Kênh truyền hình dành cho... thú cưng
52 tỉ USD là số tiền mà người dân Mỹ tiêu tốn cho chuyện nuôi thú cưng trong năm 2012. Nhiều hơn số tiền người ta bỏ ra mua cà phê và nước uống chai cộng lại trong cả năm.
Trong lúc kinh tế suy thoái, ai ai cũng phải thắt lưng buộc bụng nhưng theo số liệu của Hiệp hội Sản phẩm Thú cưng của Mỹ (American Pet Products Association - APPA) thì chi phí cho thú cưng hầu như là tăng đều mỗi năm, kể từ năm 1994. Trong đó tăng mạnh nhất là năm 2008 đến 2010. Và năm 2012 tăng khoảng 5% so với năm 2011.
Chỉ tính riêng tiền bỏ ra để tậu thú cưng và mang chúng đi tắm táp, chải lông, làm móng chân móng tay, mua đồ trải giường, lót ổ không thôi đã chiếm đến 6,2 tỉ USD, nhiều hơn hẳn số tiền mà trang mạng Facebook nổi tiếng thế giới kiếm được qua quảng cáo vào năm 2012.
Trong số hơn 52 tỉ đó, người ta tính toán được các chi phí như sau: tiền mua thú cưng là 2,1 tỉ, mua phụ kiện, đồ làm đẹp cho thú cưng: 4,1 tỉ. Nhiều nhất là tiền thức ăn: 24,4 tỉ tiền thuốc men, các sản phẩm lỉnh kỉnh liên quan đến việc chăm sóc thú cưng là 12,5 tỉ, và tiền đi bác sĩ thú y là 13,5 tỉ USD.
Theo số liệu trên, thì tiền bỏ ra để mua thú cưng là thấp nhất trong tổng số tiền phải chi, vì "chủ nhân chỉ phải mua nó một lần, nhưng chăm sóc thì cả đời". Tuy vậy, số tiền bỏ ra để có được con vật mình yêu thích ít nhiều còn tùy theo mỗi loại.
Hai loại thú cưng nổi tiếng nhất ở Mỹ là chó và mèo. Thống kê từ những chủ nhân của thú cưng toàn nước Mỹ (The National Pet Owners Survey) không đưa ra được con số chính xác là nuôi chó hay mèo tốn kém hơn. Chỉ biết về căn bản, thì tiền thức ăn và thuốc men cho cả chó và mèo ngang ngửa nhau. Tuy nhiên, chó đòi hỏi chủ nhân chi tiền nhiều hơn cho nệm êm chăn ấm, cho việc tắm gội, cắt móng và đồ chơi.
Thế nhưng những khoản tiền đó thật ra không thấm vào đâu so với mỗi lần những con vật cưng này bị bệnh phải đi bác sĩ thú y. Một người nuôi chó không muốn nêu tên chia sẻ: "Tôi không mua bảo hiểm sức khỏe hàng tháng cho mấy con chó, nhưng khi mình bệnh, mình đau mình còn chịu được, chứ với chúng thì mình không thể nào nhìn nó đau đớn. Thế nên mang nó tới bệnh viện, người ta đòi 500, 1.000 hay 2.000 USD thì mình cũng phải trả, không đành lòng bỏ đâu".
Ở Mỹ, mỗi lần mang chó mèo đến cho bác sĩ thú y khám bệnh cũng mất khoảng 30 đến 50 USD. Với những con không phải vào "bệnh viện", nhưng thuốc để trị bọ chét hay những bệnh lặt vặt cũng khá đắt đỏ, từ 70 đến 80 USD một tuýp.
Dù chó và mèo là những loại thú cưng nổi tiếng, nhưng cá cảnh mới chính là loại được nuôi nhiều nhất. Trong khi có khoảng 46 triệu gia đình ở Mỹ nuôi khoảng 78 triệu con chó, thì có đến 88 triệu con mèo được nuôi trong 38 triệu gia đình và chừng 13 triệu gia đình nuôi 160 triệu con cá.
Sự thân thiện giữa người và thú cưng là lý do khiến người ta sẵn sàng chi tiền. |
Nhiều nhà không nuôi chó, mèo, cá cảnh thì lại nuôi chim chóc, những con vật nhỏ như thỏ, chuột, các loại bò sát và ngựa cũng được tính vào danh sách thú cưng. Alex Zhao, một học sinh trung học ở
Sắm sửa nhiều tiền cho việc nuôi cá lúc đầu nhưng hàng tháng Alex cho rằng em chỉ tốn khoảng 5USD để mua thức ăn và nước thay cho cá. Tắc kè thì hơi tốn hơn vì "phải mua dế cho nó ăn, cứ một chục con thì 1,5USD, mà mỗi tuần mua một lần, chưa tính những thức ăn bổ dưỡng đông lạnh khác". Tiền điện để chạy máy lọc nước, đèn, cũng có thể là một khoản đáng kể cho những con thú cưng của Alex.
Sự cuồng nhiệt với thú cưng đã khiến giới làm truyền hình ở Mỹ không bỏ lỡ thời cơ. Hồi cuối tháng 2 vừa qua, kênh truyền hình đầu tiên dành cho khán giả chó đã ra đời ở Mỹ. DOGTV ra đời sẽ giải quyết được tình trạng những chú cún cưng bị cô đơn khi chủ vắng nhà. Đó là lý lẽ của nhà đài khi dẫn ý kiến của giới khoa học. Giám đốc điều hành DOGTV, Gilad Neumann cho biết, theo ước tính của các nhà huấn luyện chó, nội dung của kênh sẽ xoa dịu sự lo âu của động vật, cải thiện tâm trạng cho chúng. Ông Neumann nói: "Chúng tôi vô cùng yêu động vật nuôi nên cảm thấy có lỗi khi để chúng ở nhà một mình".
Nicholas Dodman - một chuyên gia chịu trách nhiệm về cơ sở khoa học của đề án - cho biết, hình ảnh và âm thanh được hiệu chuẩn đặc biệt thích nghi với tai và mắt chó. Hình ảnh và âm thanh trên màn hình sẽ giúp động vật quên sự trầm cảm do quá cô đơn, thường dẫn tới tính thờ ơ và chán ăn.
Theo DOGTV, họ sẽ chiều "thị hiếu khán giả" của mình bằng các chương trình kể về đồng loại, bóng đá và hòa nhạc dành cho piano. Ở Mỹ, việc đăng ký kênh này hoàn toàn miễn phí.
Thế mới biết, "nghề chơi cũng lắm công phu", đặc biệt là chơi thú cưng!