Nâng đầu tư công tác cai nghiện, góp phần phòng, chống hiệu quả tệ nạn ma túy

Kỳ 2: Chuyện ghi ở nơi “hướng về mặt trời, bỏ lại bóng tối sau lưng”

Thứ Tư, 17/05/2023, 06:53

Tội phạm ma túy được xem là “gốc” của các loại tội phạm khác. Khi bị ma túy khống chế, từ một người bình thường họ bất chấp tất cả, sẵn sàng biến thành những con thú dữ để gây án, thõa mãn cơn say ma túy. Nhiều địa phương đã coi trọng đầu tư vào công tác cai nghiện, tổ chức tốt cai nghiện, kéo họ từ bùn lầy ma túy trở về thành người có ích cho xã hội. Nhiệm vụ này phải là trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương chứ không riêng gì lực lượng Công an.

Điểm đến tin cậy cho người nghiện

Sau lời giới thiệu của đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội tại Hội nghị toàn quốc phòng, chống ma túy được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi tìm đến Cơ sở cai nghiện số 5. Đây là 1 trong 7 cơ sở cai nghiện thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, TP Hà Nội, đang nỗ lực góp phần cùng với lực lượng chức năng từng bước “làm sạch” người nghiện trên địa bàn.

cai nghien 1.jpg -0
Ông Nguyễn Trọng Dũng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 5 giới thiệu với PV khu vực rau xanh được các học viên cai nghiện trồng.

Khác xa so với suy đoán, hình dung ban đầu của chúng tôi về một cơ sở cai nghiện xuống cấp, xập xệ, khó quản lý bởi những học viên đều là thành phần phức tạp, cơ sở cai nghiện số 5 lại khá khang trang, sạch, đẹp, nằm trong một quần thể xanh, riêng biệt với khu vực dân cư, dù chỉ cách trung tâm Hồ Hoàn Kiếm chưa tới 30km.

Đón chúng tôi ngay từ cổng, ông Nguyễn Trọng Dũng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện số 5 hồ hởi cho biết: Được xây dựng từ năm 2007, với công suất cai nghiện cho khoảng 500 học viên, nhưng chưa khi nào số phòng trong cơ sở này được lấp đầy. Tổng số cán bộ công nhân viên hiện nay của cơ sở có 69 người và hiện đang quản lý hơn 200 học viên. Từ năm 2015 trở lại đây, cơ sở cai nghiện số 5 được xây dựng trở thành mô hình điểm trong cai nghiện tự nguyện công lập.

Nói đến công tác cai nghiện tự nguyện, ông Nguyễn Trọng Dũng thông tin, hiện nay có nhiều hình thức cai nghiện, đó là cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện trong các cơ sở công lập và cai nghiện tự nguyện ở gia đình, các cơ sở cai nghiện tư nhân. Mỗi hình thức cai nghiện đều có ưu, nhược điểm khác nhau, nhưng rõ ràng, với cai nghiện tự nguyện hoặc bắt buộc ở các cơ sở cai nghiện công lập, điều kiện chăm sóc, quản lý, giáo dục người nghiện sẽ tốt hơn.

Công tác cai nghiện được xem là khá đặc thù so với những công việc khác. Chính vì vậy, dù đã được xã hội hóa nhưng hiện nay, số cơ sở cai nghiện tư nhân vẫn còn khá khiêm tốn, bởi không có nhiều người tâm huyết và dám đầu tư vào lĩnh vực, đối tượng chăm sóc được xem là “đặc biệt” này. Đó còn là chưa kể tới bài toán “kinh tế”, khi đa phần hoàn cảnh, điều kiện gia đình của những người nghiện đều rất khó khăn.

Không chỉ thiếu mà diện tích ở các cơ sở cai nghiện tự nguyện ngoài xã hội theo mô hình gia đình lại khá khiêm tốn, nên đa phần những người nghiện vào đây cai theo “giờ” hoặc đến lấy thuốc về nhà điều trị. Việc “tự nguyện” mang tính chất như vậy khó có thể mang lại hiệu quả cao trong quá trình cai, bởi công tác quản lý chưa được chặt chẽ. Đối với những học viên cai tại các cơ sở cai nghiện công lập dưới hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc, thời gian cai của họ tại cơ sở phải tối thiểu 6 tháng.

