Gần 200 hộ dân bất an vì dự án “Tháp đôi nghĩa trang”
Thông tin về dự án “Tháp đôi nghĩa trang” do Công ty TNHH Thương mại Hỗ trợ Miền Núi (Công ty Miền Núi) chuẩn bị được đầu tư xây dựng nằm phần lớn trên địa bàn phường Hạ Đình (Thanh Xuân) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) đã khiến gần 200 hộ dân tổ dân phố 60 xã Tân Triều (ngõ 307 đường Nguyễn Xiển, Hà Nội) gần tháng nay mất ăn mất ngủ. Nguyên nhân là tổ dân phố này nằm trong quy hoạch dự án. Tuy vậy theo cư dân, đây là dự án có rất nhiều vấn đề và đã gửi rất nhiều đơn kiến nghị, kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Lo phải nhường nhà lấy chỗ cho… tháp tro cốt
Tiếp xúc với PV, nhiều hộ dân trong tổ dân phố 60 xã Tân Triều tỏ vẻ lo lắng. Ông Nguyễn Đức Hành, cư dân trong tổ không giấu được vẻ bức xúc cho hay, gần tháng nay từ khi xuất hiện thông tin khu vực này sẽ bị di dời để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cho dự án Trung tâm Thương mại và dịch vụ Văn hóa Tâm linh do Công ty Miền Núi làm chủ đầu tư, người dân trong tổ đang rất hoang mang.
“Cư dân đang sống ổn định ở đây gần 20 năm nay, giờ tự nhiên lại phải nhường chỗ cho… cái nghĩa trang, làm sao mà không bức xúc cho được. Chú xem có ở đâu người sống đang sinh sống ổn định lại phải nhường đất cho người chết chưa. Đây là cái dự án quá vô lý”, ông Hành bức xúc cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, khu vực tổ dân phố 60 trước đây là đất nông nghiệp thuộc xã Tân Triều huyện Thanh Trì. Sau khi Nhà nước thu hồi một phần để làm dự án đường vành đai 3, diện tích đất còn lại không phù hợp để canh tác, người dân đã chuyển sang xây dựng chuồng trại để chăn nuôi và làm nhà ở. Dần dà từ đó hình thành nên tổ dân phố 60 này.
Ông Trần Văn Mô, đại diện tổ dân phố 60 cho biết, đất ở đây là đất được giao cho dân theo Nghị định 64, giao cho dân 20 năm để canh tác nhưng vì khi làm đường vành đai 3, quy hoạch một số nữa không còn nước, không trồng lúa được nên người dân chuyển đổi sang làm chuồng trại chăn nuôi, xây nhà ở.
Phối cảnh dự án “Tháp đôi nghĩa trang”. |
“Theo chỉ đạo của thành phố là để làm dự án trước đây là Trung tâm Thương mại-Dịch vụ Hạ Đình lấy đất công cộng, nhưng ở đây lại không lấy đất công cộng mà lại lấy đất của dân. Đất công cộng khác hoàn toàn với đất được giao cho người dân theo Nghị định 64. Đây là việc làm sai trái của UBND huyện Thanh Trì”, ông Mô cho biết.
Theo như lời của cư dân tổ dân phố 60, thì ngày 28-6 vừa qua, Chủ tịch UBND xã Tân Triều, ông Nguyễn Hữu Vị đã ký ban hành một loạt quyết định về việc cưỡng chế phá dỡ đối với hầu hết các hộ dân tại tổ dân phố 60, ngõ 307, đường Nguyễn Xiển, tuy nhiên, do gặp phản ứng quyết liệt từ phía người dân nên việc cưỡng chế này đã phải dừng lại.
Một dự án với nhiều dấu hỏi
Theo tìm hiểu của PV, dự án “Tháp đôi nghĩa trang” trước đây là dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hạ Đình được UBND quận Thanh Xuân phê duyệt trúng thầu theo Quyết định số 2630/QĐ-UBND cho liên danh là Công ty Miền Núi và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam.
