Sự bất thường của những người nổi tiếng

Chủ Nhật, 06/03/2022, 19:42

Tính bất thường có khi gọi là bệnh thần kinh, bệnh lẩn thẩn, bệnh lẩm cẩm… từ cổ đến nay vẫn thường thấy. Trên thì quốc vương, dưới thì người ăn mày, tính bất thường đã làm “khổ” biết bao người, nhất là những người nổi tiếng từ văn nhân, nhà khoa học, người lãnh đạo…

Nhà thơ lãng mạn kiệt xuất người Anh Tennyson từ nhỏ đã mắc bệnh “ngủ li bì”, lớn lên chẩn đoán là mắc bệnh “thần kinh”, mất trí đến nỗi không biết mình là ai nữa.

Sự bất thường của những người nổi tiếng -0

Về chuyện này, ông viết: “Trong phút chốc, tôi nghĩ tôi không còn là tôi nữa, cá tính dường như dần dần tan giải hết, cuối cùng tiêu tán đi đâu không biết; nhưng thực ra trạng thái này không hỗn loạn, trái lại, nó rất rõ ràng, rõ ràng đến mức không thể rõ ràng hơn được nữa; rất khẳng định, khẳng định đến mức không khẳng định hơn được nữa, quả là khó mà nói nên lời”.

Dostoievski, nhà tiểu thuyết Nga, từng được nhiều người cho là đã phát triển tiểu thuyết phương Tây lên một đỉnh cao, giúp chúng ta hiểu thêm về căn bệnh này: Năm 9 tuổi ông bắt đầu mắc chứng bệnh này, 25 tuổi hơi đỡ một chút, nhiều thì mấy ngày, ít thì mấy tháng phát bệnh một lần, tóm lại bệnh tình lúc đỡ lúc không, rất không ổn định.

Dấu hiệu của “tính bất thường” là hưng phấn quá độ, hết cơn hưng phấn là chuyển sang đau khổ sợ hãi. Lúc đầu ông nhìn thấy vệt sáng chói mắt, sau thì hét lên, tiếp theo là hôn mê đến một hai phút. Khi tỉnh lại ông không biết mình đã nói gì, làm gì, suốt ngày lo âu buồn rầu và dễ tức giận. Có người gọi đó là bệnh “động kinh”. Tính “động kinh” trở thành nguồn sáng tạo ra nhân vật, tư tưởng, cốt truyện của tác phẩm của ông. Hơn 30 nhân vật dưới ngòi bút của ông đều mắc chứng thần kinh.

Các nhạc sĩ Tchaikovsky (Nga), Beethoven (Đức) cũng có thời kỳ mắc chứng bệnh bất thường này. Xem ra các bậc kỳ tài thường khác người ở chỗ này. Hay có phải vì “tính bất thường” này mà họ trở nên nổi tiếng chăng?

Đặng Đức (Theo Ashashi Simbun)
.
.