôn tồn tại những ý kiến khác biệt - cả ủng hộ lẫn phản bác, tuy nhiên tồn tại một điều đặc biệt mà ai cũng phải công nhận, rằng mục sư S. M. Moon là một cá nhân hiếm hoi có thể giao du thoải mái với giới chính khách ở Seoul cũng như Bình Nhưỡng, vốn là những người “không đội trời chung” về nhãn quan chính trị suốt hơn 6 thập niên qua.
Bà Han Moon (giữa) chủ trì hôn lễ cho 3.000 cặp đôi tại Gapyeong. |
Mục sư S. M. Moon từ trần tại một bệnh viện tôn giáo ở Seoul vào ngày 3-9-2012 vì chứng viêm phổi, thọ 92 tuổi.
Được biết, vào ngày 3-9-2017, nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của cố mục sư Sun Myung Moon, bà quả phụ Hak Ja Han Moon, 74 tuổi, đã thân chinh tài trợ việc tổ chức lễ cưới tập thể cho 3.000 cặp đôi đến từ 62 quốc gia trên thế giới, diễn ra tại thị trấn Gapyeong thuộc tỉnh Gyeonggi, cách thủ đô Seoul 75km về phía đông bắc là nơi đóng trụ sở của UC.