Tỷ lệ tiêm vaccine trong chăn nuôi gia súc, gia cầm còn hạn chế
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, không thể có chuyện tiêm vaccine cũng được, không tiêm cũng chẳng sao. Vaccine không chỉ là khuyến nghị kỹ thuật mà là một "lá chắn" bắt buộc nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, duy trì sản xuất và giữ uy tín cho ngành Chăn nuôi Việt Nam.
Độ phủ vaccine còn hạn chế
Ngày 16/6, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm (CGC), lở mồm long móng (LMLM) và dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tương đối hiệu quả. Toàn quốc ghi nhận 251 ổ dịch DTLCP tại 35 tỉnh, giảm 14,63% số địa phương có dịch, giảm 61,79% số ổ dịch và 81,27% thiệt hại so với cùng kỳ 2024. Cúm gia cầm xảy ra tại 6 tỉnh với 9 ổ dịch, khiến 21.337 con mắc và 25.318 con bị tiêu hủy, số tỉnh có dịch giảm, nhưng mức độ thiệt hại lại tăng gấp đôi (2,03 lần). LMLM ghi nhận 10 ổ dịch trên cả nước với 235 con mắc, 34 con tiêu hủy, giảm hơn 77% số ổ dịch và hơn 83% số con mắc.
Về Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh CGC, giai đoạn 2019 - 2025, lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, công tác giám sát chủ động đã góp phần cảnh báo sớm, phân tích dịch tễ học và định hướng lựa chọn vaccine phù hợp; số lượng ổ dịch CGC giảm đáng kể so với giai đoạn trước (2014 - 2018), giảm 33% về số ổ dịch trung bình/năm, giảm 3,6% số tỉnh có dịch. Tuy nhiên, đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm, tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh động vật bằng ngân sách Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu các Kế hoạch quốc gia đề ra. Tỷ lệ tiêm vaccine cho đàn lợn mới đạt 1,11% tổng đàn; vaccine CGC đạt 19,8% và LMLM trên trâu bò đạt 25,5%.
Ngoài CGC, hầu hết các bệnh còn lại đều có tỷ lệ tiêm dưới 10%, cho thấy độ phủ vaccine còn hạn chế, nhất là ở khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khó khăn trong công tác rà soát tổng đàn sát thời điểm tiêm, thiếu kinh phí, thủ tục mua sắm phức tạp, và ý thức tiêm phòng của người dân chưa cao. Một số địa phương vẫn chưa triển khai chế tài xử lý đối với trường hợp không chấp hành tiêm phòng, khiến việc bảo đảm miễn dịch cộng đồng gặp nhiều trở ngại.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đánh giá, sau 5 năm triển khai, các chương trình, kế hoạch đã đạt được những kết quả quan trọng. Không chỉ góp phần kiểm soát hiệu quả nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, các chương trình còn tạo ra chuyển biến đáng kể về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống, từ chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn đến người chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số vấn đề bất cập mang tính hệ thống.
Khi tổ chức chính quyền cấp huyện được điều chỉnh, nhiều nghị định, thông tư hiện hành đã không còn phù hợp với mô hình quản lý mới. Do đó, cần sớm có giải pháp rà soát, điều chỉnh và sửa đổi kịp thời các quy định pháp luật liên quan. Thứ trưởng nhấn mạnh rằng việc sửa đổi phải đi vào đúng bản chất vấn đề, không hình thức, không chắp vá, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc phân cấp, phân quyền rõ ràng, tạo điều kiện để các địa phương chủ động triển khai, chịu trách nhiệm và linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch.
Tiêm vaccine ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức
Một điểm nghẽn lớn được chỉ ra, theo ông Tiến là sự thiếu nhất quán trong tổ chức tiêm vaccine tại nhiều địa phương. "Không thể có chuyện tiêm cũng được, không tiêm cũng chẳng sao. Vaccine không chỉ là khuyến nghị kỹ thuật mà là một "lá chắn" bắt buộc nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, duy trì sản xuất và giữ uy tín cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Trong thực tế, nhiều nơi vẫn tiêm chủng mang tính hình thức, tỷ lệ bao phủ thấp, giám sát lỏng lẻo và kiểm tra chưa quyết liệt. Tình trạng này không chỉ làm suy yếu hiệu lực của các chương trình quốc gia mà còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát các đợt dịch nghiêm trọng trên diện rộng", ông Tiến nhấn mạnh.
Ở lĩnh vực khoa học công nghệ, ngành Thú y đã có những bước tiến đáng kể như nghiên cứu thành công vaccine tái tổ hợp phòng DTLCP, giải trình tự gen các chủng virus mới. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng cần tiếp tục đầu tư có chiều sâu vào hệ thống giám sát, cảnh báo, chẩn đoán và sản xuất vaccine nội địa. Trong điều kiện hạ tầng còn hạn chế, ông đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa, thuê dịch vụ trong các khâu như kiểm nghiệm, cấp phép và quản lý vaccine. "Không thể duy trì cơ chế độc quyền vì sẽ dẫn tới kẽ hở cho tiêu cực", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói...
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ rõ tình trạng giết mổ nhỏ lẻ gia tăng, trong khi kiểm soát ATTP chưa theo kịp, thậm chí còn lỏng lẻo ở một số địa phương. Nhiều vụ việc đã được phát hiện liên quan đến thịt lợn, chân gà không rõ nguồn gốc, đóng dấu kiểm dịch sai quy định, lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và làm giảm niềm tin vào hệ thống kiểm soát thú y. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải siết chặt hơn nữa hoạt động giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, không để an toàn thực phẩm trở thành "điểm mù" trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang chuyển mình theo hướng hiện đại, Thứ trưởng cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng, tham gia đầu tư nghiên cứu và sản xuất vaccine nội địa, đồng thời phối hợp triển khai các mô hình thực nghiệm nhằm giảm giá thành và nâng cao khả năng tiếp cận của người chăn nuôi. Ông nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể chỉ đứng ngoài quan sát mà phải tham gia từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm, truyền thông đến ứng dụng thực tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cảnh báo không được chủ quan, bởi phía trước còn nhiều thách thức lớn: Buôn lậu qua biên giới vẫn phức tạp, việc kiểm soát kháng sinh, chất cấm chưa hiệu quả, hạ tầng kỹ thuật còn yếu, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 50%. Nếu không có giải pháp đồng bộ, khó có thể kỳ vọng ngành chăn nuôi Việt Nam vươn lên vị thế cao hơn trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.
Ông cho rằng phát triển chăn nuôi hiện đại không chỉ là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp mà cần sự phối hợp liên ngành, liên cấp và đồng hành của doanh nghiệp, người dân. Chỉ khi xây dựng được một hệ sinh thái chăn nuôi an toàn, minh bạch, có năng lực ứng phó cao trước dịch bệnh thì ngành này mới thực sự trở thành trụ cột bền vững của nền nông nghiệp quốc gia.