Nhà hát opera con sò ở Australia

Thứ Hai, 09/10/2006, 08:00

Quyết định xây dựng một nhà hát opera đẳng cấp thế giới tại Sydney đã được chính quyền bang New South Wales của Australia thông qua vào tháng 5/1955. Một cuộc tuyển chọn trên toàn thế giới đã được tiến hành để tìm ra bản thiết kế xuất sắc nhất. Phác thảo của Joern Utzon (lúc đó 38 tuổi), người Đan Mạch, đã được chọn từ bài gửi của 233 nước.

Bản thiết kế được in ra thành nhiều bản để phổ biến cho công chúng thưởng lãm và niềm háo hức tăng dần lên. Ý tưởng của ông là dựng nhiều con sò khổng lồ từ khung thép, có kích thước khác nhau và lợp ngói lên trên. Nhưng thật không may là kể cả Utzon lẫn các kiến trúc sư đều không biết phải làm thế nào để xây dựng nó.

Sau lễ động thổ ngày 2/3/1959, dù đã thực hiện hàng ngàn cuộc kiểm tra, các kiến trúc sư vẫn thất bại và cho rằng phương pháp của Utzon là bất khả thi, quá ngây thơ. Tuy nhiên, vị trí ngôi sao của Utzon vẫn tiếp tục tỏa sáng. Ông được Thủ tướng đảng Lao động lúc bấy giờ là Joe Cahill - một nhân vật hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc xây dựng Nhà hát opera Con Sò - đối xử như một ông hoàng.

Chẳng mấy chốc, Utzon đã trở thành một nhân vật nổi tiếng. Tuy nhiên, bản thân ông đã đánh hơi thấy sự chẳng lành. Các đối thủ chính trị của Cahill đã lên tiếng đả kích công trình này ngay từ đầu: "Đó chỉ là một con quái vật nhô lên từ mặt biển và chết rũ, thậm chí chẳng xứng đáng để làm nơi bán bánh!”.

Đến đầu thập niên 60, khi các chi phí tăng dội lên cùng những vấn đề khó khăn phát sinh, ngay cả những người yêu thích công trình này cũng đã bắt đầu nghi hoặc và đặt dấu hỏi: “Cái gã Joern Utzon ấy thực sự là ai?”. Có lẽ Joern Utzon là một gã “vô danh tiểu tốt”, bởi không có công trình xây dựng nhà ở có tiếng tăm nào được mang tên ông, và ông chỉ là một “gã mộng du” trong làng thiết kế Bắc Âu.

Ông lớn lên ở Copenhagen, hầu như suốt đời ngâm chân trong nước biển, bởi vì cha ông là chuyên viên thiết kế và đóng du thuyền. Từ lúc còn trẻ, ông đã bị thôi miên trước đường cong hùng dũng của những thân tàu lướt sóng và đã đi theo con đường thiết kế tàu biển của cha. Nhưng sau khi tốt nghiệp Học viện Hoàng gia Đan Mạch, ông đã quyết định sẽ làm việc trên đất liền.

Điều này đã được thể hiện trong phác thảo rất độc đáo của Nhà hát opera Con Sò qua hình tượng một cơn bão biển giá buốt, 9 vỏ sò hợp thành khúc nhạc aria, những cánh buồm của một chiếc thuyền chiến. Cái khó nhất ở đây là làm sao để “giấc mơ trẻ con” này đứng vững trên mặt đất. Trong các bản phác thảo nguyên thủy, Utzon đã xem những chiếc vỏ sò như những mảnh công trình điêu khắc độc đáo. Nhưng dù có làm gì đi nữa, thì ông cũng không tìm được cách để sắp xếp chúng ở những vị trí tương hỗ, nâng đỡ lẫn nhau. Tất cả các đường cong và đường thẳng đều khác biệt, nên sự phức tạp sinh ra là không thể tưởng tượng nổi. Thế rồi, một hôm nọ, ông chợt nghĩ ra, rằng những vỏ sò đó có thể xem như những hình viên phấn có cùng đặc tính của một quả cầu khổng lồ. Ông vội vàng chạy đến chiếc thố đựng trái cây, lấy ra một trái cam, cẩn thận cắt vỏ cam thành những hình viên phân. Và thế là ông bất ngờ có được câu trả lời - các mẩu vỏ cam xếp vừa khít với nhau một cách đơn giản và tuyệt đẹp, theo kiểu hình học không gian.