Thời gian khởi công là quý IV năm 2010 dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng quý III năm 2013. Thế nhưng từ đó đến nay đây vẫn chỉ là dự án “trên giấy”.
Trong khi đó Tổng diện tích đất thu hồi để xây dựng Trung tâm Thương mại dịch vụ Hạ Đình đến nay đã thay đổi đến 4 lần: lần thứ 1 là 13.000m², lần thứ² lên thành 18.000m², lần thứ 3 lên đến 20.000m², lần thứ 4 lại giảm xuống còn 15.000m².
Dự án nằm trên giấy rất lâu không được triển khai nhưng vấn đề lại phát sinh khi, mới đây Công ty Miền Núi có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc xin chuyển đổi dự án Trung tâm Thương mại-Dịch vụ Hạ Đình thành Trung tâm Thương mại- Dịch vụ văn hóa tâm linh.
Và đến ngày 1-9-2015, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 6010/VP-QHKT “đồng ý về nguyên tắc” với đề xuất “bổ sung chức năng thương mại, dịch vụ tâm linh” tại dự án này của Công ty Miền Núi. Dựa vào việc “đồng ý nguyên tắc được bổ sung thêm chức năng thương mại, dịch vụ tâm linh” của UBND TP Hà Nội, Công ty Miền Núi đã “hô biến” chức năng của 2 tòa nhà dự án thành “Tháp đôi nghĩa trang” với hai tòa nhà có 2 tầng hầm, 5 khối đế và 13 tầng là khu vực dịch vụ lưu trữ các lọ tro sau hỏa táng và cốt sau cải táng, dự kiến bố trí khoảng 130.000 ô đựng tro, cốt.
Bên cạnh lo lắng về việc nằm trong diện bị giải tỏa để lấy đất cho dự án “Tháp đôi nghĩa trang”, người dân khu vực tổ dân phố 60 còn tỏ ra ái ngại về mặt tâm linh khi dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng thì đây không khác gì một “chung cư cho người âm”.
“Không biết người ta dựa vào cái gì mà lại duyệt cho cái dự án nghĩa trang lớn như thế này về đây để người sống ở lẫn cùng người chết. Theo như tôi được biết thì theo khoản 3, điều 62, Luật đất đai năm 2013, dự án được xác định là “nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng” phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mà ở đây là HĐND TP Hà Nội chấp thuận.
Thế nhưng theo rà soát thông tin của chúng tôi, thì đây là dự án do UBND quận Thanh Xuân phê duyệt, điều chỉnh, không hề có văn bản, nghị quyết nào thể hiện sự chấp thuận của HĐND TP Hà Nội.
Không chỉ có thế, một chủ đầu tư nhiều năm không đủ khả năng thực hiện dự án, chính quyền không thu hồi mà nay lại tiếp tục cho phép dự án triển khai dưới cái mác khác không hiểu người ta căn cứ vào đâu để phê duyệt, rồi UBND quận Thanh Xuân làm sao có thể phê duyệt dự án trên đất của huyện Thanh Trì được. Do đó dự án này có quá nhiều vấn đề cần phải làm rõ”, ông Trần Văn Mô, đại diện tổ dân phố 60 cho biết.
Trước những câu hỏi của người dân nằm trong quy hoạch dự án “Tháp đôi nghĩa trang”, chúng tôi đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng UBND quận Thanh Xuân và UBND huyện Thanh Trì nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Liên quan đến dự án này, ngày 5-8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có Văn bản 4621/UBND-TKBT yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc, UBND quận Thanh Xuân làm rõ các thông tin quy hoạch, đấu thầu, giải phóng mặt bằng của Công ty TNHH Thương mại và Hỗ trợ kiến thiết Miền Núi - đơn vị chủ đầu tư dự án trên. Đồng thời các đơn vị này phải thông tin đầy đủ về chỉ đạo của TP đối với dự án cho nhân dân biết, đồng thời báo cáo với Thành ủy và UBND TP trước ngày 25-8. |