Niềm hạnh phúc khi thấy sự phát triển của đất nước
Bình yên, no đủ, người dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo là những điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất với ông Siu Dok – một mục sư gốc Việt trong chuyến về thăm quê hương tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Một chiều đầu tháng Tư, chúng tôi đến thăm gia đình ông Siu Dok (69 tuổi, Việt kiều Mỹ) tại làng Kênh Mek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Nổi bật trong khuôn viên ngôi nhà khang trang, rộng rãi tại quê của con trai ông Siu Dok là giàn hoa giấy tím phủ bóng râm mát cả một khoảng trời. Dưới mái hiên và trong nhà, rất đông tín đồ của chi hội Tin lành Việt Nam (miền Nam) làng Kênh Mek đang tập trung để chuẩn bị cho lễ cầu nguyện.
Đây là lần trở về quê hương đầu tiên của cả gia đình 3 thế hệ sau gần 20 năm sống tại Mỹ, khi được hỏi về sự đổi thay của quê hương, ông Siu Dok chia sẻ: “Nhà cửa được xây theo lối thoáng mát hiện đại, đường sá được Nhà nước xây mới, kết nối hạ tầng giao thông đến từng thôn làng, đời sống của dân làng được cải thiện, phát triển hơn xưa rất nhiều, trẻ em đều được đi học, tiếp cận với công nghệ. Đặc biệt là mặc dù đời sống khá hơn, người dân vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống riêng như bên cạnh nhà gạch vẫn có nhà sàn, bếp củi…”.

Trong chuyến về lại quê hương lần này, ông Siu Dok dẫn theo vợ là bà Rmah HPhing (69 tuổi, quê gốc tại huyện Chư Pưh), con và hai cháu nhỏ. Khi chúng tôi đến thăm, đàn ông trong làng đang chuẩn bị cho buổi cầu nguyện ở gian nhà trước, còn trong bếp, những người phụ nữ đang cùng nhau chế biến những món ăn truyền thống của người dân tộc Jrai để cùng nhau thưởng thức khi kết thúc buổi lễ. Thời gian ở quê hương chỉ vài tuần nên ông bà Siu Dok và Rmah HPhing tranh thủ từng phút giây để thăm người thân và tham gia các hoạt động văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên.
Ở Mỹ, ông Siu Dok là mục sư của nhà thờ Tin lành C.M.A “Montagnard American Alliance”, đặt tại bang Raleigh với 100 tín đồ sinh hoạt, chủ yếu là người dân tộc Jrai tại Tây nguyên. Đây là nhà thờ thuộc Hội Truyền giáoTin lành – C.M.A (Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam và miền Bắc đều thuộc Hội này). Trong gần một tháng ở Việt Nam, ông Siu Dok và gia đình đã được chính quyền, lực lượng Công an tận tình hướng dẫn các thủ tục đăng ký tạm trú tại địa phương, cũng như được tạo điều kiện tham gia sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ chi hội Tin lành Việt Nam (miền Nam) tại làng Kênh Mek. Theo lời ông Siu Dok: “Tôn giáo chân chính sẽ hướng con người đến những điều tốt đẹp, nhân văn. Chúa dạy tín đồ yêu thương lẫn nhau, tập trung phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống, không gây chia rẽ.
Điều này cũng đúng theo đường lối lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam. Tôi rất mừng vì bà con trong chi hội Tin Lành Việt Nam làng Kênh Mek luôn đoàn kết, vâng theo lời Chúa, sống tốt đời, đẹp đạo và chấp hành nghiêm pháp luật của Việt Nam. Thời gian tới khi về sinh hoạt tại nhà thờ Montagnard American Alliance, tôi sẽ tiếp tục khuyên tín đồ tại đây giữ đoàn kết, sống thuận hòa, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống”.
Còn Bà Rmah HPhing cũng chia sẻ: “Lần này trở về tôi bị đau nên cũng chỉ loanh quanh thăm bà con xóm làng nhưng thật sự rất vui khi thấy quê hương phát triển, đời sống kinh tế của con ổn định. Cùng các tín đồ trong chi hội Tin lành Việt Nam cầu nguyện, tôi mong những điều an lành, tốt đẹp nhất cho quê hương, bà con mình”.
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Chư Pưh có một số gia đình người dân tộc thiểu số vì tin vào lời lừa phỉnh của các đối tượng xấu về cuộc sống “thiên đường”, “việc nhẹ lương cao”, “giấc mơ Mỹ” nên đã vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan với hi vọng đổi đời. Để được dẫn đường đi, mỗi người phải nộp từ 20 đến 30 triệu đồng cho những kẻ “cò mồi”, trải qua những ngày tháng sống vất vưởng nơi xứ người, làm những công việc tay chân như rửa chén, tỉa cây với tiền công rẻ mạt, không đủ trang trải cuộc sống. Được chính quyền địa phương, lực lượng Công an hỗ trợ, từ cuối năm 2023 đến nay, rất nhiều gia đình đã hồi hương, được động viên tinh thần, tạo điều kiện vay vốn theo chính sách của Nhà nước để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, sống trong vòng tay yêu thương của xóm làng.
Nói về những trường hợp này, ông Siu Dok cho biết: “Cũng có một số người ở làng nhờ tôi cho lời khuyên về việc có nên đi hay không, tôi nói với họ vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, phải bán đất, bán bò mới có tiền để đi. Đi không có lợi gì, lại còn tự hại chính mình, tiền mất tật mang. Thật ra không đâu bằng quê hương của mình, ở đâu cũng phải làm thì mới có của ăn, của để”.
Sống ở một vùng đất xa lạ hơn một phần ba cuộc đời, trong mắt người mục sư ánh lên nỗi niềm thương nhớ khi nhắc đến quê hương. Những lần trở về thăm người thân ở Việt Nam thật sự rất hiếm hoi vì tuổi ông đã cao, sức khỏe cũng yếu dần. “Dù sống chết ở đâu, trong tim tôi luôn có tình yêu với quê hương... Mong cho quê hương, xóm làng ngày càng đổi thay tích cực, người dân có cơm ngon, áo ấm, được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện phát triển kinh tế” - ông Siu Dok bày tỏ.