Ám ảnh quãng đời tha hương

Thứ Bảy, 08/10/2022, 07:41

Ôm mộng được sang nước thứ ba để đổi đời, một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai bán tài sản để vượt biên trái phép sang Thái Lan. Thế nhưng, nỗi ám ảnh về quãng đời tha phương nơi đất khách là tâm trạng chung của họ…

Tàn tạ theo ảo vọng

Cuối tháng 9/2022, chúng tôi đến làng Dmun-Măk, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện gặp Rah Lan Rương (SN 2000, trú làng Plei Dmun-Măk), người mới hồi hương từ Thái Lan vào ngày 5/8/2022. Sau gần 5 năm lưu lạc ở xứ người, Rương về nhà với hai bàn tay trắng và thân hình còm cõi.

Ngày đó, để có tiền vượt biên, Rương bán rẻ hơn 1ha rẫy của gia đình. Hết đất, giờ đây vợ chồng Rương và người mẹ già đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Vất vả là vậy, nhưng với Rương, được về nhà bên gia đình đã là điều may mắn, bởi thời gian sống vất vưởng ở Thái Lan là những ngày đầy lo sợ, chờ đợi trong vô vọng.

am-anh-(2).jpg -0
Siu Thuyn kể về sự thay đổi sau khi sắm chiếc máy bơm nước này để làm lúa 2 vụ.

Rương kể: “Nhóm chúng tôi 6 người đi 3 xe máy rồi bỏ xe lại ở lô cao su ở biên giới Đức Cơ, có người dẫn đường qua Campuchia rồi sang Thái Lan. Bên đó chỉ tiền thuê trọ mỗi tháng đã hết 2.800 bath Thái (khoảng 2,1 triệu đồng), hết tiền mang theo là nhịn đói. Để kiếm cơm ăn, chúng tôi kiếm chân phụ hồ hay quét rác. Họ trả lương rẻ mạt lắm, mỗi ngày đi làm khoảng 300 bath, (gần 200.000 đồng), bằng 1/3 lương người Thái thôi. Đã vậy, chúng tôi còn bị họ chửi mắng mà phải chịu thôi chứ biết kêu ai”.

Thế nhưng đối với Rương, khó khăn đó chưa là gì so với nỗi ám ảnh phải chứng kiến người đồng hương cùng nhóm chết dần, chết mòn trong tuyệt vọng. Ánh mắt vẫn lộ vẻ sợ hãi khi nhắc lại chuyện đau xót này, Rương nói:

“Đi cùng tôi qua Thái có một người tên là Siu Priu (SN 1952, ở Plei Ring Đáp, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện). Một lần, ông Priu ra đường mua cơm bị xe tông gãy tay trái. Do không có tiền, cũng không có giấy tờ hợp pháp nên không dám đi bệnh viện. Tôi được cả nhóm phân công ở nhà trọ chăm sóc. Không có thuốc, không được điều trị đúng cách nên vết thương bị nhiễm trùng, ông Priu kêu đau tay, đau bụng mãi.

Cầm cự được 2 tháng thì phải nhờ sư thầy một nhà chùa gần đó đưa đi bệnh viện, chi phí mất hơn 100.000 bath Thái (khoảng 65 triệu đồng), gia đình ông Priu phải bán hết đất gửi tiền qua. Ngoài cánh tay bị nhiễm trùng nặng, ông Priu còn bị ung thư gan nữa. Nằm viện được 2-3 tháng thì ông ấy chết, hỏa thiêu đưa tro cốt về chùa.

Lúc đó, tôi sợ hãi lắm, đêm nào cũng không ngủ được. Tôi sợ một ngày nào đó tôi cũng rơi vào tình cảnh thảm thương giống ông Priu. Tôi tìm cách về Việt Nam nhưng không có tiền, sức khỏe tôi yếu, người ta không muốn nhận tôi đi làm. Tôi bị Cảnh sát Thái Lan bắt giam một thời gian vì nhập cư trái phép. Sau khi được thả, tôi sợ quá, gọi về nhà cầu cứu mẹ. Người nhà tôi cố gắng kiếm đủ 14 triệu đồng để tôi hồi hương”.

Nghe Rương nói, bà Rơ Lan HThu-mẹ Rương ngồi cạnh rơm rớm nước mắt: “Hồi nó ở Thái Lan, cứ nghĩ đến nó là cái bụng tôi buồn. Tôi có một người con là nó thôi mà nó nỡ bỏ tôi trốn qua Thái Lan. Lần nào nó gọi về, tôi cũng bảo: Về đi, về với mẹ, đi làm thuê có gì ăn đó, đừng theo người ta nữa… Hôm nó về, tôi đang đi nhặt mì thì con dâu gọi: “Mẹ ơi, anh Rương về”. Tôi vội vàng chạy về nhà, nhìn thấy nó mà đau lòng lắm, nó gầy gò ốm yếu đi nhiều, thanh niên mà tàn tạ như một ông già. Nhưng nó về được là tôi mừng rồi, mừng như được sống lại đó”.

