Jazz Việt dòng chảy lặng lẽ trong đời sống âm nhạc

Thứ Hai, 10/12/2018, 07:00
Bị “lép vế” trong đời sống âm nhạc Việt Nam nhưng Jazz Việt như một mạch nước ngầm âm ỉ, có lúc trồi sụt, lên xuống nhưng mạch nước ấy vẫn chưa bao giờ ngừng chảy.


Những người tiên phong

Jazz vào Việt Nam khá sớm, nó được nhen nhóm trong những quán bar, câu lạc bộ. Nhưng dấu mốc lớn nhất của Jazz Việt song hành cùng người tiên phong nsưt Quyền Văn Minh. Miệt mài, kiên nhẫn, thậm chí quăng quật với Jazz, nsưt Quyền Văn Minh vẫn tin một ngày nào đó, Jazz sẽ chiếm lĩnh tai nghe của người Việt.

“Bình Minh Club” của ông không chỉ biểu diễn những bản nhạc jazz nổi tiếng thế giới, Quyền Văn Minh còn mơ về một giấc mơ Jazz Việt. Gần nửa thập kỷ qua, ông âm thầm khai phá mảnh đất hoang đó. Tôi nhớ, trong live show kỷ niệm 50 năm đời nghệ sĩ, ông muốn chuyển giao lại con đường Jazz Việt cho thế hệ trẻ hơn.

Những người tiên phong cho  Jazz Việt - nghệ sĩ Quyền Văn Minh và con trai Quyền Thiện Đắc.

Con trai ông, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc sẽ nắm giữ sứ mệnh đó. Tôi nhìn thấy những người trẻ, từ những cô bé, cậu bé 9-10 tuổi đến lứa các nghệ sĩ Hồng Kiên, Bảo Long, Hùng Sơn, Xuân Hòa, Lê Duy Mạnh trên sân khấu năm đó như một minh chứng về sự tồn tại của Jazz Việt, dù rất khiêm tốn trong đời sống âm nhạc.

Cách đây 5 năm, khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia ra đời. Trong đêm nhạc kỷ niệm 5 năm thành lập khoa Jazz vừa qua, người nghe được thưởng thức những giai điệu Jazz kinh điển từ các nghệ sĩ Việt. Trong đó, nsưt Quyền Văn Minh đã biểu diễn những tác phẩm Jazz Việt mang sắc màu dân gian do chính ông sáng tác như "Vũ điệu Ponka", "Hội làng"…

Một đêm diễn tôn vinh Jazz Việt, quy tụ những thế hệ nghệ sĩ đã chọn con đường hẹp để đi trên hành trình âm nhạc của mình. Đã đến lúc cần một sự "danh chính ngôn thuận" cho Jazz ,vì Việt Nam không thể tách khỏi đời sống, quỹ đạo của âm nhạc thế giới.

Dòng chảy lặng lẽ

Những người giữ lửa cho Jazz Việt không chỉ có một vài cá nhân như Quyền Văn Minh hay con trai ông, Quyền Thiện Đắc, mà thực tế, chúng ta đang có một thế hệ trẻ được đào tạo về Jazz. Dù muốn hay không, thứ âm nhạc ấy vẫn dội vào đời sống, với những nghệ sĩ tiên phong luôn muốn đi tìm cái mới.

Album Bóng tối Jazz.

Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn rất thành công với "Hạ trắng", "Về quê" vì phù hợp với tai nghe đại chúng. Nhưng anh cho rằng "The Oriental Mood" (Âm hưởng phương Đông), liveshow và album cùng tên hợp tác cùng nghệ sĩ quốc tế Nguyên Lê diễn ra cách đây mấy tháng mới là thành công nhất trong sự nghiệp của anh.

Bởi với "Âm hưởng Phương Đông", anh được sống là chính mình, được trọn vẹn đam mê với Jazz. Vài chục năm trước, anh từng công bố những đĩa nhạc Jazz như "Ru rừng", "Thằng Cuội", tuy nhiên, hai sản phẩm đó không được nhiều người biết đến.

