Thực đơn châu chấu

Thứ Năm, 23/05/2013, 17:40

Tháng 3/2013, bầu trời miền Nam Israel tràn ngập hàng đàn châu chấu phá hoại những cánh đồng khoai tây và ngô mà không có dấu hiệu dừng lại. Và, để chống lại loại côn trùng này, người dân Israel đưa chúng vào thực đơn hàng ngày. Hiện nay, theo báo cáo của Cơ quan Lương - Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO), trên thế giới có hơn 2  tỉ người ăn côn trùng.

Châu chấu là côn trùng duy nhất được chế biến thành món ăn theo luật Do Thái. Theo Torah (pháp điển của đạo Do Thái), có 4 loại châu chấu có thể ăn được – đen, vàng, xám đốm và trắng.

Moshe Basson, ông chủ nhà hàng nổi tiếng Eucalyprus ở Israel và cũng là chuyên gia ẩm thực, cho biết châu chấu có thể được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng và đặc biệt là thịt loài côn trùng này giòn, thơm và có vị ngọt. Những đàn châu chấu có thể vượt quãng đường 100km một ngày và khó đoán được mục tiêu tấn công sắp tới của chúng.

Bộ Nông nghiệp Israel đã cho triển khai 4 chiếc máy bay tuần tra trên không suốt 24 giờ/tuần để truy lùng dấu vết của chúng mà phun thuốc trừ sâu.

Châu chấu không chỉ tấn công Israel mà còn nhắm đến nhiều quốc gia khác trong khu vực - bao gồm vùng lãnh thổ Palestine, Sudan, Eritrea, Ai Cập, Jordan và Arập Xêut. Vào thập niên 50 thế kỷ trước, châu chấu xuất hiện rợp trời ở Israel và bộc phát trở lại vào năm 2004.

Amir Ayali, giáo sư Khoa Động vật học -  Đại học Tel Aviv và là một nhà nghiên cứu côn trùng, cho biết, châu chấu có đời sống hai mặt khá thú vị. Chúng thường sống cô độc, chậm chạp và kín đáo nhai cỏ. Nhưng, khi hòa nhập vào đàn thì chúng hoàn toàn thay đổi về tính cách và bề ngoài. Cụ thể là, chúng bắt đầu phát triển đôi cánh mạnh mẽ và háu ăn kinh khủng. Đàn châu chấu có thể bao phủ diện tích 10 x 10km và chiếm mật độ chừng 50 con/m2. Nếu bay ra biển và không có nguồn thức ăn chúng sẽ xơi tái lẫn nhau!

Đầu bếp và chủ nhà hàng Moshe Basson với các món ăn chế biến từ châu chấu.

Arnold van Huis, giáo sư khoa Côn trùng học vùng nhiệt đới Đại học Wageningen (Hà Lan), là một trong những nhân vật hàng đầu thế giới chủ trương ăn côn trùng và thậm chí có đề nghị về vấn đề này với FAO. Theo Van Huis, côn trùng là thực phẩm ưa thích tại phần lớn các quốc gia châu Phi vì nhiều lý do. Châu chấu là nguồn thu nhập đáng kể cho phụ nữ ở Niger. Họ bắt châu chấu trên những cánh đồng kê để mang ra chợ bán và tiền kiếm được từ côn trùng còn nhiều hơn thu nhập từ chính cánh đồng kê.

Van Huis lập luận rằng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực, côn trùng được coi là “sản phẩm thay thế” thân thiện với môi trường mà lại giàu chất dinh dưỡng. Thịt châu chấu chứa rất nhiều đạm (protein) cũng như chất sắt và kẽm – hai khoáng chất mà nhiều người trên thế giới bị thiếu – đồng thời côn trùng sản sinh rất ít khí nhà kính. Thế nhưng, tại Israel, nơi sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, các chuyên gia khuyên hạn chế ăn châu chấu bởi vì có thể chúng bị nhiễm hóa chất.

Dế là món đặc sản trong nhà hàng.

Người ta không rõ tại sao đạo Do Thái chỉ cho phép ăn châu chấu nhưng mọi loại côn trùng khác bị cấm. Một số học giả người Do Thái cho rằng lý do có thể là giúp cho con người sống còn trước nạn dịch châu chấu phá hoại mùa màng. Nhưng cũng có một số người Do Thái không chấp nhận dùng châu chấu làm thực phẩm để nuôi sống con người. Châu chấu cũng được coi là thực phẩm theo luật Hồi giáo. Châu chấu cũng được dùng làm thức ăn nuôi các loài bò sát trong các vườn thú trên thế giới.

Vào năm 1954, một đàn châu chấu bay vượt 5.000km từ Mauritania đến tận Caribe chỉ trong vòng 10 ngày. Khi Australia bị dịch châu chấu vào năm 2004, chính quyền nước ngày khuyên người dân dùng chúng làm thực phẩm hàng ngày. Dịch châu chấu là một trong 10 đại dịch nguy hiểm được đề cập trong Kinh thánh. Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi mọi người trên thế giới đưa côn trùng vào thực đơn hàng ngày để chống lại nạn đói.

Theo một báo cáo của FAO, ăn côn trùng giúp cung cấp dưỡng chất đầy đủ cho cơ thể đồng thời làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên toàn cầu. Hiện nay, có hơn 2 tỉ người trên thế giới ăn côn trùng thường xuyên. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng người dân ở nhiều nước phương Tây không khoái ăn côn trùng thậm chí còn ghê sợ chúng. Sâu bướm được coi là món ăn đắt tiền ở các quốc gia miền Nam châu Phi.

Báo cáo của FAO cũng nhấn mạnh, hoạt động nuôi côn trùng làm thực phẩm cũng là “một trong nhiều biện pháp giải quyết vấn đề an ninh lương thực” trên toàn cầu. Báo cáo viết: “Côn trùng có mặt ở khắp mọi nơi trên trái đất, chúng sinh sản rất nhanh, lớn nhanh và ít tác động đến môi trường”.

Báo cáo còn cho biết, côn trùng giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt có lợi khi dùng làm thực phẩm bổ sung cho trẻ suy dinh dưỡng. Côn trùng cũng đặc biệt ít tiêu thụ thực phẩm – ví dụ, nuôi gia súc cần đến lượng thực phẩm nhiều gấp 12 lần so với nuôi dế. Phần đông các loài côn trùng ít sản sinh khí nhà kính gây hại cho môi trường hơn so với vật nuôi lấy thịt. Phần lớn những loài côn trùng ăn được tụ tập trong các khu rừng

An An (tổng hợp)
.
.