Làm giàu trên quê hương

Đi trong nhóm của Rah Lan Rương có ba anh em Siu Thuyn (SN 1982), Siu Quên (SN 1995, cùng trú Plei Lok, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện), Siu Suin (SN 1990, trú tổ 1, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện). Năm 2018, ông dượng lấy dì ruột của Rương là Nay Klanh (Ma Blich, làng Dmun, xã Ia Ke, Phú Thiện -đối tượng FULRO lưu vong ở Canada) gọi điện rỉ tai Thuyn rủ người trong làng vượt biên đi tìm cuộc sống mới. Nay Klanh vẽ ra cuộc sống “thiên đường” rằng, chỉ cần qua được Thái Lan thì sẽ có người đưa qua Mỹ hoặc Canada, làm việc nhẹ nhàng, ở nhà lầu, đi xe hơi, có tiền gửi về cho vợ con.

Thế nhưng sau khi cả 3 đưa tổng cộng 40 triệu cho người đi đường thì qua đến Thái Lan, chẳng còn ai đoái hoài họ nữa. Vì nhập cư trái phép, cuộc sống của họ ở Thái Lan đầy bất trắc với những cuộc trốn chạy Cảnh sát Thái Lan và những ngày bụng đói cồn cào… Siu Suin kể: “Nay Klanh bảo là qua Thái Lan người ta nuôi ăn, uống, không phải làm gì, họ bảo lãnh qua Canada luôn. Lúc tới đó thì chúng tôi vỡ mộng, 3 anh em kiếm công việc làm để quay về Việt Nam. Kiếm việc đã khó khăn rồi, gặp ông chủ tốt thì có tiền mua gạo, ông chủ không tốt thì họ quỵt luôn”.

Rất may, sau 7 tháng ngậm đắng nuốt cay ở Thái Lan, họ đã sớm thức tỉnh. Vượt qua nỗi sợ hãi, họ đã tìm cách trở về quê hương. Giờ đây, người anh cả Siu Thuyn đã có kinh tế vững vàng, hai người em cũng đang dần ổn định cuộc sống. Dám nghĩ, dám làm, chăm chỉ lao động, chịu khó học hỏi - câu chuyện về Siu Thuyn là minh chứng rõ nét cho thấy không đâu bằng chính quê hương mình, không cần phải đi đâu xa để kiếm tìm cuộc sống sung sướng mà có thể làm giàu ngay trên mảnh đất mình sinh ra, lớn lên và hạnh phúc bên gia đình, bà con buôn làng.

Thuyn nói: “May hồi đó tôi về sớm, nếu mà về muộn, vợ phải bán hết tài sản lấy tiền để mà gửi qua bên đó lo cho tôi, chắc đất cũng hết luôn. Lúc tôi về thì việc đầu tiên là cải tạo ruộng rẫy. Hồi trước, nhà tôi chỉ có 9 sào ruộng, trồng được một vụ vào mùa mưa thôi. Lúc về, tôi thấy trong làng có người mua máy bơm nước dưới suối Ia Ake lên ruộng làm được 2 vụ, tôi cũng mạnh dạn đi vay vốn Nhà nước, mua máy bơm rồi học hỏi, làm theo từng bước. Được 2 năm thì làm lúa trúng lúa, làm mì trúng mì. Có máy bơm, vào mùa khô, tôi còn thuê đất người ta để trồng lúa, mỗi một hécta trung bình thu được hơn 10 tấn lúa tươi. Năm ngoái, tôi thuê canh tác 6ha thu hoạch được 60 tấn lúa, trừ chi phí cũng dư được hơn 100 triệu đồng”.

Không những là tấm gương làm kinh tế giỏi, Siu Thuyn còn là một trong những người tích cực cùng lực lượng Công an đi tuyên truyền bà con không nghe kẻ xấu vượt biên trái phép. Bởi hơn ai hết, sau chuyến đi Thái Lan, Thuyn hiểu tường tận chân lý: Có làm thì mới có ăn. Thuyn nói: “Đừng nghe người ta nói ra nước ngoài đi nước thứ 3 không làm cũng có ăn. Đâu ai cho không mình cái gì. Như tôi đây, hồi về mới có 9 sào lúa nước, về được 2 năm thì làm lúa, làm mì có tiền, mua thêm được 9 sào lúa nữa, tổng cộng gia đình tôi có 1,8ha lúa và 5ha rẫy mì, tôi xây lại nhà, mua được thêm 2 chiếc xe máy nữa. Ở nhà hay ở đâu cũng vậy, có làm mới có ăn”.

Hạnh phúc bên người vợ mới và ngôi nhà sắp hoàn thiện trị giá khoảng 500 triệu đồng, Siu Suin rất lạc quan vào tương lai tươi sáng và không quên nhắn nhủ những người còn mơ mộng trốn đi nước ngoài với ảo vọng để có cuộc sống sung sướng rằng: “Tôi khuyên anh em, bà con đừng bao giờ nghe kẻ xấu để trốn đi nước ngoài. Tôi qua rồi nên tôi biết, chỉ là mấy trò của quân lừa bịp thôi!”.

Thúy Trinh - Lê Ánh
.
.