Trong khoảng thời gian này, họ sẽ được điều trị bằng các loại thuốc cắt cơn, từ đó giảm đi nhu cầu sử dụng ma túy và tiến tới dứt bỏ hoàn toàn với ma túy. Cũng trong thời gian cai, họ sẽ được các nhân viên của cơ sở hướng dẫn làm một số nghề để sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, họ có thể có một nghề nào đó để tự nuôi sống bản thân, tránh xa ma túy, trở thành người có ích cho xã hội.

Ông Nguyễn Trọng Dũng cũng cho biết, dù là cơ sở cai nghiện tự nguyện, song tại đây, các học viên cai nghiện được Nhà nước hỗ trợ tới 70% chi phí cai nghiện. Với thời gian cai nghiện cho mỗi học viên là 6 tháng, gia đình học viên chỉ cần đóng 2,6 triệu đồng. Kinh phí còn lại chiếm tới 70% đã được Nhà nước hỗ trợ.

Đây có thể nói là chính sách vô cùng nhân văn của Nhà nước đối với những người nghiện, hỗ trợ họ và gia đình trong vấn đề cai nghiện, giúp họ sớm từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời. Hàng năm, trung bình chỉ có khoảng 15% số học viên cai nghiện tại cơ sở tái nghiện, phải trở lại cai nghiện lần thứ 2. Đây là thành tích ấn tượng, góp phần phòng, chống hiệu quả ma túy cũng như ngăn chặn không để xảy ra các vụ án liên quan đến ma túy.

Quyết tâm chuộc lỗi, làm lại cuộc đời

Ông Nguyễn Trọng Dũng dẫn chúng tôi đi tham quan các nơi trong cơ sở. Ấn tượng với chúng tôi là những luống rau xanh mướt, sạch ở khu vực trồng trọt của cơ sở cai nghiện số 5. Đây là sản phẩm, thành quả được các học viên trong cơ sở cai nghiện trồng, bổ sung một cách đầy phấn khởi, trách nhiệm cho bữa ăn.

Tại đây, chúng tôi gặp học viên cai nghiện Nguyễn Đăng Trí đang nhổ cỏ, gánh nước tưới rau. Đôi bàn tay trước kia từng bòn rút không biết bao nhiêu tiền của gia đình để “nướng” vào ma túy, thì nay cần mẫn nhổ những ngọn cỏ mọc len giữa các luống rau xanh để bản thân và những học viên khác có thêm điều kiện trong sinh hoạt hơn. Cạnh đó, học viên Trần Văn Trường vui vẻ gánh nước tưới rau, dù trước khi vào cơ sở cai nghiện, ngày cũng như đêm Trường chỉ nằm dài trên giường hoặc phóng xe máy vè vè khắp phố, mặc cho bố mẹ, gia đình quằn quại trong cơn mưu sinh và nỗi thống khổ khi có người nghiện.

Kiến trúc những khu vực tòa nhà phục vụ công tác cai nghiện của cơ sở được thiết kế khá hiện đại và khoa học. Giữa những khu nhà sạch sẽ dành cho các học viên ăn, ở là khoảng sân rộng, lối đi xanh mướt những hàng cây. Cùng với đó, khu vực dành cho thăm nuôi, ăn uống giữa các học viên và người nhà đến thăm hỏi cũng được bố trí hợp lý, sạch đẹp. Đối với những học viên có sự tiến bộ trong rèn luyện, họ còn được gặp người thân trong căn phòng thăm thân.

