Từ vụ triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả khủng:

Có hay không sự tiếp tay của người nổi tiếng và đơn vị chuyên môn?

Thứ Ba, 13/05/2025, 09:54

Từ vụ triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã xác định, trong 4 năm (từ tháng 8/2021 đến nay) có 573 nhãn hiệu sữa bột giả được tung ra thị trường. Điều này đã khiến cho dư luận không khỏi phẫn nộ bởi nhiều sản phẩm được quảng cáo dành cho trẻ em, người già, người có bệnh nặng. Đáng nói, sự tồn tại và phát triển này trong đó có cả sự bắt tay với người nổi tiếng, thậm chí là cơ quan chuyên môn để lừa dối, chiếm lòng tin của người tiêu dùng…

Có hay không sự tiếp tay của người nổi tiếng và đơn vị chuyên môn? -0
Hàng nghìn hộp sữa bột giả mang nhãn hiệu Sure IQ bị cơ quan Công an thu giữ.

Bất chấp pháp luật để trục lợi

Trước đó, vào ngày 12/4 vừa qua, Bộ Công an cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố 8 bị can về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Bộ Công an cũng đánh giá, đây là đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Kết quả điều tra bước đầu, từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma (tại khu nhà ở Him Lam, phường Vạn Phúc) và Công ty Hacofood Group (tại LK52-10, KĐT mới Phú Lương, phường Phú Lương) đều thuộc địa bàn quận Hà Đông, TP Hà Nội để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.

Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

Ngoài 2 công ty nói trên được lập để tổ chức sản xuất các sản phẩm sữa bột giả, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma.Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 6/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, vụ việc xảy ra thời gian qua là rất nghiêm trọng khi sản phẩm làm giả liên quan trực tiếp trẻ nhỏ, người bệnh, là những người cần dinh dưỡng đặc biệt. Đây là vi phạm kinh doanh nghiêm trọng vì lợi ích cá nhân, trục lợi trong thời gian dài, bất chấp quy định pháp luật, coi thường pháp luật, là hành vi đáng lên án.

Hiện có 3 loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chuyên biệt, Luật An toàn thực phẩm quy định thực phẩm bổ sung được tự công bố. Với sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chuyên biệt, dinh dưỡng trẻ em phải đăng ký công bố sản phẩm.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, chủ trương tự công bố là để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng quản lý tiên tiến của các nước phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế một số tổ chức cá nhân lợi dụng cơ chế này sản xuất kinh doanh sản phẩm kém chất lượng. Theo Nghị định 15, việc quản lý thực phẩm chức năng liên quan Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Việc quản lý giám sát phần lớn Bộ Y tế đã phân cấp, ủy quyền cho các tỉnh, TP và các Sở Y tế, Bộ Y tế chỉ quyết định về tiêu chí, tiêu chuẩn.

Có hay không sự tiếp tay của người nổi tiếng và đơn vị chuyên môn? -0
Sữa Milo uống liền dạng hộp 180ml và 110ml của Nestlé Việt Nam.

"Việc xảy ra vụ việc như vậy có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, do ý thức đạo đức của người tham gia kinh doanh, lợi dụng sức khỏe người dân trục lợi. Chúng ta tiến tới lộ trình quản lý tiên tiến, doanh nghiệp tự công bố và quảng bá nhiều sản phẩm không đúng chất lượng, nguồn lực tham gia giám sát còn mỏng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Để khắc phục, Bộ Y tế sẽ phối hợp bộ ngành liên quan, Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng phối hợp triển khai. Vừa qua, bộ cũng đã trình Chính phủ Luật dược sửa đổi, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi để quản lý chặt chẽ nhất sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân.

Bắt tay với người nổi tiếng và cơ quan chuyên môn

Mới đây, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như: Doãn Quốc Đam, BTV Quang Minh, Quyền Linh... đã lần lượt lên tiếng xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, phóng đại công dụng hoặc liên quan đến những thương hiệu bị điều tra, xử lý. Những lời xin lỗi nối tiếp nhau phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng.

