Bóng rổ nam giành 2 huy chương Đồng SEA Games:

Thành công đến từ chiến lược hợp lý

Chủ Nhật, 26/01/2020, 18:24
Hai tấm huy chương Đồng mà đội tuyển bóng rổ nam Việt Nam giành được ở SEA Games 30 được xem là chiến công lịch sử, bởi mới chỉ trước đó 2 năm, đội tuyển bóng rổ thậm chí còn để thua cả Campuchia.


Đằng sau bước phát triển thần tốc đó là cả một quá trình xây dựng từ tuyến cơ sở cùng những chiến lược thu hút nhân tài rất hợp lý của VBF (Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam).

Mở cửa đón nhân tài

Ông Nguyễn Bảo Hoàng lên nắm ghế Chủ tịch VBF từ năm 2015 và thời điểm đó được xem là bước ngoặt lớn đối với bóng rổ Việt Nam. Cho đến trước khi ông Hoàng được bầu vào cương vị này, giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam vẫn chưa ra đời. Các tuyển thủ quốc gia được lựa chọn theo kiểu so bó đũa chọn cột cờ sau những trận đấu của các liên đoàn địa phương.

Đó không phải và không thể là mô hình để nâng tầm nền bóng rổ quốc gia. Nếu các tuyển thủ chỉ tập trung với nhau vài tuần trước SEA Games, cơ hội vượt mặt các đối thủ trong khu vực là gần như không có. Tại SEA Games 28, Việt Nam thậm chí để thua cả Campuchia, đó là một cú sốc dẫn đến sự thay đổi bắt buộc.

Từ trận đấu với Campuchia, ông Hoàng nhận ra rằng đội bạn sử dụng rất nhiều cầu thủ nhập tịch. Việt Nam không thiếu những nhân tố tài năng đó, song thời điểm đó, luật của giải bóng rổ chuyên nghiệp Đông Nam Á (ABL) chưa cho phép sử dụng những tuyển thủ dạng này. 

Chủ tịch VBF phải tự mình đứng ra thuyết phục những người đồng cấp trong khu vực để nới lỏng luật đối với các tuyển thủ mang hai dòng máu muốn trở về cống hiến cho quê hương.

Chris Dierker Đăng Quý Kiệt - ngôi sao tỏa sáng ở SEA Games 30.

Ở SEA Games 29 tại Malaysia, chủ nhà áp dụng luật của FIBA (Luật của Liên đoàn Bóng rổ Thế giới), nên cơ hội cho cầu thủ Việt kiều rất ít. Đội Việt Nam có 2 cầu thủ Việt kiều đủ điều kiện ra sân là Stefan Nguyễn và Đinh Thanh Tâm. 

Đến SEA Games 30, Philippines thay đổi luật, cho phép bất kỳ cầu thủ nào cũng có thể ra sân nếu có cuốn hộ chiếu trong tay. Và với sự bổ sung của Đặng Quý Kiệt (Chris Dierker) và Dương Vĩnh Luân (Justin Young), đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Kevin Yurkus đã có một đội hình mạnh để dự SEA Games 30.

5 gương mặt sáng giá nhất ở tuyển bóng rổ Việt Nam hiện tại là Đinh Thanh Tâm, Đinh Thành Sang, Trần Đăng Khoa, Justin Young, Chris Dierker đều là Việt kiều nhập tịch. Họ đều đã thể hiện được trình độ ở giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) trong những mùa giải vừa qua và được thử sức trong màu áo đội Saigon Heat tranh tài ở giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á ABL.

Hành trình tại SEA Games chính là thước đo rõ nhất cho sự thành công của chiến lược sử dụng những cầu thủ Việt kiều. Trong nội dung 5x5, thầy trò HLV Yurkus vượt qua Myanmar (tỷ số 151-52) và Singapore (99-78) trước khi đối đầu với chủ nhà Philippines, đội bóng đang xếp thứ 31 trên thế giới. Dù không dự SEA Games bằng đội hình tối ưu, Philippines vẫn ở đẳng cấp rất cách biệt và dễ dàng đánh bại Việt Nam với tỷ số cách biệt 110-69.

Tuy nhiên, mục tiêu lọt vào bán kết đã hoàn thành. Trong trận đấu với Thái Lan, đội tuyển bóng rổ Việt Nam đã thi đấu rất cố gắng và chỉ để thua do một chút thiếu may mắn. 

Trong trận tranh hạng 3, thầy trò HLV Kevin Yurkus đánh bại Indonesia, giành huy chương Đồng lịch sử ở nội dung 5x5. Trước đó, 4 tuyển thủ Quý Kiệt, Dương Vĩnh Luân (Justin Young), Thanh Tâm và Trần Đăng Khoa cũng đánh bại Thái Lan giành HCĐ nội dung 3x3.

Dàn cầu thủ Việt kiều sáng giá của bóng rổ Việt Nam.

