Khoản “thách cưới” quá cao – Nguyên nhân khiến đàn ông ế vợ
Chuyện kể một người đàn ông muốn kết hôn với cô bạn gái đã mang bầu. Tuy nhiên, khi anh ta không thể đáp ứng được món tiền "thách cưới" là 30.000 USD, cha của cô người yêu quyết định không bàn chuyện cưới hỏi nữa và buộc con gái phải nạo thai.
Đài phát thanh không nêu danh tính người đàn ông và mọi nỗ lực để liên lạc hay tìm kiếm "tung tích" của anh ta đều bất thành. Có nhiều người ủng hộ hành động của cha cô gái và chỉ trích cặp đôi này đã "ăn cơm trước kẻng" mà không tính đến hậu quả. Song nhiều người lại có quan điểm khác và phê phán phong tục "thách hỏi" ở đất nước mình.
Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ của cư dân mạng về câu chuyện lại thể hiện sự lo lắng lớn hơn của công chúng về khoản tiền "thách cưới" ngày càng cao ở Trung Quốc, đất nước đang mất cân bằng lớn về giới tính và thiếu phụ nữ nghiêm trọng. Đối với gia đình nhà gái, khoản "thách cưới" giống như "của hồi môn" và khoản tiền này ngày càng cao khi nền kinh tế của Trung Quốc phát triển.
"Trong những năm 50, 60, 70, của hồi môn của cô dâu chỉ có thể là một chiếc phích hoặc giường cưới" - Manya Koetse, chuyên gia kiêm biên tập của mục What's trên trang mạng xã hội Weibo, cho biết. "Sau này là đồ nội thất, chiếc đài hoặc đồng hồ. Đến thập niên 80, món hồi môn có thể là một chiếc tivi hay tủ lạnh. Khi nền kinh tế của Trung Quốc mở cửa thì cũng là lúc khoản tiền thách cưới của nhà gái thay đổi theo".
Kinh tế phát triển là một lý do khiến "của hồi môn" của các cô dâu có giá trị hơn, song nguyên nhân chính vẫn là do thiếu phụ nữ trầm trọng bởi Trung Quốc áp dụng chính sách một con trong suốt nhiều thập kỷ.
Theo truyền thống, đàn ông Trung Quốc là trụ cột gia đình và là người mà cha mẹ có thể "dựa dẫm" khi về già. Hằn sâu quan điểm ấy, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc nạo thai nếu biết mình sẽ sinh con gái.
Theo các nhà nghiên cứu trường Đại học Harvard, tỷ lệ giữa nam và nữ ở Trung Quốc hiện nay là 118 nam/100 nữ. Như vậy, Trung Quốc hiện đang "thừa" khoảng 40 triệu đàn ông. Thực tế này khiến ở nhiều vùng Trung Quốc, tiền "thách cưới" của nhà gái cao vọt và phải chịu hậu quả nặng nhất là đàn ông ở các vùng nông thôn.
"Những người đàn ông này rất nghèo, thất học. Họ lại gặp khó khăn hơn trong chuyện vợ con khi phụ nữ trong làng đều tới các thành phố lớn hơn để tìm người có thể chu cấp cuộc sống cho họ. Chỉ có một số ít phụ nữ ở lại làng thì lại trở thành "mục tiêu" của 20 người đàn ông. Bởi vậy, họ có thể đưa ra số tiền thách cưới cực kỳ cao" - Koetse nói.
Các nhà nghiên cứu trường Đại học Harvard cho rằng, sự mất cân bằng về giới tính có thể dẫn tới tỷ lệ phạm tội cao hơn và sự bất ổn trong tầng lớp những người đàn ông độc thân".