Hà Lan, vương quốc của xe đạp

Thứ Năm, 09/11/2023, 08:45

Với 20 triệu xe cho 17,8 triệu dân, mạng lưới làn đường riêng đạt tổng chiều dài 35.000 km, Hà Lan là vương quốc của xe đạp. Chính phủ nước này có trợ cấp cho những người lao động đi lại bằng xe đạp.

Trợ cấp xe đạp

Đi làm mỗi sáng bằng xe đạp tốt cho sức khỏe, cho thành phố (ít kẹt xe hơn), cho môi trường (ít khí thải và giảm ô nhiễm) và thậm chí cho cả Nhà nước (tiết kiệm chi tiêu cho y tế, an sinh xã hội hay bảo hiểm). Do đó, mặc dù điều phổ biến nhất là trợ cấp giao thông công cộng, một số nước châu Âu có sáng kiến ​​​​trả lương cho những người lao động đi lại bằng xe đạp. Riêng Hà Lan là quốc gia áp dụng chính sách này từ lâu.

lan_duong_xe_dap_amsterdam.jpg -0
Làn đường xe đạp ở Amsterdam

Năm 2006, chính phủ Hà Lan trợ cấp 19 xu (cent; tương đương 1/100 euro) cho mỗi km di chuyển bằng xe đạp đến nơi làm việc. Đây là khoản bù đắp cho chi phí xăng dầu và giao thông công cộng. Năm nay, con số này tăng lên 21 xu. Kể từ 2024, mức chi sẽ tăng lên 23 xu. Số tiền này được Nhà nước trả thông qua bảng lương của công ty và được miễn thuế. Nếu công ty nào quyết định trả nhiều hơn 21 xu thì công ty đó phải tự nộp thuế cho khoản chênh lệch.

Người lao động tự nhập vào ứng dụng của công ty số km đi được mỗi tuần, không phải cung cấp bất kỳ bằng chứng nào. Tất cả tin tưởng lẫn nhau. Công ty trả số tiền này vào cuối tháng cùng với lương, mặc dù đó là tiền do Nhà nước cung cấp. Tùy quãng đường mà khoản tiền có thể vượt quá 1.000 euro. Theo đó, nếu một người đạp xe khoảng 20 km mỗi ngày sẽ nhận khoảng 1.050 euro cho hành trình cả năm. Với người tự kinh doanh, đạp xe được tính như hình thức khấu trừ thuế, trên dưới 1.500 euro mỗi năm. Khoản thanh toán này không cao đến mức thuyết phục mọi người đều đạp xe nhưng có ích. Điều này tác động đến việc có rất nhiều cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp để di chuyển an toàn.

Hà Lan, vương quốc của xe đạp -0
Bãi xe đạp Utrecht

Pháp cũng cam kết trợ giúp Nhà nước cho người lao động đi làm bằng xe đạp và các phương tiện không gây ô nhiễm khác, chẳng hạn như xe điện hoặc ô tô dùng chung. Các công ty có thể tự nguyện tận dụng cái gọi là “thẻ di chuyển lâu dài” (viết tắt là FMD, theo tiếng Pháp) và trả 800 euro mỗi năm cho mỗi người sử dụng các phương thức vận tải này. Các công ty sẽ khấu trừ số tiền này từ thuế và các khoản đóng góp xã hội. Trong khu vực công, số tiền không được vượt quá 300 euro mỗi năm. Ngoài ra, nước này còn cung cấp viện trợ để đổi ô tô cũ lấy xe đạp điện. Dù vậy, sự phát triển về xe đạp ở Hà Lan thì không đâu sánh bằng.

Ở Hà Lan, Cơ quan điều hành thực hiện một sáng kiến, gọi là Kế hoạch Xe đạp, để mua với giá thấp hơn và được hưởng lợi về thuế thông qua công ty. Một công nhân mua xe mới, có thể sử dụng vào cuộc sống riêng tư, chi phí được trả cho người sử dụng lao động thông qua lương gộp, với mức trợ cấp thuế lên đến 40%. Về mặt kế toán, ví dụ, nếu chọn mẫu xe trị giá 1.000 euro, thì cuối năm người lao động tiết kiệm được 400 euro tiền thuế thu nhập. Điều này có nghĩa chiếc xe thực sự có giá 600 euro. Mặt khác, bảo hiểm và sửa chữa được khấu trừ thuế.

