Những người lính nghệ sĩ Tự hào mặc áo lính

Thứ Hai, 08/02/2016, 16:20
Nghệ thuật là việc khó. Mỗi người nghệ sĩ để thành công cần phải có tài năng và sự khổ luyện. Tài năng là thứ trời cho, nhưng sự khổ luyện thì phải do tự thân mỗi người, và cũng do môi trường công tác tác động vào ít nhiều. Các nghệ sĩ của lực lượng CAND luôn tự hào rằng, họ được làm việc trong một môi trường mà tính kỷ luật chặt chẽ đã rèn cho họ rất nhiều phẩm chất cần có để làm nghề tốt hơn, chuyên tâm hơn.


Kỷ luật chặt chẽ không hề làm mất đi tính tự do phóng khoáng của nghệ sĩ, mà giúp cho người nghệ sĩ hoạch định thời gian tốt, cần mẫn, trách nhiệm với mỗi công việc của mình. Có thể nói, nhiều nghệ sĩ của lực lượng Công an đã trưởng thành nhanh hơn các đồng nghiệp của mình vì thái độ làm việc hết mình, nghiêm túc. 

Trong đợt trao tặng danh hiệu NSND - NSƯT vừa qua, khán giả tự hào là có rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ, tuy còn trẻ về tuổi đời nhưng đã có những đóng góp được công nhận, được Hội đồng xét duyệt danh hiệu Nhà nước công nhận bằng những danh hiệu cao quý. Trong đó, phải kể đến hai tên tuổi được phong tặng danh hiệu NSND là Trần Nhượng và Đức Lợi. 

NSND Trần Nhượng - NSND Đức Lợi. 

Lần đầu tiên, lực lượng Công an nhân dân có 2 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu cao nhất trong chuyên ngành biểu diễn. Ngoài ra là các tên tuổi nghệ sĩ trẻ khác được phong tặng danh hiệu NSƯT như Đặng Minh Lương, Đỗ Thị Kim Oanh, Lương Thu Hoài, Trần Thị Út Lan, Vũ Hồng Quân, Vũ Hồng Tuấn. Họ là những nghệ sĩ đã âm thầm cống hiến cho khán giả, cho cán bộ chiến sĩ toàn lực lượng những vai diễn sâu sắc, tạo nên một diện mạo nghệ thuật biểu diễn đậm màu sắc của toàn lực lượng. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong môi trường công tác khắc nghiệt hơn, gian khổ hơn, thường xuyên phải đi biểu diễn ở vùng núi xa xôi biên giới hải đảo, những người nghệ sĩ chiến sĩ CAND đã không hề quản ngại, luôn làm tốt vai trò của mình, tạo dựng những dấu ấn mạnh mẽ, sâu đậm trong công chúng. Họ chính là những tấm gương để các thế hệ nghệ sĩ trẻ hơn học tập, noi theo, phấn đấu. 

Tôn vinh những người nghệ sĩ của toàn lực lượng bằng những danh hiệu cao quý cũng chính là tôn vinh đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ. Không ai khác, những người nghệ sĩ của lực lượng CAND chính là những người đầu tiên góp công sức, tài năng, bồi đắp làm giàu có hơn đời sống tinh thần của hàng vạn anh em chiến sĩ sau những ngày tập luyện vất vả, sau những ngày phá án căng thẳng. Mỗi vai diễn, mỗi bài hát, mỗi chương trình nghệ thuật mà họ dàn dựng đã mang đến cho khán giả niềm vui, niềm tin vào cuộc sống. 

Một cảnh trong phim ''Khi đàn chim trở về''.

NSND Lê Hùng từng chia sẻ: "Chúng ta chưa đánh giá hết những đóng góp quan trọng mà người nghệ sĩ của lực lượng Công an nhân dân cống hiến cho sân khấu cả nước nói chung. Họ không phải là những người giỏi PR hình ảnh bản thân. Trong những đặc thù riêng của ngành, họ âm thầm làm việc, âm thầm phục vụ đồng bào chiến sĩ, ở những nơi mà truyền thông không tới, truyền hình không có. Họ làm nghệ thuật không cần sự xưng tụng của báo chí. Họ thiệt thòi hơn và không phải lúc nào cũng được đánh giá khách quan công bằng".

Bởi thế, mỗi sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, ngành Văn hóa đối với mỗi cán bộ chiến sĩ là nghệ sĩ của lực lượng CAND chúng ta thêm tự hào yêu mến về họ. Những người đã dành cả cuộc đời để gắn bó với lực lượng, mang lời ca tiếng hát để làm đẹp cho đời, phục vụ bà con vùng núi hải đảo xa xôi, phục vụ cán bộ chiến sĩ trên mỗi nẻo đường đi làm nhiệm vụ.

Giọng ca vàng của lực lượng

Nghệ sĩ Đức Lợi đến với nghệ thuật từ rất sớm. Anh là người Nam Định, sớm bộc lộ tài năng văn nghệ. Tham gia vào lực lượng Công an nhân dân, Đức Lợi nhanh chóng trở thành một hạt nhân tiêu biểu của phong trào văn nghệ của đơn vị. Anh có giọng hát truyền cảm, ngọt ngào, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong khán giả nói chung và cán bộ chiến sĩ của lực lượng Công an nói riêng. 

