"Thủ phủ" đồ chơi truyền thống tất bật mùa Trung thu

Thứ Tư, 21/08/2019, 11:01
Làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) từ lâu đã được coi là thủ phủ của đồ chơi truyền thống. Mỗi năm vào dịp Tết Trung thu cả ngôi làng lại "tất bật" sản xuất những món đồ chơi vốn gắn liền với bao thế hệ trẻ em nước Việt...

Nghề làm đồ chơi truyền thống vốn đã "bén duyên" với làng Hảo (hay còn có tên là làng Ông Hảo) từ hơn 100 năm trước. Những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử… sản xuất tại đây vốn là thứ không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu về.

Nhắc tới làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là nhắc tới nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống...

Cái nghề mà theo nhiều nghệ nhân cao tuổi trong làng nói rằng "lấy công làm lãi" này đòi hỏi sự tỉ mỉ công phu trong tất cả các công đoạn sản xuất. Ví dụ muốn làm một chiếc trống trung thu, người làng Hảo phải nhập da trâu bò từ các địa phương khác về. Tang trống được làm bằng gỗ mỡ chuyển từ rừng xuống, cũng có khi làm bằng gỗ bồ đề vì loại gỗ đó xốp hơn, dễ làm hơn. Những mảnh da nhỏ làm mặt trống phải được xẻ đều sau đó ngâm nước vôi đến 5-7 ngày trong đó cách 1 - 2 ngày thì người ta phải trở mặt da để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp.

Một trong những sản phẩm "trứ danh" của ngôi làng này là trống Trung thu. 

Ngoài trống trung thu, khoảng 10 năm trở lại đây làng Hảo có thêm một mặt hàng khác là mặt nạ giấy bồi. Trước kia người làng chủ yếu làm mặt nạ chú Tễu, nhưng giờ đây để đáp ứng nhu cầu mới của thị trường sản phẩm của làng cũng đa dạng hơn từ đầu lần, mặt cười.. rồi đến Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, đầu sư tử các kích cỡ… Tuy nhiên người làng cũng vẫn giữ cách làm thủ công như cũ, tất cả các sản phẩm đều là kết quả của hàng giờ lao động từ những đôi tay người thợ thủ công.

Muốn làm ra một chiếc trống Trung thu truyền thống đơn giản cũng qua hàng loạt giai đoạn và cũng đòi hỏi người thợ có tay nghề cao mới chế tạo được.

Có một thời giản, nghề làm đồ chơi Trung thu của làng Hảo tưởng chừng đã bị "thất truyền" khi làn sóng đồ chơi hiện đại đặc biệt từ Trung Quốc tràn về khiến cho nhiều hộ gia đình đã không trụ lại được với nghề. Hiện cả làng chỉ còn 5 - 7 hộ cố gắng "sống chết với nghề".

Ông Vũ Hữu Đọc (làng Hảo) đã gắn liền với nghề làm trống Trung thu mấy chục năm. Theo ông Đọc, chiếc trống nhìn đơn giản, nhưng gồm nhiều công đoạn như cưa gỗ, làm vành, đẽo, sơn, căng mặt trống...

Song gần đây khi thị hiếu của người tiêu dùng bắt đầu thay đổi, xu hướng quay lại với những đồ chơi dân gian đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đang giúp cho nghề truyền thống của làng Hảo có thêm hy vọng.

Trong đó quan trọng nhất là khâu căng mặt trống. Trống đánh kêu có hay không phụ thuộc lớn vào khâu này...
Một người "lành nghề" như ông Đọc cũng chỉ sản xuất được gần 50 chiếc trống mỗi ngày.
Một sản phẩm khác gắn liền với làng Hảo là mặt nạ giấy bồi. Những chiếc đầu lân, sư tử.... đang được người làng Hảo tất bật chế tạo mỗi dịp Tết Trung thu về.
Cũng như trống Trung thu những chiếc mặt nạ giấy bồi cũng được chế tạo thủ công và qua rất nhiều công đoạn.
Giấy bồi phải được làm ướt rồi mới dán vào khung. Hồ dán được chế tạo hoàn toàn từ gạo nếp giã nát vừa đảm bảo sản phẩm bền và an toàn với trẻ em..
Một mặt nạ giấy bồi sau khi tách khuôn....
... sau đó sẽ được vẽ màu. Đây cũng là khâu đòi  hỏi sự tỉ mỉ và khéo tay thường chủ yếu cho phụ nữ làm.
Mỗi chiếc mặt nạ có giá khoảng từ 15.000-30.000 đồng/chiếc và đang được thị trường rất được ưa chuộng...
Hiện tại làng Hảo chỉ còn 5-7 hộ còn bám trụ với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống tuy nhiên quy mô sản xuất cũng đang tăng. Hy vọng thời gian tới cùng với thị hiếu của thị trường, nghề truyền thống này sẽ tiếp tồn tại như các nghệ nhân cao tuổi của làng từng nói "Còn Tết Trung thu còn nghề làng Hảo "
Thanh Anh
.
.