Trong phòng học văn hóa nằm ở tầng 1 của dãy nhà sinh hoạt của học viên, ngoài bàn, ghế, còn có dàn âm thanh và hệ thống máy chiếu để giúp các học viên dễ liên tưởng, tiếp thu tốt những bài học về tác hại ma túy, cách thức điều trị ma túy, học nghề… Trên tường, những khung tranh bài báo tường được kết dính tỉ mỉ bằng hạt gạo, hạt cát đủ sắc màu, còn là một khẩu hiệu quyết tâm chung “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau bạn”, do chính các học viên viết lên để quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy.

Khu vực chơi thể thao của cơ sở mỗi sáng sớm và chiều tối luôn tập trung rất đông học viên đến tham gia rèn luyện sức khỏe thân thể. Nguyễn Thanh Bình, học viên đang cai nghiện tại đây trước đó chưa bao giờ biết đến nâng tạ, tập thể thao, thì từ khi vào cơ sở cai nghiện, Bình chọn cho mình môn thể thao đó với quyết tâm chiến thắng ma túy. Bình kể, nhà có hai anh em trai thì cả hai anh em đều nghiện. Người em còn bị nhiễm cả HIV.

Bình quyết tâm vào cơ sở cai nghiện số 5 để cai, hòng tìm lại con đường sáng cho bản thân, sau này đỡ đần bố mẹ. Nhìn Bình cởi trần, hai hàm răng cắn chặt, khuôn mặt đỏ gay, mồ hôi túa ra như tắm, nhòe ướt những hình xăm trên người khi nâng tạ, mong rằng quyết tâm từ bỏ ma túy của bản thân cộng với phương thức điều trị cai nghiện khoa học của các nhân viên trong cơ sở sẽ sớm giúp Bình cắt cơn, từ bỏ được ma túy, trở về nẻo thiện.

Liệu pháp kết hợp hài hòa, khoa học giữa điều trị thuốc và tập luyện thể dục thể thao, lao động, sản xuất và nâng cao đời sống tinh thần cho các học viên không chỉ được Cơ sở cai nghiện số 5 áp dụng, mà đây còn là phương pháp chung của các cơ sở cai nghiện khác. Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 của Hà Nội, những tối được ấn định trong tuần, trong tháng đều được lãnh đạo, nhân viên của cơ sở tổ chức biểu diễn văn nghệ cho các học viên cai nghiện nơi đây.

Hơn 300 học viên sau giờ học tập, rèn luyện, đã cùng nhau ngồi nghe những sẻ chia về ước mơ, dự định của các học viên sau khi hết hạn tái hòa nhập cộng đồng. Những câu chuyện về “gia đình, sức khỏe, tình yêu, sự nghiệp” của người chia sẻ với người được sẻ chia như thêm đồng cảm, bởi họ tìm thấy hình ảnh bản thân trong đó, để thêm quyết tâm, dứt bỏ ma túy.

Học viên Nguyễn Văn Xiêm ở tỉnh Điện Biên vui vẻ cho biết: “Trong thời gian cai nghiện tại cơ sở, bọn em thiếu thốn tình cảm, thiếu không khí gia đình, nhưng tình cảm chân thành và sự gần gũi, chia sẻ của các thầy cô đã làm chúng em vơi đi bớt nỗi buồn và nhân đôi niềm vui. Thời gian gần đây, Ban giám đốc tạo điều kiện cho học viên cai nghiện được gặp gỡ, tâm sự thông qua những buổi hát karaoke, chúng em rất vui mừng và phấn khởi”.

Ông Ngô Văn Ất, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 khẳng định: Việc tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho học viên, thông qua các buổi gặp gỡ, giao lưu hát karaoke, đã giúp các học viên có thêm niềm vui, ý chí và nghị lực để vươn lên trong học tập, chấp hành tốt nội quy, quy chế của đơn vị đề ra. Từ đó xây dựng môi trường học tập, mối quan hệ giữa thầy cô và các học viên thân thiện. Từ những hoạt động tưởng chừng như đơn giản như trên nhưng lại có ý nghĩa, trở thành động lực mới cho những học viên đang trên con đường tìm lại chính mình…

còn nữa

Hoàng Phong
.
.