Phát hiện thêm biệt điện nằm sâu dưới lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Đã hàng thập kỷ sau khi phát hiện hàng ngàn tượng chiến binh bằng đất nung và chiến xa ngựa kéo đúc bằng đồng để bảo vệ vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa Tần Thủy Hoàng, đầu tháng 6 này, các nhà khảo cổ Trung Quốc tiếp tục khai quật được những phế tích tọa lạc gần một khu cung điện nguy nga nằm sâu dưới lòng đất. Có thể Tần Vương đã ra lệnh xây cất nó để ông có thể tiếp nối mãi đế chế của mình ở thế giới bên kia?
Khu cung điện, sân chầu và tháp canh hiện đang được khai quật chính là một phần của thành phố ngầm được chiến binh đất nung bảo vệ, toàn bộ khu vực này phân bố trên một diện tích khoảng 50 km2. Khu phức hợp hoàng thành thiết kế đối xứng theo trục bắc - nam, được bảo vệ bằng một bức tường thành đồ sộ, có cả biệt cung của hoàng đế cùng phủ đệ của quan lại để "điều hành công việc triều chính" ở cõi âm.
Tư Mã Thiên, sử gia danh tiếng của Trung Quốc đã có những dòng chép về Tần Vương như sau: "Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng một hoàng thành rộng lớn nằm sâu dưới lòng đất có đầy đủ nhà cửa, đồ dùng, binh sĩ để bành trướng đế chế của mình tới tận thế giới bên kia… Có 700 ngàn sĩ phu bất đồng, thợ mộc và nô lệ bị ép xung vào đội quân nô dịch xây hoàng lăng này. Nhiều ái phi của Tần Thủy Hoàng cũng tham gia thiết kế cùng với các nghệ nhân. Lăng tẩm của ông hoàng này được niêm phong nghiêm ngặt, tất cả đều có mục đích bảo vệ bí mật vị trí ngôi mộ và kho báu chôn cùng".
Một góc lăng mộ Tần Vương. |
“Tần Thủy Hoàng cùng các chiến binh bằng đất nung của ông, dường như qua bao thế kỷ bị chôn vùi dưới lòng đất đá vẫn sẵn sàng tham trận, cung tên bằng đồng mà họ khoác trên mình được đúc, rèn bằng kỹ thuật tân tiến nhất thời bấy giờ, tất cả đều chuẩn bị cho việc tạo ra một tiểu vũ trụ theo ý chí cai trị của Tần Vương để ông có thể vĩnh viễn ngự trên ngôi vị tối cao” - Đó là ý kiến của giáo sư Armin Selbitschka, chuyên gia nghiên cứu về Tần Thủy Hoàng, Đại học Ludwig Maximilians, Munich, Đức.
Vị hoàng đế kiến lập Trung Hoa có suy nghĩ rằng, ông đã gây ra nhiều sự oán thù khắp các vương quốc bị vó ngựa, gươm, giáo, cung tên của đế quốc Tần xâm lược, do đó Tần Thủy Hoàng ngồi trên ngai vàng đầy quyền lực nhưng luôn cảnh giác chống lại những mưu đồ phiến loạn - Selbitschka phân tích - để duy trì quyền lực của mình sau khi chết, đội quân này (bằng đất nung) cũng sẽ phải phò trợ ông ta đánh những trận chiến ác liệt ở thế giới âm ti".
Hiện tại các nhà khảo cổ đang cố gắng chắp nối giấc mộng quyền lực vô tận của Tần Thủy Hoàng qua việc khảo sát những tàn tích nằm trong hoàng thành dưới lòng đất. Những tượng binh đất nung dữ dằn chính là thể hiện cho tham vọng binh quyền của Tần Thủy Hoàng, còn những con sông và đại dương óng ánh muôn ngàn sao thủy tinh chính là khát vọng khám phá những vùng biển mới ngoài khơi phía đông Trung Hoa