Chuyển biến mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị

Thứ Ba, 18/06/2024, 07:35

Những năm qua, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tại tỉnh Quảng Trị đã làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống của hàng nghìn hộ dân ở đây. Đặc biệt, bà con từ chỗ thiếu ăn no, mặc ấm, nay không chỉ tỉ lệ hộ nghèo, cận giảm mạnh, mà đời sống văn hóa, tinh thần còn đạt được nhiều văn minh, tiến bộ.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, vùng đồng bào DTTS và miền núi ở địa phương có diện tích hơn 313.000ha, chiếm 68% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 47 xã, thị trấn ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh, với gần 200.000 người, trong đó các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều chiếm chủ yếu với khoảng 95.000 người.

Chuyển biến mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị -0
Người dân thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phấn khởi thu hoạch lúa đạt năng suất cao.

Qua thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đến nay tỉ lệ hộ nghèo miền núi của tỉnh là 24%, giảm gần 20% so với năm 2020. Toàn vùng có 100% xã, thôn, bản có điện lưới quốc gia; 100% đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% thôn, bản có đường liên thôn theo tiêu chuẩn cứng hóa giúp bà con thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Tất cả các xã ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và trường Tiểu học, 75% số xã có trường THCS. Tỉ lệ học sinh ở đây đi học đúng độ tuổi bậc Tiểu học đạt 95%, bậc THCS 96%. Hơn 40% xã miền núi có nhà văn hóa đạt chuẩn; 88% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng phù hợp phong tục, tập quán của đồng bào DTTS; 66% số hộ gia đình DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi tăng trên 2 lần so với năm 2020 và tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5%/năm.

Năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định phân bổ thêm gần 190 tỉ đồng để tiếp tục thực hiện chương trình nói trên trong năm. Trong đó, bố trí hơn 14,2 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; gần 11,3 tỷ đồng quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết; hơn 107,4 tỷ đồng đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; gần 11,2 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; hơn 11,5 tỷ đồng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở đây.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị bố trí hơn 10,8 tỷ đồng thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; trên 9,5 tỷ đồng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Số kinh phí còn lại tỉnh đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông phấn khởi cho biết, việc thực hiện chương trình kể trên ở địa phương đã mang lại nhiều thay đổi rất đáng mừng. Nổi bật, đến nay hệ thống đường giao thông; điện thắp sáng, sản xuất; trường học; trạm y tế; công trình nước sạch đều được đầu tư xây dựng đầy đủ đến tận từng thôn, bản. Đơn cử, năm 2024, địa phương đã đầu tư xây dựng trường THCS xã Mò Ó với mức kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng, trường Mầm non xã Tà Rụt gần 2 tỷ đồng, bao gồm đầy đủ các phòng học và phòng đa chức năng. Ngoài ra, hầu hết các trường học trong vùng DTTS và miền núi ở địa phương xuống cấp hoặc thiếu phòng học, phòng chức năng đều đã được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp mở rộng hoặc đã có kế hoạch đầu tư xây dựng và sẽ sớm tiến hành trong thời gian tới.

Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho hay, qua việc thực hiện chương trình này, từ năm 2022 đến nay đã có 406 hộ DTTS trên địa bàn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Trong đó, có 153 hộ được hỗ trợ đất ở, 253 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. “Đây thực sự là động lực, đòn bẩy giúp nhiều hộ DTTS vươn lên thoát nghèo. Điển hình như mô hình trồng cà phê chè catimor, chuối mật móc của bà con ở các xã Tân Long, Tân Liên và Tân Thành, với thu nhập hộ/ năm từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỉ đồng”, ông Thuận nói.

Thanh Bình
.
.