Trước làn sóng xin lỗi rầm rộ trong thời gian gần đây, công chúng không quên rằng đây không phải là lần đầu các nghệ sĩ Việt vướng vào những ồn ào liên quan đến quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt trong năm 2023, nhiều gương mặt nổi tiếng từng bị chỉ trích vì quảng bá các sản phẩm được gọi là “thần dược” chữa tiểu đường, xương khớp, dạ dày… với những lời lẽ bị đánh giá là thổi phồng công dụng.

Không chỉ “bắt tay” với người nổi tiếng để thổi phồng sự thật, việc nhiều thương hiệu lớn “bắt tay” hoặc gắn những thông tin một cơ quan chuyên môn để quảng cáo, in nội dung “thần thánh” trên bao bì sản phẩm của mình với những lời lẽ mỹ miều cũng rất dễ khiến cho khách hàng, người tiêu dùng lầm tưởng về sản phẩm đã có sự đảm bảo của một cơ quan chuyên môn đó.

Điển hình như sản phẩm sữa Milo đóng hộp uống liền của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nestlé Việt Nam). Cụ thể, chỉ cần vào các cửa hàng, đại lý, siêu thị sữa… khách hàng có thể bắt gặp ngay trên các kệ hàng bày bán sản phẩm sữa Milo uống liền của Nestlé Việt Nam (hộp loại 110ml hoặc loại 180ml..) với lời quảng cáo: “Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng”. Thế nhưng, quảng cáo này có đúng sự thật?

Câu hỏi đặt ra, việc sản phẩm sữa Milo của Nestlé Việt Nam lấy Viện Dinh dưỡng đưa vào quảng cáo có đúng hay không? Viện Dinh dưỡng có tài liệu nào công bố về kết quả kiểm nghiệm lâm sàng hay không cũng là câu hỏi mà người tiêu dùng còn đang băn khoăn. Phóng viên Báo CAND cũng đã tìm ra lời giải gửi đến bạn đọc.

Có hay không sự tiếp tay của người nổi tiếng và đơn vị chuyên môn? -0
Những nội dung về sữa Milo uống liền của Nestlé Việt Nam được in trên vỏ hộp dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Trả lời báo chí, TS. BS. Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, trong năm 2022-2023, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”.

Cụ thể: Đề tài nghiên cứu này đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở và có kết luận: Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu.

Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh tiểu học sau 3 tháng.

Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng trí lực cho học sinh tiểu học sau 3 tháng nghiên cứu.

Chính điều này, ngày 21/4/2025, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản yêu cầu Nestlé Việt Nam về việc “rà soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong truyền thông”. Đặc biệt, Viện Dinh dưỡng cũng nêu rõ yêu cầu: “Công ty kiểm tra, rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm, nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định nêu trên, đề nghị gỡ bỏ ngay nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cho cộng đồng”...

Theo Luật sư Vũ Quang Vượng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi quảng cáo sản phẩm sai sự thật, những người nổi tiếng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 38/2021. Cụ thể: Người vi phạm về quảng cáo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 20 đến 80 triệu đồng và bị cấm hoạt động quảng cáo từ 1 đến 2 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, nếu cố ý quảng cáo cho sản phẩm giả, biết rõ sai sự thật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù thấp nhất là 3 năm, cao nhất lên tới 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu việc quảng cáo liên quan đến thuốc giả”.

“Tại Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định: Hành vi quảng cáo sai sự thật là việc đưa ra thông tin không đúng hoặc gây nhầm lẫn về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm các yếu tố như chất lượng, công dụng, thành phần, xuất xứ, giá cả, hoặc thời hạn bảo hành. Hoặc theo quy định tại Nghị định số 15/2018 thì những nội dung quảng cáo sản phẩm cũng được quy định rất rõ tại Chương VIII của Nghị định này”, Luật sư Vũ Quang Vượng chia sẻ.

Quang Trường
.
.