Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới

Thứ Năm, 24/05/2018, 13:44
Vào ngày 19-5 vừa qua tại hải cảng Murmansk ở vòng Bắc Cực, Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Liên bang Nga (Rosatom) đã chính thức khánh thành một nhà máy điện nguyên tử độc đáo, có thể hoạt động hoàn toàn độc lập trên mặt nước, trở thành nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới.

Nhà máy điện nổi được vinh dự mang tên Viện sĩ Nga Mikhail Lomonosov (1711-1765), người được tôn vinh là "cha đẻ" của Thuyết động học phân tử, với kích thước chiều dài là 144,4m và chiều rộng là 30m, do nhà máy đóng tàu Baltic ở thành phố Saint Petersburg chế tạo, cùng khoản kinh phí là 20,81 tỉ rúp, tương đương 336 triệu USD.

Nhà máy điện hạt nhân nổi được trang bị 2 lò phản ứng KLT-40S cao 10m đã nâng cấp, với công suất mỗi lò là 35 megawatt, cùng đội ngũ chuyên viên vận hành gồm 69 người. Công trình khổng lồ nặng tới 21.500 tấn này được đặt trên sà lan đặc chủng, do đội tàu kéo chuyên dụng di chuyển từ Saint Petersburg về Murmansk để tiến hành nạp năng lượng hạch tâm.

Theo lời Tổng giám đốc Rosatom Sergey Kiriyenko cho biết tại lễ khánh thành, dự kiến đến mùa hè năm 2019, nhà máy điện nổi Viện sĩ Lomonosov sẽ được đưa đến hải cảng Pevek, thuộc khu tự trị Chukotka ở Viễn Đông để cung cấp điện cho dân cư tại các vùng xa xôi hẻo lánh, cũng như đáp ứng nguồn điện năng cho các dàn khoan dầu khí ở Bắc Cực".

Còn ông Vitaly Trutnev, đại diện chủ đầu tư Rosatom tại dự án đóng tàu Viện sĩ Lomonosov, nhấn mạnh rằng khi đi vào hoạt động, nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ giúp hạn chế khoảng 50.000 tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

T.Hồng (theo RIA Novosti)
.
.