Những ngôi sao judo khiếm thị ở Ấn Độ

Thứ Tư, 21/03/2018, 10:41
Ở vùng nông thôn Ấn Độ, những phụ nữ trẻ tuổi bị khiếm thị luôn cố gắng nắm bắt cơ hội để rèn luyện những kỹ thuật tự vệ trước nạn tội phạm cưỡng bức lan tràn tại quốc gia này.

Khiếm thị có nghĩa là họ rất dễ đối mặt với nguy cơ bị quấy rối hay thậm chí tấn công tình dục từ nam giới và đó cũng là lý do mà nhiều người không thể rời khỏi nhà nếu không có người thân đi kèm.

Nhờ có khả năng tự vệ, hơn 60 phụ nữ có thể yên tâm đến trường học, đi tìm việc làm và trở thành thành viên tích cực cho các hoạt động xã hội. Hơn thế nữa, vài phụ nữ còn tham gia thi đấu môn Judo cấp quốc gia, giành được huy chương và sau đó huấn luyện cho những phụ nữ khiếm thị khác trong khu vực sinh sống của họ. Sudama bắt đầu học môn võ tự vệ Judo từ năm 2014 và kể từ đó cô tự tin vào sức mạnh của bản thân.

Phụ nữ khiếm thị nông thôn được rèn luyện Judo nhờ sự giúp đỡ từ tổ chức từ thiện Anh Sightsavers.

Trước đó, cô không dám đến trường học do cha mẹ bận làm việc kiếm tiền trong khi không có người thân nào khác có thời gian để thường xuyên đi kèm với cô ra ngoài đường phố.

Sudama tâm sự: "Trước khi học môn Judo, tôi thường ngẫm nghĩ: Làm sao có thể ra ngoài phố? Cuộc sống tương lai sẽ ra sao?. Tôi cảm thấy lo sợ khi phải đến trường học một mình. Cha mẹ tôi cũng không muốn như vậy".

Sau này, Sudama quyết định dạy Judo cho bạn bè và được mọi người tặng danh xưng nữ huấn luyện viên võ tự vệ. Sudama giành được huy chương vàng và bạc tại nhiều cuộc thi đấu tổ chức ở Delhi, Goa, Gurugram và Lucknow.

Cũng giống như Sudama, sau khi tranh giải vô địch tại sự kiện thể thao Judo Người mù Quốc gia tổ chức ở New Delhi, nhiều phụ nữ trẻ được cộng đồng nơi sinh sống tôn vinh và kính trọng. Mặc dù vậy, họ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nhờ môn Judo, những cô gái khiếm thị tự tin hơn khi rời khỏi nhà một mình.

Sau 2 năm khổ luyện, cô gái Janki 20 tuổi giành được huy chương vàng Giải vô địch Judo Quốc gia Người Điếc và Mù. Mới đây, Janki được chọn tham gia giải đấu Vô địch Quốc tế sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Janki chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được đại diện cho đất nước tham gia thi đấu giải quốc tế. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện cuộc đời mình sẽ thay đổi sau khi tập luyện môn Judo và rèn luyện những kỹ thuật tự vệ". Các lớp học Judo do phụ nữ khiếm thị huấn luyện nhận được sự giúp đỡ từ tổ chức từ thiện Anh Sightsavers.

An An (tổng hợp)
.
.