Những gương mặt sáng giá

Tại SEA Games 30, ĐT bóng rổ Việt Nam có 5 cầu thủ nội gồm Dư Minh An, Võ Kim Bản, Hoàng Thế Hiển, Lê Hiếu Thành và Nguyễn Huỳnh Phú Vinh. Còn Quý Kiệt, Vĩnh Luân, Đăng Khoa, Thanh Tâm, Tuấn Tú, Phúc Tâm và Đinh Thanh Sang là những ngôi sao Việt kiều nổi bật nhất tại Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam (VBA).

Quý Kiệt từng ra mắt tại VBA 2018 cho Danang Dragons, đồng đội của Phúc Tâm. Vĩnh Luân thuộc biên chế CLB Thanglong Warriors. Đăng Khoa thi đấu tại VBA 2019 cho nhà vô địch Saigon Heat. Anh em Thanh Tâm, Thanh Sang khoác áo Cantho Catfish. Tuấn Tú là người của Hanoi Buffaloes.

Trong 7 cầu thủ Việt kiều dự SEA Games 30, Tuấn Tú, người mang 2 dòng máu Việt Nam - Thụy Điển trở về Việt Nam sớm nhất, khi khoác áo Saigon Heat dự ABL từ 2015. Giống như Tuấn Tú, cầu thủ Việt kiều dự SEA Games 30 đều có dòng máu Việt Nam trong người. 

Đa số sinh ra và trưởng thành tại Mỹ, nơi bóng rổ là môn thể thao được ưa chuộng bậc nhất. Quý Kiệt có mẹ là người Việt Nam. Cả bố và mẹ của anh em Thanh Tâm, Thanh Sang là người Việt sang Mỹ định cư.

Đặng Quý Kiệt (tên Mỹ Chris Dierker) là ngôi sao sáng nhất của đội tuyển bóng rổ Việt Nam. Với chiều cao lên đến hơn 2m, Quý Kiệt là người duy nhất có thể chơi sòng phẳng với các cầu thủ Philippines.

Quý Kiệt sinh năm 1994 tại Mỹ, có mẹ là người Việt Nam. Anh sở hữu thể hình lý tưởng từ khi còn nhỏ và sớm theo đuổi đam mê bóng rổ. Trước khi có tên ở vòng tuyển chọn VBA  2018, Quý Kiệt từng chơi bóng ở giải sinh viên NCAA tại Mỹ cho Madonna Crusaders. Quý Kiệt cũng nhiều lần có tên trong top những cầu thủ hay nhất giải trung học Mỹ.

Sau khi tỏa sáng ở VBA 2018 và dự ABL mùa 9 cùng Saigon Heat, Quý Kiệt không tham gia VBA 2019 mà trở về Mỹ để… đi học. Quý Kiệt sau khi tốt nghiệp ở đại học Madonna, bang Michigan, tiếp tục theo học lấy bằng Thạc sĩ tại đại học công nghệ Michigan. Đến cuối tháng 10 vừa rồi, anh mới bay từ Michigan sang hội quân cùng các đồng đội chỉ đúng 1 ngày sau khi làm bài kiểm tra cuối kỳ.

Justin Young Dương Vĩnh Luân cũng là một cái tên đáng chú ý. Cầu thủ sinh năm 1993 Justin Young là một trong những cầu thủ đã gắn bó với VBA kể từ ngày đầu thành lập. Justin Young từng khoác áo Hochiminh City Wings và Thang Long Warriors ở VBA, Hanoi Buffaloes và PEA tại TBSL cũng như Saigon Heat ở ABL.

Vĩnh Luân cùng với Quý Kiệt, Thanh Tâm và Đăng Khoa là những người được lựa chọn để tham dự nội dung 3x3 tại SEA Games 30 và đem về một tấm Huy chương Đồng cho đoàn thể thao Việt Nam.

Thành công của Quý Kiệt hay Vĩnh Luân cho thấy một tương lai đáng kỳ vọng của bóng rổ Việt Nam. Dàn cầu thủ Việt kiều đều đang ở độ tuổi sung mãn. Đinh Thành Sang và Quý Kiệt đang ở tuổi 25, Vĩnh Luân 26, Tuấn Tú 27 và lớn nhất là Đinh Thanh Tâm 29 tuổi. Họ còn có thể đóng góp rất nhiều cho bóng rổ Việt Nam.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng cũng xác nhận VBF đang tìm kiếm những cầu thủ Việt kiều từ Mỹ, châu Âu và Australia để tăng sức mạnh cho đội tuyển Việt Nam. 

Thành công tại SEA Games trên đất Philippines cũng đã tạo ra tiếng vang để thu hút những tài năng đang thi đấu ở nước ngoài trở về cống hiến cho đất nước. Với nguồn lực lượng dồi dào và chất lượng, việc bóng rổ Việt Nam đuổi kịp Philippines trong vòng 1 thập kỷ tới không phải là giấc mơ quá viển vông.

Trần Thành
.
.