Dấu hỏi chấm kỳ bí trên không gian
ScitechDaily ngày 10/9 dẫn kết quả của nhóm nghiên cứu do TS Guillaume Desprez từ Đại học Saint Mary (Canada) đứng đầu, cho biết, các nhà khoa học đã phát hiện một dấu hỏi chấm đầy kỳ bí có ánh sáng đỏ trên không gian nhờ quan sát dữ liệu của kính viễn vọng không gian James Webb.
Theo các nhà khoa học, vị trí dấu hỏi chấm đó từng được kính viễn vọng Hubble chụp lại, nhưng có lẽ do công nghệ trên kính Hubble cũ hơn, nó đã không thu lại ánh sáng từ dấu hỏi chấm, khiến dấu hỏi này lúc ẩn lúc hiện.
Dấu chấm hỏi trong dữ liệu James Webb sau đó được xác định là một cụm thiên hà. Các tính toán về khoảng cách cho thấy, hình ảnh mà các nhà khoa học thu được thuộc về vùng không gian quá khứ tận 7 tỉ năm trước, có nghĩa là dấu hỏi đó nằm cách Trái đất khoảng 7 tỉ năm ánh sáng. Nó được tìm thấy tình cờ khi các nhà thiên văn học nghiên cứu cụm thiên hà MACS-J0417.5-1154. Cụm thiên hà khổng lồ này đóng vai trò như một "thấu kính hấp dẫn", có nghĩa là nó có khối lượng lớn đến mức gây ra tương tác hấp dẫn làm cong vênh cấu trúc không gian - thời gian.