Như cây Sa mu giữa đại ngàn
Là những “cánh chim đầu đàn”, “những hạt nhân kết đoàn” - gần 2.200 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Sơn La thời gian qua đã phát huy tiếng nói, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền tại tỉnh Sơn La góp phần giữ vững ANTT từ cơ sở, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong số 2.200 người có uy tín của tỉnh Sơn La được lựa chọn, công nhận theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có 247 người có uy tín sinh sống tại các xã biên giới của tỉnh Sơn La. Theo chức danh, có 260 người có uy tín đang đảm nhận chức danh bí thư, trưởng bản và 53 người uy tín là Trưởng Ban công tác mặt trận.
Ngược đường từ TP Sơn La đến xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, chúng tôi tìm gặp ông Mùa A Chia (70 tuổi, dân tộc Mông) một trong những cánh chim đầu đàn của dân bản người Mông nơi đây. Ở Lóng Luông, địa bàn có trên 95% đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đây từng được mệnh danh là "chảo lửa" ma túy.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, những người có uy tín ở bản, ở xã, đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Lóng Luông đã cơ bản ổn định. Bà con nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, luôn cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, không trồng cây thuốc phiện, không vượt biên trái phép, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư.
Ông Mùa A Chia, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, đồng thời là người chứng kiến tận mắt những trận đánh “sinh tử” nơi vùng đất này, ngày hôm nay khi nhìn lại cũng không khỏi xúc động trước những thay da đổi thịt của vùng đất mà ông sinh ra, lớn lên. Ông Chia đã cùng các tổ công tác 279 và lực lượng Công an xã, chính quyền địa phương kiên trì đến từng gia đình, gặp gỡ trưởng các dòng họ, các tổ chức đoàn thể lồng ghép các hội nghị tuyên truyền tác hại của ma túy. “Mưa dầm thấm lâu”, sau khi những trùm sỏ ma túy bị bắt, nhiều người dân đã hiểu, dừng lại. Mừng nhất là tôi đã góp phần vận động được nhiều người dân từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời” - ông Chia tâm sự.
Còn tại huyện vùng cao Bắc Yên, là một trong những huyện có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các xã, bản vùng cao, trong đó gần 50% là đồng bào dân tộc Mông, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự gương mẫu đi đầu của người có uy tín, cuộc sống nơi đỉnh mờ sương này đã có nhiều đổi thay…
Xã vùng cao Hang Chú, những năm trở về trước vẫn còn những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt hằng ngày, vẫn còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, tái trồng cây thuốc phiện, tảo hôn, việc hiếu và việc hỷ còn ăn uống kéo dài, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt thì nay xã đã có nhiều đổi thay…
Ông Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, cho biết: Mấy năm gần đây, diện mạo của xã đã có nhiều đổi thay, chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế. Sự đổi thay đó ngoài việc quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng, còn có sự đóng góp của đội ngũ những người có uy tín ở các bản khi họ tiên phong mang những cái mới, giá trị kinh tế cao về cho bà con. Không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, họ còn là những hạt nhân quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hay đó còn là tấm gương của ông Giàng A Chu, 75 tuổi, là người có uy tín ở bản Pa Cư Sáng. Ông đã có những hướng đi mới, vận động bà con phá bỏ trồng cây thuốc phiện thay vào đó là trồng cây thảo quả cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, cuộc sống gia đình ông đã ổn định, con cháu của ông được cắp sách đến trường. Bản Pa Cư Sáng được chọn là bản sạch đẹp và giữ rừng tốt nhất trong xã.
Như lời ông Chu kể, với quyết tâm giúp bà con thoát nghèo, ông đã tự mua 15kg giống thảo quả về, mày mò nghiên cứu và hướng dẫn, giúp đỡ người dân xóa đói, giảm nghèo từ mô hình này. Từ 3ha thảo quả đầu tiên của gia đình mình, giờ diện tích trồng thảo quả ở xã Hang Chú đã tăng hơn 300ha, trở thành vùng thảo quả lớn nhất tỉnh Sơn La với thu nhập của các hộ gia đình trồng thảo quả từ 40-50 triệu đồng/năm.
Bên bếp lửa bập bùng, ông Giàng A Chu không khỏi xúc động chia sẻ: Đã 35 năm tuổi Đảng, mình luôn phải nêu gương đối với cán bộ đảng viên và đồng bào của mình. Để bà con nghe theo mình, làm theo mình thì trước tiên mình phải đi trước, làm thật tốt công việc của mình.
Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, nhờ phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng nên các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Sơn La đã huy động được sức mạnh toàn dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới. Chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều hộ gia đình, cá nhân người có uy tín tiêu biểu, điển hình trong lao động sản xuất kinh doanh. Riêng trong năm 2023 đã có 37 hộ gia đình, cá nhân được biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc và tham gia chương trình “Điểm tựa bản làng”. Những đóng góp của người có uy tín tại tỉnh Sơn La trong những năm qua đã và đang giúp cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La đã giảm từ gần 22% vào năm 2021 xuống còn hơn 11% vào năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% năm 2021 xuống còn 10,9% vào năm 2024.