Chắc chắn không ai quên được giọng ca ấm áp của Đức Lợi trong những ca khúc về đề tài cách mạng, Bác Hồ, như ca khúc: "Chúng con canh giấc ngủ của Người" của nhạc sĩ Đăng Nước. Với ca khúc này, Đức Lợi đã từng giành Huy chương Vàng trong Hội diễn ca múa nhạc Công an Nhân dân năm 1985. Năm 1996, Đức Lợi chuyển công tác từ Nam Định về Hà Nội và chính thức trở thành nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Công an nhân dân.

Một cảnh trong phim ''Câu hỏi số 5''.

Là một nghệ sĩ chiến sĩ công tác trong lực lượng Công an nhân dân, nghệ sĩ Đức Lợi luôn tâm niệm, phải dành toàn bộ nhiệt huyết, tâm sức của mình để phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành, phục vụ các cán bộ chiến sĩ trong ngành, phục vụ bà con ở những miền đất xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc. Hiện được giao trọng trách là thủ lĩnh của đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Công an nhân dân, nghệ sĩ Đức Lợi càng thấm nhuần tôn chỉ này. 

Dù cho nghệ thuật đang bị chi phối rất nhiều bởi cơ chế thị trường, các giá trị thật giả lẫn lộn, nhưng người thuyền trưởng Đức Lợi vẫn luôn vững tay lái. Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc CAND thường xuyên tổ chức những chuyến đi biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ ở những nơi miền núi, hải đảo xa xôi. Những chuyến đi vất vả phải băng đèo lội suối. Bà con ở những bản làng miền núi còn nghèo, còn vất vả, còn thiếu thốn rất nhiều cả về đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần. Nghệ sĩ Đức Lợi luôn nhớ về những kỷ niệm đó với một niềm xúc động khôn xiết. 

Anh nhớ những chuyến đi bàn chân phỏng rộp vì đi bộ quá lâu, người nghệ sĩ biểu diễn trong đêm vùng cao sương mù giá rét. Bình thường ai cũng chân yếu tay mềm, nghệ sĩ mà, nhưng  ở những nơi địa hình hiểm trở như vậy, "chân yếu tay mềm" đến đâu cũng trở thành những người bốc vác thực sự. Loa đài, phông bạt, từ trưởng đoàn đến các nghệ sĩ đều phải quần quật lao động chân tay để xử lý, tháo lắp, dỡ các thiết bị phục vụ cho các buổi biểu diễn. Những sô diễn mà không ít ca sĩ nghệ sĩ sang chảnh thành thị đều lắc đầu ngán ngấm, không hề muốn "đắt sô". 

Con đường gian khó rất nhiều người ngại đi, nhưng nghệ sĩ Đức Lợi tâm niệm rằng, một khi đã lựa chọn làm một người lính đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND thì khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua. Anh hiểu rất rõ vai trò của người nghệ sĩ chiến sĩ, dù có lãng mạn, thăng hoa đến đâu cũng không được phù phiếm, phải thiết thực hơn trong từng nhiệm vụ phục vụ đồng bào chiến sĩ. 

Anh đã nhiều lần đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ ở Hoàng Sa. Những chuyến đi mang theo về nước da rám nắng và hơn cả là trĩu nặng ân tình của những người lính biển. Hát cho những người đang ngày đêm giữ gìn biển đảo là một nhiệm vụ, một hạnh phúc của người nghệ sĩ mặc áo lính như anh. 

Các giải thưởng, thành tích mà nghệ sĩ Đức Lợi đã đạt được thì rất nhiều. Anh đã có tới hơn 30 hoạt động nghệ thuật. Và trở thành NSND, một danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng là một niềm vinh dự tự hào không chỉ riêng cho cá nhân anh, mà cho tất cả các anh chị em văn nghệ sĩ đã và đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân giàu truyền thống anh hùng.

Diễn mà như không diễn

Trần Nhượng là một cái tên không còn xa lạ với khán giả cả nước. Anh nổi tiếng đến mức cứ xuất hiện ở đâu là có người chạy đến xin chữ ký. Cả đời theo đuổi nghiệp diễn, tên tuổi Trần Nhượng đóng đinh với những vai phản diện. Những vai đàn ông hám gái, độc ác, quan tham, hám chức hám quyền, những vai mà có lần anh đùa, "đi hỏi vợ các cô sợ mất dép". 

Cho dù có lúc Trần Nhượng kêu trời các đạo diễn, rằng đừng bắt anh đóng những vai phản diện nữa thì các đạo diễn vẫn cứ tìm anh để "chọn mặt gửi vai". Chung quy cũng tại Trần Nhượng có vẻ ngoài "ăn" vai ác và đểu quá. Lại thêm cái tính cách chỉn chu, lúc nào cũng bảnh bao thơm phức, tác phong kiểu ông chủ ăn chơi phù phiếm, nên anh có muốn chạy trời cũng không khỏi nắng. 