Các công ty tham gia Kế hoạch Xe đạp quyết định cách hoàn trả tiền mua xe của công nhân, hoặc có thể khấu trừ vào thuế thu nhập. Trong khi đó, những người lao động tuân thủ thỏa thuận này sẽ không được nhận khoản tiền trợ cấp 21 xu mỗi km khi đi làm. Ở Hà Lan, 27% tổng số chuyến đi làm được thực hiện bằng xe đạp.

Vương quốc xe đạp

Theo Cục Thống kê Trung ương, với 17,8 triệu dân, có 23 triệu chiếc xe đạp ở Hà Lan. Mỗi gia đình sở hữu trung bình 3 chiếc, là phương tiện được sử dụng nhiều nhất (84% dân số). Đây là quốc gia có nhiều xe đạp nhất trên mỗi người dân (1,3), tiếp theo là Đan Mạch (0,8) và Nhật Bản (0,6). Trong số này, 16% sử dụng xe điện, 6% xe đạp đua. Mạng lưới giao thông dành riêng cho xe đạp có tổng chiều dài 42.500 km, tính đến năm 2022, và tiếp tục mở rộng. Riêng tỉnh Drenthe, đông bắc đất nước, là nơi đầu tiên có làn đường xe đạp bằng sợi gỗ cực kỳ thân thiện với môi trường.

Hà Lan, vương quốc của xe đạp -0
Xe đạp ở Amsterdam

Ở Hà Lan trời khô ráo suốt cả ngày chiếm khoảng 240 ngày một năm. Vì vậy, xe đạp trở thành giải pháp thay thế lý tưởng cho ô tô và phương tiện giao thông công cộng mà không ngại mưa. Tổng quãng đường di chuyển hàng năm khoảng 16 tỷ km. Với cấp thành phố, có sự đồng thuận về sự cần thiết phải giảm đăng ký ô tô trong đô thị. Chính phủ khuyến khích xe đạp. Các thành phố lớn như Amsterdam, Utrecht hay Nijmegen thiết kế những khu dân cư không được phép đỗ ô tô trước nhà. Thay vào đó, bãi đậu cách 300-400 mét để chủ nhà đi bộ hoặc xe đạp.

Chính phủ Hà Lan có kế hoạch đầu tư 345 triệu euro vào cơ sở hạ tầng để 200.000 người khác có thể đi làm. Thật ấn tượng! Câu hỏi đặt ra là đậu ở đâu với mật độ “dân số” xe đạp lên đến 412 chiếc trên mỗi km vuông?

Hơn một thập kỷ trước, đây là vấn đề lớn. Năm 2012, Amsterdam, với vành đai kênh rạch hẹp, các tòa nhà từ Thời kỳ Hoàng kim (thế kỷ 17) được xây dựng trên nền cát và nước, cùng các khu dân cư nhỏ gọn từ thế kỷ 19 có xe đạp tăng đột biến. Hội đồng Thành phố thử mọi cách: các khu vực công cộng lớn trên mặt đất, khu tàu thuyền ngầm, hoặc các quầy hàng nhỏ trên phố. Những vòm thép nổi tiếng cũng gắn dây xích an toàn để giữ xe. Nhiều người dân có xu hướng đỗ xe trên nóc nhà. Vâng, trên nóc nhà. Đây là phát minh được cấp bằng sáng chế cho công ty kỹ thuật địa phương Velominck. Chủ sở hữu là Lo Minck, một chuyên gia xe đạp, với thiết kế nhà kho cơ giới bằng khung thép gắn trên nóc nhà và sử dụng thang máy.

