Kiếm được 1,3 tỉ đồng nhờ chất nôn ra từ cá voi

Thứ Hai, 17/09/2012, 10:40

Charlie Naysmith - một cậu học sinh 8 tuổi của Trường St Katharine ở Southbourne, Anh đã có được 40 nghìn bảng Anh (khoảng 1,3 tỉ đồng Việt Nam) khi cậu vấp vào một vật được nôn ra từ dạ dày cá voi - họ cá nhà táng khi đi chơi trên bãi biển Hengistbury.

Chất nôn ấy là một khối ở thể rắn, màu vàng nhạt, nặng 600 gram, nhìn như bằng sáp. Thoạt đầu, cậu tưởng đó là một cục đá nhưng khi mang nó về nhà, cha mẹ cậu khi xem xét, đã cho biết nó không phải là đá. Sau đó, họ đã gửi nó đến các chuyên gia sinh học biển và được kết luận rằng 600 gram chất màu vàng là long diên hương (ambergris), một chất không thể thiếu trong kỹ nghệ điều chế, định hình mùi thơm của nước hoa, một số mỹ phẩm và ngay cả thuốc lá.

Charlie không phải là người duy nhất tìm thấy long diên hương trên bờ biển nước Anh. Năm 2008,  Sean Kane, 24 tuổi và Ian Foster, 39 tuổi, đã phát hiện một mảnh long diên hương trị giá 110 nghìn bảng Anh, ở bãi biển Penrhyndeudraeth, phía bắc xứ Wales. Kane nói: "Chúng tôi nhìn thấy một mảnh nhỏ màu trắng giống như sáp, có mùi thơm rất dễ chịu. Tò mò, tôi nhặt lên, mang về nhà và sau đó mới biết đó là long diên hương".

Theo các chuyên gia sinh học biển, long diên hương là mỡ của một số loại cá, mực, là thức ăn của cá nhà táng. Khi ăn vào, vì một lý do nào đó - thường là bệnh đường ruột nên lượng mỡ này không tiêu hóa được khiến cá nhà táng phải nôn ra. Sau một thời gian trôi nổi trên mặt biển, dưới tác động của nước biển, của vi khuẩn, men tiêu hóa trong dạ dày cá và ánh nắng mặt trời, mỡ biến thành long diên hương.

Nó còn được gọi là "vàng nổi" vì giá trị của nó đắt như vàng - trong đó đắt nhất là long diên hương trắng. Đã từng có một tảng long diên hương trắng được bán với giá nửa triệu bảng Anh (hơn 16 tỉ đồng Việt Nam).

Hiện tại trên thị trường, 1kg long diên hương loại thấp nhất cũng có giá 20 nghìn USD. Do giá cả quá đắt nên các hãng chế tạo nước hoa không bỏ sót một mẩu nào. Đầu tiên người ta tán nó thành bột, sau đó hòa tan trong cồn 96 độ với liều lượng 40g/lít để thu được một dung dịch 5% long diên hương.

Tiếp theo nó được đặt trên máy lắc liên tục trong 18 tháng rồi cuối cùng trộn vào 250 chất liệu khác nhau để cho ra đời một loại nước hoa, chẳng hạn như nước hoa Mitsuko của Hãng Guerlain sản xuất từ năm 1919, đến nay vẫn còn được ưa chuộng bởi lẽ chỉ cần nhỏ 1 giọt vào áo sơ mi, sau 10 lần giặt mùi thơm hầu như không mất.

Thông thường, long diên hương rất hiếm khi được tìm thấy ở Anh mặc dù vùng nước lạnh phía bắc là nơi sinh sống của cá nhà táng. Đa phần, những dòng hải lưu đưa  nó đến bờ biển nước Mỹ, Australia.

Từ năm 1970, nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng long diên hương trong công nghiệp nước hoa nhằm bảo vệ loài cá nhà táng khỏi bị săn bắt. Thay vào đó, người ta điều chế nước hoa bằng phương pháp hóa học

V.C. (theo Daily Echo)
.
.