Là nghệ sĩ của đoàn kịch Công an nhân dân, Trần Nhượng có rất nhiều đóng góp cho mảng sân khấu của văn nghệ toàn lực lượng. Trước khi nghỉ hưu, chuyển về công tác tại Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trần Nhượng mang quân hàm đại tá, là Trưởng đoàn kịch nói Công an nhân dân. 

Anh có ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành của nhiều nghệ sĩ trẻ trong đoàn kịch. Những kinh nghiệm suốt một đời đi làm sân khấu luôn được anh truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối. Những vở diễn dưới bàn tay tổ chức, dàn dựng của anh thường xuyên giành các giải thưởng lớn trong các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp của ngành cũng như của cả nước. 

Trong lễ nhận danh hiệu NSND, NSƯT vừa được trao, Trần Nhượng chia sẻ, anh rất xúc động khi nhận danh hiệu cao quý NSND. Anh biết ơn nhưng tháng năm được làm một người nghệ sĩ rèn luyện trong môi trường Công an, với những kỷ luật nghiêm khắc, với nghĩa tình đồng đội chân tình để anh có nhiều cơ hội rèn giũa về bản lĩnh nghề nghiệp cũng như tài năng sân khấu. Tuy đã nghỉ hưu nhưng Trần Nhượng vẫn miệt mài công việc tại Hội Nghệ sĩ sân khấu. Đối với anh, người nghệ sĩ không bao giờ nghỉ hưu, họ sẽ luôn cống hiến cho đời, cho công chúng đến khi không còn có thể. Xin chúc mừng anh, một trong những NSND đầu tiên của lực lượng CAND anh hùng.

Giản dị với nghề

Anh là một diễn viên của đoàn kịch nói CAND, nhưng lại rất quen thuộc với khán giả truyền hình trong những vai diễn hài cực ngọt. Phim đầu tiên Hồng Quân tham gia là phim "Hồi ức binh nhì", khi anh còn là một sinh viên, chưa rời ghế trường đại học. Tuy còn nhiều vụng dại, nhưng ngay từ vai diễn đầu tiên, các đạo diễn kinh nghiệm đã nhìn thấy ở Hồng Quân một khả năng diễn xuất nổi bật. 

NSƯT Hồng Quân.

Dù được các khán giả biết đến nhiều qua phim truyền hình hơn là biết đến với vai trò là diễn viên kịch nói, nhưng nghệ sĩ Hồng Quân luôn tâm niệm rằng, chính những năm tháng sống, làm việc, rèn giũa trong môi trường giàu tính kỷ luật, nghiêm túc và cũng rất chuyên nghiệp của lực lượng Công an nhân dân mà anh có được những bước tiến chắc chắn trong nghề nghiệp. 

Đối với anh, mỗi vai diễn là một cơ hội để học hỏi thêm những điều thú vị về nghề. Nghề diễn thì vô cùng lắm, kiến thức mọi lĩnh vực đều cần, đều quan trọng. Vai một người nông dân, một anh kỹ sư, một người lính, một người cán bộ... đều cho người diễn viên những kiến thức để bổ sung, bồi đắp cho những vai diễn tiếp theo nữa. 

Hồng Quân có ngoại hình rất duyên, rất "bắt" hài, vì thế anh diễn hài vô cùng tự nhiên, như thể cứ từ đời thường mà bước thẳng vào sân khấu, không cần phải tô vẽ, gồng mình. Ở ngoài đời, nếu gặp và trò chuyện với anh, cảm giác anh cũng tự nhiên y như vậy. Dường như đối với người nghệ sĩ này, sân khấu với đời thường là không khoảng cách. Một sự chân thành, giản dị đến đáy trong giao tiếp. 

Hồng Quân cho rằng, nghề diễn cũng chỉ là một nghề như muôn vàn nghề khác trong cuộc đời. Muốn thành công thì phải khổ luyện. Nhưng tài năng nhất định phải là yếu tố trời cho. Tài năng không thể học trong trường lớp hay ai dạy cho mà có được. Không mắc bệnh ngôi sao, không chảnh, nghệ sĩ Hồng Quân âm thầm làm việc. Đã vào vai, dù vai bé nhất chỉ chạy lướt qua màn hình một vài giây, hay vai chính trong một bộ phim, anh đều làm việc với một thái độ nghiêm túc như nhau. 

Công việc là niềm vui của anh, là cuộc sống của anh, giản dị và cũng thiêng liêng, nhưng không cần phải nói nhiều bằng lời. Kỷ luật trong công việc chính là cội nguồn của thành công, và kỷ luật đó thì anh có, nhờ những năm tháng rèn luyện và làm nghệ thuật trong môi trường Công an nhân dân. 

Nghệ sĩ Hồng Quân có một gia đình nhỏ êm ấm với người vợ cũng làm nghệ thuật, rất hiểu công việc của anh và luôn chia sẻ với anh sự nhọc nhằn của từng vai diễn. Bởi có một hậu phương vững chắc mà anh rất chuyên tâm làm nghề. Tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng với những đóng góp của mình, anh xứng đáng được nhận danh hiệu NSƯT trong đợt trao tặng vừa qua.

Vân - Giang
.
.