Hà Lan, vương quốc của xe đạp -0
Mark Rutte đi làm bằng xe đạp

Sau đó, bằng nhiều cách thức, xe đạp có thể được đỗ trên bất kỳ con phố nào, miễn là không có biển cấm hoặc cản trở lối đi của người đi bộ. Vấn đề là thường không còn chỗ trống, khi không gian có sẵn tại các thành phố lớn đều đã đầy. Ở đó, đậu xe ngày đầu tiên được miễn phí và ngày thứ hai là 0,50 euro. Từ lần thứ ba tính phí 2,50 euro. Ngày nay, vấn đề được giải quyết bằng những bãi đậu xe ngầm khổng lồ. Giải pháp là xây dựng các gara lớn hơn, đặc biệt là ở các ga đường sắt lớn, nổi bật như ở Utrecht và Den Haag (La Hay trong tiếng Việt).

Utrecht mở bãi đậu cho 12.500 chiếc xe đạp, lớn nhất thế giới hiện nay, dưới quảng trường nhà ga trung tâm. Bãi xe gồm 3 tầng (dài 350 mét), có lối vào từ các phố. Ở đây có đường hầm nối với sảnh lẫn sân ga. Trong ngày đầu tiên sử dụng được miễn phí và khách có thể thanh toán bằng thẻ giao thông công cộng, hợp lệ trên tất cả các dịch vụ công cộng: tàu, xe buýt và xe điện. Bãi đậu cũng có 700 chiếc xe đạp cho thuê và mở cửa 24/24. Den Haag có bãi đậu xe tại ga xe lửa trung tâm với sức chứa 8.500, hoạt động từ cuối 2019.

Xe đạp bình đẳng

Thủ đô Amsterdam có khoảng 920.000 đến 950.000 xe đạp, trong khi số dân gần 880.000 người. Có 820 km đường, hơn 670.000 chuyến đi và tổng cộng khoảng 2 triệu km được đi mỗi ngày. Trên toàn quốc, mỗi người dân di chuyển gần một nghìn km mỗi năm bằng xe đạp. Nhiều bãi ô tô cũ được gỡ bỏ dành cho xe đạp. Một bãi đậu xe ngầm cũng được xây cạnh ga đường sắt trung tâm với sức chứa 7.000. Ngoài ra, trong 5 năm qua, 15.000 chỗ được bổ sung có bảo vệ và 25.000 chỗ khác trên đường phố. Utrecht, có 361.000 dân và số lượng xe gấp đôi, là nơi xe đạp được sử dụng nhiều nhất ở Hà Lan.

Kees Bakker, người phát ngôn của Fietsersbond (Hiệp hội xe đạp Hà Lan; tổ chức phi lợi nhuận), giới thiệu: “Trẻ em là đối tượng đi lại chính vì các em tập từ lúc 3, 4 tuổi và đi học trong độ tuổi từ 6-18. Trong độ tuổi 30-40, tần suất giảm dần khi nhiều người di chuyển bằng ô tô đi làm. Từ tuổi 50, xe đạp được tiếp tục theo cách trở thành môn thể thao. Sau đó, khoảng 65 tuổi, để giải trí. Trong mọi trường hợp, 50% người đi làm bằng tàu hỏa đều đến ga bằng xe đạp”.

Di chuyển như thế này không có gì khác biệt, từ những công dân bình thường cho đến người nổi tiếng. Thủ tướng Mark Rutte đến văn phòng của ông ở Den Haag theo cách này. Cả 3 cô con gái của Vua Willem-Alexander và Công nương Máxima, gồm Công chúa Amalia (2003), các em gái Alexia (2005) và Ariane (2007), đều được chụp đạp xe khi rời cung điện Huis ten Bosch mỗi sớm trên đường đến trường cấp hai.

Marco te Brommelstroet, giáo sư về Di chuyển Đô thị Tương lai tại Đại học Amsterdam (Khoa Khoa học Xã hội và Hành vi), nhìn về tương lai: Với gần 9 triệu ô tô trên toàn quốc, “đã đến lúc phải lựa chọn xem bạn muốn có nhiều hay ít ô tô ở các thành phố. Ở các thành phố lớn của Hà Lan, người dân ngày càng ít sở hữu ô tô hơn. 75% số nhà ở thủ đô không có ô tô. Điều này đáp ứng luật pháp châu Âu, sau các biện pháp lớn để giảm lượng khí thải carbon dioxide và nitơ cũng như bảo tồn thiên nhiên”.

Tạ Ngọc Huy Linh
.
.