Cách đây ba năm, Giáng Son cũng liều lĩnh thử nghiệm "Bóng tối Jazz" cùng Tùng Dương và Hà Trần. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn là một thứ Jazz dè dặt, chưa thực sự bung phá đúng tinh thần tự do và ngẫu hứng của Jazz.

Ca sĩ Trần Thu Hà

Giáng Son và sự “ăn xăm” của Hà Trần - Tùng Dương - những nghệ sĩ vốn luôn mang trong mình cái mới đã làm nên một  "Bóng tối Jazz" lạ và hay trong thị trường âm nhạc. Ngay sau đó, "Bóng tối Jazz" giành giải Cống hiến ở hạng mục "album của năm" năm 2016.

Trước đó, năm 2015, Phạm Thu Hà cũng tung tẩy với Jazz trong album "Hà Nội yêu", với sự góp sức của nhiều nghệ sỹ tên tuổi trên thế giới như: Henry Franklin, Blake White (Upright bass); Ramon Bonda, Gary Wing, Dusty Hainard (Drums); Tateng Katindig, Gary Matsumoto (Pianist); Vũ Anh Tuấn, John Harrington, Ryan Anglin (Horn Section); Khoa Trương (Guitarist). Họ cùng bước vào phòng thu, chơi nhạc cùng với nhau với một tinh thần và cảm xúc thanh thản nhất dành cho bạn bè và cho Jazz.

Ca sĩ Tùng Dương

Mới đây nhất, Hồ Trung Dũng mất sáu năm để có một "Saigon Feel" mang âm hưởng Jazz. Jazz là niềm đam mê của anh từ nhỏ, ngay cả khi anh hát pop thì chất Jazz ấy vẫn phảng phất đâu đó. Anh ấp ủ làm gì đó với Jazz cho đến khi gặp nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.

Anh chia sẻ: "Vì Jazz được mặc định là khó nghe và tôi muốn thử nghiệm con đường đi từ những gì khán giả quen thuộc, gần gũi đến jazz một cách nhẹ nhàng, êm ái nhất có thể. Đó là sự pha trộn, "mix"  Jazz với Pop, R&B nhưng không vì thế mà mất đi chất Jazz". Jazz của Hồ Trung Dũng sẽ hiện đại hóa và mang tính phổ thông nhiều hơn chứ không gây "sốc" cho khán giả.

Ngoài các album phòng thu, lác đác đâu đó vẫn có những ca sĩ thử nghiệm với Jazz bằng những bản phối mới như Tùng Dương, Hà Trần, Thanh Lam và được khán giả đón nhận bởi sự mới mẻ, phá cách. Ngày 11-12 tới đây, tại đêm nhạc "Nguyệt Hạ 2" ở Trung tâm Văn hóa Pháp,  Giang Trang sẽ hát nhạc Trịnh Công Sơn với tinh thần tối giản, tự do và đầy ngẫu hứng của Jazz.

Dù chưa đậm đặc chất Jazz nhưng các nghệ sĩ đã có những bước đi vững chắc trong cuộc leo núi với Jazz. Tuy nhiên, để phát triển Jazz Việt, cũng cần sự có mặt của các nghệ sĩ Jazz quốc tế đến biểu diễn ở Việt Nam. Sự giao lưu gặp gỡ đó sẽ góp phần kích hoạt đời sống âm nhạc Việt, thay vì chỉ ngồi trong ao nhà và chỉ nghe thứ của mình.

Thanh Bùi, trong chuỗi dự án "Jazz Throuh Time" đã mời về Việt Nam nghệ sĩ Jazz hàng đầu thế giới, David Binney. David Binney chỉ biểu diễn những thứ "Jazz cơ bản" và nghe vẫn "lạ tai" với khán giả Việt, nhưng nỗ lực của Thanh Bùi và cộng sự của anh đã góp phần tạo nên một không khí Jazz ở Việt nam.

Album của Hồ Trung Dũng.

Nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ: "Thông qua chuỗi dự án "Jazz Through Time", anh muốn mang những âm thanh Jazz mới mẻ của thời đại, được các nghệ sĩ tài ba trên thế giới, trong khu vực trình diễn đến với khán giả Việt Nam. Để thúc đẩy Jazz Việt cần có các nghệ sĩ quốc tế đến đây. Dù khó nhưng đó là điều cần làm". Sau David Binney, Jazz Through sẽ tiếp tục với Cường Vũ - nghệ sĩ trumpet gốc Việt từng giành 2 giải Grammy.

Có thể nói, dù không tạo nên một làn sóng, không được thịnh hành và đại chúng như nhạc Pop nhưng Jazz Việt vẫn như một mạch nước ngầm âm ỉ chảy trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Những sản phẩm mang tên Jazz mới chỉ đếm trên đầu ngón tay và thực sự chưa có Jazz thuần chất nhưng đó vẫn là những sản phẩm được giới làm nghề ghi nhận và có khán giả chọn lọc. Tuy nhiên, để nhận diện Jazz Việt và xa hơn, để "xuất khẩu" Jazz Việt ra thế giới như ước nguyện của nsưt Quyền Văn Minh, chúng ta cần nhiều hơn thế.

Phải “xuất khẩu” Jazz Việt

Nsưt Quyền Văn Minh vẫn đau đáu về Jazz Việt. Hằng đêm, tại quán Binh Minh Jazz, ông vẫn chơi nhạc cùng các nghệ sĩ. Bên cạnh những bản nhạc Jazz nổi tiếng thế giới, ông cố tình rót vào tai khán giả những sáng tác Jazz Việt, mang màu sắc dân gian. Ông khao khát sự lan tỏa của Jazz trong đời sống. Là người tiên phong đưa thứ âm nhạc của người da màu Mỹ về Việt Nam, Quyền Văn Minh thừa nhận khán giả Việt không có truyền thống nghe nhạc Jazz. Bởi họ không được giáo dục từ nhỏ. Người Việt chưa có một nền tảng để nghe nhạc Jazz. 

Điều quan trọng là người nghệ sĩ phải nỗ lực để đưa Jazz tiếp cận với khán giả: "Tôi muốn nhạc Jazz phát triển hơn nữa ở Việt Nam, phát triển để Jazz Việt Nam có một đẳng cấp cao hơn. Hiện nay chúng ta đã có một đội ngũ những bạn nghệ sĩ trẻ yêu nhạc Jazz và quyết liệt đi theo con đường của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn mơ ước những điều lớn hơn. Bao giờ chúng ta có được những bản nhạc Jazz Việt mà các nghệ sĩ trên thế giới họ muốn chơi, mua bản quyền để chơi thì lúc đó chúng ta mới ngẩng cao đầu khẳng định, đó chính là nhạc Jazz Việt” - NSƯT Quyền Văn Minh cho biết.

Khoa Jazz tuyển thanh nhạc

Sau nhiều năm ấp ủ, Học viện Âm nhạc Quốc gia sẽ mở thêm bộ môn hát cho khoa Jazz. PGS. TS Lê  Anh Tuấn, Giám đốc Học viện cho biết: "Trong nhạc Jazz, giọng hát cũng là một nhạc cụ, vai trò của ca sĩ vô cùng quan trọng. Thanh nhạc Jazz xuất phát điểm cũng lấy kỹ thuật từ thanh nhạc cổ điển. Đây là xu hướng toàn thế giới rồi. Nói cách khác khi học Jazz, ca sĩ phải có kỹ thuật về "nhạc cụ" gần như hoàn hảo, sau đấy mới có thể học về ngẫu hứng. Một trong những đặc điểm lớn nhất của Jazz là tính ngẫu hứng tức thì, cùng một bản nhạc mỗi lần chơi một khác, nhưng vẫn tuân thủ cấu trúc vòng hòa thanh và thang âm, rất khoa học. Khoa Jazz mới thành lập 5 năm nhưng hiện nay đã có hơn 200 sinh viên các cấp. Đây sẽ là một lực lượng quan trọng góp phần làm nên đời sống Jazz Việt".

Lan Tường
.
.