Tết Mường nơi rẻo cao Thủ đô
Tỉnh lộ 446 chạy dọc từ Vai Réo (huyện Quốc Oai, Hà Nội) qua Yên Trung nối với Bãi Nai (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) trải dài, rộng rãi là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế của các xã vùng ven, trong đó có ba xã: Yên Bình, Tiến Xuân và Yên Trung.
Tết Mường nơi rẻo cao Thủ đô luôn có những nét riêng đặc sắc. |
Sau 6 năm tách khỏi Hòa Bình, cuộc sống của người dân nơi rẻo cao Thủ đô đã có sự chuyển mình rõ rệt. Đặc biệt, số hộ nghèo tại 3 địa phương chỉ còn khoảng 5%, thay vì con số 30% tại thời điểm mới sáp nhập. Sự đổi thay ấy được trông thấy rõ nét nhất qua vùng quê Yên Trung, xã nghèo nhất trong ba xã lúc mới sáp nhập. Những con đường vào xã 6 năm trước còn là đường đất, gồ ghề, nay hầu hết đã được bê tông hóa khang trang, lớp học tạm cũng được xóa… đó là những hình ảnh dễ nhận thấy về sự phát triển của Yên Trung.
Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Yên Trung, ông Hoàng Phương phấn khởi cho biết, toàn xã có hơn 3.600 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 82%. Từ tháng 8/2008, sau khi sáp nhập về Hà Nội, Yên Trung đã nhận được sự quan tâm, đầu tư rất nhiều, đặc biệt là về điện, đường, trường, trạm và kênh mương. Đến nay, 60% đường giao thông trong xã đã được bê tông hóa; trạm y tế, trường học của xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia…
Từ sản xuất một vụ lúa, giờ đây người dân đã mạnh dạn chuyển sang cấy hai vụ, năng suất đạt 59,7 tạ/ha, tăng hơn 2 lần so với năm 2008. Từ một xã nghèo nhất Thủ đô với 30% hộ nghèo, đến nay Yên Trung chỉ còn 50 hộ nghèo (chiếm 5%) và không còn hộ đói.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, tổng giá trị sản xuất của 3 xã miền núi trong 5 năm (2008 - 2013) tăng 59,6%. Để có sự thay đổi này, thành phố, huyện đã tập trung nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng tại ba xã với tổng mức đầu tư lên tới 412 tỷ đồng. Hiện, huyện Thạch Thất đang thực hiện Kế hoạch số 166/KH-UBND của thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô, giai đoạn 2013 - 2015, với hơn 40 dự án trị giá hơn 300 tỷ đồng.
Trên những cung đường trải nhựa nhìn ra xa đến hút tầm mắt, những thửa ruộng đã được phủ bằng màu xanh của cây trồng vụ đông. Ngoài bước phát triển vượt bậc về kinh tế, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mường được quan tâm giữ gìn và phát huy.
Không giấu nổi niềm vui khi nói về diện mạo mới của địa phương, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con đại đa số là đồng bào dân tộc Mường nên năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư cho ba xã vùng cao của huyện, mỗi xã 2 bộ cồng chiêng để đồng bào sử dụng vào dịp Tết và lễ hội. Riêng với Yên Bình, năm 2014 đánh dấu sự ra đời đội cồng chiêng của xã và chính thức tham gia biểu diễn phục vụ bà con, đặc biệt khi dịp Tết Ất Mùi đang đến gần.
Cùng với sự đổi thay về kinh tế, đời sống văn hóa của bà con nơi đây cũng có nhiều khởi sắc. Điều đáng mừng là bên cạnh sự tiếp nhận những nét văn hóa mới khi về với Thủ đô, những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường vẫn được gìn giữ, truyền dạy. Những nét văn hóa ấy được kết hợp, quyện hòa với nét văn hóa của người Kinh đã tạo nên sự khác lạ trong ngày tết của đồng bào Mường trên rẻo cao Thủ đô.
Gắn bó với mảnh đất và con người Yên Trung từ khi đây còn là địa phương thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), ông Nguyễn Tiến Buông, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết, theo quan niệm truyền thống của xứ Mường, ngày xuân chỉ thực sự bắt đầu từ những ngày cuối tháng Chạp. Từ sáng sớm, những nẻo đường đều rộn rã tiếng người gồng gánh hàng ra chợ để chuẩn bị tết. Cùng với bánh chưng, mâm cỗ ngày Tết của người Mường không thể thiếu ba thứ đặc sản: Bánh chéo kheo, nem chua hun và cá đồ.
Ở các xứ Mường cao như Yên Bình, Tiến Xuân, ngay trong đêm giao thừa, sau lễ cúng, đồng bào sẽ kéo ra con suối đầu làng, mỗi người gánh về một xô nước cầu may. Còn người Mường ở Yên Trung lại có tập tục lấy nước giếng làng vào sáng sớm mùng Một Tết về cúng và vẩy trong nhà cầu cho năm mới mọi sự an lành…
Chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường nên hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng. Ít thì một chiếc, nhiều thì một bộ từ 12 - 17 chiếc, nhưng thường là 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Cách chơi cồng của người dân tộc Mường ở Hà Nội cũng có nhiều điểm khác biệt so với chơi cồng Tây Nguyên. Trong đêm giao thừa, những người có uy tín trong bản mặc trang phục truyền thống mang theo cồng chiêng đi chúc tết các gia đình. Người Mường gọi nghi lễ này là “phường bùa”. Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn.
Hội xuân được tổ chức trong ngày mùng 4, mùng 5 Tết, với người Mường có ý nghĩa đặc biệt bởi trong hai ngày này, đồng bào Mường sẽ mặc trang phục truyền thống và chơi những trò chơi của dân tộc Mường như: ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ... “Tết lồng trong tết, đồng bào Mường ai cũng hoan hỷ và tham gia đầy đủ ngày hội xuân” - ông Buông cho biết.