Phụ thu vận tải biển vô lý làm khổ doanh nghiệp

Thứ Ba, 01/03/2016, 10:18
Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về việc các hãng tàu nước ngoài tiếp tục áp phí vô lý lên các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến phí mất cân bằng vỏ container (CIC). Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phí CIC là một loại phụ phí cước biển mà các hãng tàu thu để bù đắp chi phí phát sinh từ việc điều chuyển một lượng lớn container rỗng từ nơi thừa đến nơi thiếu. Phụ phí này thường thu một mức nhất định cho một container và có thể chỉ áp dụng vào từng giai đoạn cho hàng đi từng chuyến.


Điều này có nghĩa, các hãng vận tải chỉ thu phụ phí này khi có sự phát sinh chi phí lớn trong việc chuyển vỏ container từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các doanh nghiệp, các hãng vận tải liên tục thu phụ phí này tại tất cả các thời điểm trong năm, mà đúng ra chỉ được áp dụng vào mùa cao điểm, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất.

“Tại nhiều cuộc họp của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, Hiệp hội các ngành hàng cùng cộng đồng doanh nghiệp đều đề nghị các hãng tàu nước ngoài xóa bỏ các phụ phí vô lý và tự phát, trong đó có phụ phí CIC. CIC được cho là phụ phí vô lý nhất và cần phải xóa bỏ”, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh. Cũng theo Hiệp hội này, hiện các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi đơn hàng ngày càng thiếu hụt, mọi chi phí gia tăng, có sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, các hãng vận tải nước ngoài cứ áp dụng biểu phí và phụ phí ngày một tăng và áp dụng một cách vô lý, làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ước tính, chi phí Logictics chiếm đến 60% tổng chi phí xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Ông Phạm Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt công nghiệp Hà Nội phản ánh, do đặc thù nên hơn 90% nguyên liệu sản xuất của công ty là nhập khẩu từ nước ngoài và hơn 80% lượng sản phẩm vải không dệt của Công ty được xuất khẩu. Do vậy, các chi phí về dịch vụ Logictics (quá trình vận chuyển hàng hóa đầu vào - đầu ra từ điểm xuất phát tới nơi tiêu thụ) chiếm tỷ lệ rất lớn.

Theo đại diện công ty này, toàn bộ các lô hàng của công ty qua các hãng tàu nước ngoài đều phải đóng phí CIC. Mức thu dao động từ 3,4-3,7 triệu đồng/container 40 feet, tùy hãng tàu. “Chúng tôi nhận thấy không phải hãng tàu nào cũng xảy ra tình trạng mất cân đối vỏ, do vậy việc các hãng tàu thu phí CIC là hoàn toàn phi lý, tự phát”, ông Phạm Hòa Bình nhìn nhận. Tương tự, bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), ngoài việc thu phí CIC một cách vô lý thì từ ngày 1-1-2016, phí nâng hạ container đã tăng 3-5% tại tất cả các bến bãi, cảng, cửa khẩu mà không có giải thích hay căn cứ rõ ràng. Phi lý hơn là cùng một hệ thống cảng biển nhưng mỗi đơn vị lại đưa ra một mức giá với sự chênh lệch trên 20%.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 27 tỷ USD. Năm 2015, tổng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của ngành có tốc độ tăng tương ứng so với tốc độ tăng xuất khẩu khoảng đạt 16,66 tỷ USD. Như vậy tổng chi phí Logictics mà các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả cho các hãng tàu nước ngoài lên tới hàng chục tỷ USD/năm.

Để hạn chế tình trạng trên, ngoài việc khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động đàm phán với đối tác trong việc lựa chọn hãng vận tải, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải cho biết thêm, Cục đã kiến nghị Bộ GTVT hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định niêm yết giá, phụ thu giá cước vận chuyển bằng đường biển, giá dịch vụ cảng làm cơ sở pháp lý để có chế tài phù hợp nhằm hạn chế bất cập nêu trên. Đồng thời, bổ sung quy định giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thực hiện quy định liên quan đến chính sách, chế độ tài chính, thuế đối với các phụ thu giá cước vận chuyển bằng đường biển.

Đặng Nhật
.
.