Thế nhưng, niềm vui của Utzon không kéo dài được lâu. Đã có những báo động nghiêm trọng về tình hình chi phí xây dựng ngày càng leo thang. Ước tính ban đầu là 3,5 triệu bảng Anh. Nhưng đến tháng 1/1963, chỉ một mái ngói mới đã ngốn hết 6,5 triệu bảng trong tổng ngân sách 13 triệu bảng của năm này. Trong con mắt của những kẻ nói xấu, ông đã trở thành biểu tượng của thói học đòi nghệ thuật châu Âu, đang ráng hết sức để gây ảnh hưởng lên “nước Australia già cỗi”.

Tác phẩm của ông bị báo Daily Mirror ở Sydney cười nhạo là “một đống móng chân cắt ra từ con chó bị bệnh bạch tạng”. Tình hình chính trị cũng không còn thuận lợi. Trong cuộc bầu cử quốc gia vào năm 1965, đảng Lao động bị đánh bại, phải nhường quyền lực cho đảng Tự do. Davis Hughes được bầu làm bộ trưởng mới cho những công trình dân dụng. Trong tư tưởng của ông, các công trình này phải phục vụ được đa số dân chúng với chi phí thấp nhất, nên tốt nhất là phải chấm dứt việc có mặt của Utzon.

Hughes bắt đầu bằng cách siết chặt tài chính xây dựng nhà hát, đưa người của ông ra công trường, buộc Utzon phải đệ trình tất cả các kế hoạch mới cũng như các công trình đấu thầu. Giọt nước làm tràn ly là vào tháng 2/1966: Hughes từ chối chi trả tiền thù lao định kỳ cho Utzon. Utzon đã khóc nức nở tại công trường rồi mang vợ con ra đi, không thèm quay lại Australia nữa.

Sau đó, nhà hát được xây hối hả, cấp tập để mau chóng hoàn thành sớm. Hậu quả là phần nội thất bị chèn ép vào nhau một cách cẩu thả với những chất liệu không chọn lọc và màu sắc hỗn độn. Du khách có thể thán phục trước vẻ đẹp ngoại thất nhưng khi vào trong thì không nén nổi sự thất vọng.

Khi nó được khánh thành vào năm 1973, trong bài diễn văn do chính quyền Australia biên soạn, Nữ hoàng Elizabeth thậm chí không thèm nhắc đến cái tên Joern Utzon. Còn Utzon, sau khi trở về Đan Mạch, đã lang thang như một bóng ma vì bị mang tiếng là kẻ mộng du không làm xong nổi một việc lớn lao. Ông đi dạy ở Trường đại học Hawaii, kiếm sống vật vờ ở nước Mỹ, làm thuê cho một số công trình ở Nam Mỹ.

Nhưng dù Hughes có đối xử thậm tệ bao nhiêu đối với Utzon, cũng khó mà phủ định những sai lầm của ông. Ông đã lao vào công trình mà không chuẩn bị chu đáo và tính toán liều lĩnh đến nỗi phải tốn kém nhiều chi phí. Thế nhưng, ông đã cống hiến cho thế giới một công trình kiến trúc đẹp đến choáng ngợp. Nó đã trở thành thắng cảnh du lịch được chiêm ngưỡng nhiều nhất nước Australia, trở thành một biểu tượng của thành phố - giống như tháp Eiffel ở Paris và Cầu tháp London.

Như một sự vận chuyển tuyệt vời của số phận, năm 2002, ở tuổi 83, Utzon lại được chào đón quay về Australia trong cuộc chạy đua với thời gian để trùng tu lại nhà hát cho đúng với vẻ đẹp tinh khiết như thiết kế nguyên thủy của ông. Kinh phí dự tính là 69 triệu AUD trong thời gian thực hiện là 6 năm

Thuý Hân (theo Women's Weekly)
.
.