Doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng năng suất nhờ Al

Thứ Sáu, 04/04/2025, 08:10

AI (trí tuệ nhân tạo) đã được nhiều ngành sản xuất của Việt Nam ứng dụng trong quy trình và sản phẩm, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí. Một số ngành, lĩnh vực trong công nghiệp và thương mại đã ứng dụng AI thành công.

Al giúp năng suất lao động tăng 3-4 lần

Ông Nguyễn Văn Lợi, bộ phận B2B, Công ty vali Hùng Phát (Hưng Yên) cho biết, công ty chuyên về sản xuất vali, túi xách xuất khẩu đi nhiều thị trường khác nhau. Từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu 30 container sang thị trường Nhật Bản và đang sản xuất tiếp để cung cấp các đơn hàng sang Mỹ trong thời gian tới.

Thời gian qua, bắt nhịp ứng dụng AI vào sản xuất, doanh nghiệp đã ứng dụng trên các nền tảng như bán hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, tìm kiếm khách hàng; trong thiết kế cũng sử dụng AI để tham gia vào quá trình thiết kế, xây dựng những hình ảnh các chi tiết sản phẩm như mô phỏng hình ảnh balo, vali, những phụ kiện lắp ráp vali, dựng mẫu trước khi ra sản phẩm thực tế để khách hàng xem trước.

Doanh nghiệp cắt giảm chi phí,  tăng năng suất nhờ Al -0
Ngành da giày, dệt may ứng dụng AI thành công vào thiết kế, sản xuất.

Cùng với đó, ngành dệt may và thời trang Việt Nam đang nỗ lực bắt kịp làn sóng ứng dụng AI, công nghệ 3D, robot hóa... để tăng khả năng cạnh tranh. Trao đổi với PV Báo CAND chiều 2/4, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean cho biết, Công ty đã chuyển đổi 100% sang việc áp dụng công nghệ xanh, vừa có thể nâng cao sản xuất vừa gắn với bảo vệ môi trường. Một trong những hạng mục đầu tư của Việt Thắng Jean là dây chuyền sản xuất 10.000 sản phẩm hoàn chỉnh với giá 12,5 triệu USD, gấp 8 lần so với dây chuyền bình thường.

Theo ông Thắng, ứng dụng công nghệ 4.0 và AI đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí về nhân công, mặt bằng, điện, nước và tốc độ khấu hao cũng nhanh hơn. Như tích hợp AI với phần mềm 3D, quản trị, thuế, khách hàng giúp doanh nghiệp vận hành nhà máy hiệu quả hơn. Trong sản xuất, trước đây 50 người làm được 1.000 sản phẩm, thì nay cũng số người này nhưng có sự trợ giúp của AI, robot sẽ làm ra 3.000-4.000 sản phẩm. Hay ứng dụng trong thiết kế đã giúp giảm rất nhiều khâu từ làm mẫu, dập truyền thống, may… thì nay dùng trên 3D. Ngoài ra, AI cũng giúp phân tích xu hướng, tiêu dùng của thị trường, giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả và chính xác.

Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng là đơn vị ứng dụng AI thành công. AI được sử dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu thị trường. Nhờ đó, Vinatex đã giảm 30% thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và giảm lãng phí.

Trên thực tế, việc ứng dụng AI trong sản xuất tại Việt Nam ngày càng phổ biến, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí. Một số ngành, lĩnh vực trong công nghiệp và thương mại đã ứng dụng AI thành công. “Hiện, ứng dụng AI không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nói.

Doanh nghiệp tăng cường đầu tư Al

Ở góc độ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, ông Hồ Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud cho rằng, mức độ ứng dụng AI của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt sau những năm gần đây khi ChatGPT và các công nghệ mới liên tục thay đổi, đã tăng lên đáng kể với sự tham gia của nhiều ngành nghề. Khoảng 5 năm trước, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ AI cho doanh nghiệp Việt Nam, tập trung chủ yếu vào ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, sau đó mới đến bán lẻ và sản xuất. Khi AI bùng nổ trong hai năm gần đây, các doanh nghiệp đa ngành bắt đầu tham gia nhiều hơn.

So sánh với nhiều nước trên thế giới, ông Hồ Minh Thắng cho hay, Mỹ và Trung Quốc thuộc nhóm dẫn đầu với những bước tiến mạnh mẽ. Nhóm tiếp theo là các nước phát triển hơn như châu Âu hoặc trong khu vực có Singapore. Việt Nam hiện nằm ở nhóm thứ ba. Tuy nhiên, mức độ quan tâm và sẵn sàng ứng dụng AI của doanh nghiệp Việt Nam khá cao. “Việt Nam hiện đứng thứ sáu trong khu vực ASEAN về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI và thứ 59 thế giới. Mục tiêu đến năm 2030 là vào tốp 50 thế giới và đứng thứ tư ASEAN. Xu hướng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng năng suất, tối ưu và tự động hóa hoạt động”, ông Thắng nói.

Từ thực tế ứng dụng AI vào sản xuất, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean cho rằng, để ứng dụng thành công AI vào sản xuất, vận hành thì trước hết doanh nghiệp cần đầu tư cho chuyển đổi số, đầu tư AI phù hợp với hoạt động của mình để vận hành hiệu quả, và phải có dữ liệu. Việt Thắng Jean hiện đang chi khoảng 16 triệu/tháng cho AI để vận hành từ quản trị, quản lý kế hoạch, sản xuất, tài chính, kế toán… Trung bình thuê 1 AI hết 5 triệu/năm.

Theo ông Hoàng Ninh, sắp tới, trong lĩnh vực sản xuất, riêng Bộ Công Thương sẽ có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng AI. Bộ Công Thương cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Trần Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa cho rằng, ứng dụng AI là xu thế tất yếu và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Do đó, cần tích cực đào tạo nguồn nhân lực về AI, đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng AI. Cùng với đó, Nhà nước cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nhà máy và ứng dụng AI. Các chuẩn mực này sẽ là căn cứ để các đơn vị triển khai và áp dụng ngay vào thực tế. Hiện nay, tiêu chuẩn về AI và chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn hạn chế, do đó cần có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp và viện nghiên cứu có thể thực hiện hiệu quả.

Lưu Hiệp
.
.