Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về việc quy đổi điểm xét tuyển gây nhiều băn khoăn?

Thứ Hai, 07/04/2025, 13:28

Mùa tuyển sinh năm 2025, cùng với việc bỏ xét tuyển sớm thì một thay đổi lớn là các trường đại học (ĐH) phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển, các tổ hợp xét tuyển về thang chung. Mục tiêu của việc quy đổi này, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là để đảm bảo minh bạch và công bằng trong xét tuyển.

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục và nhiều trường ĐH vẫn băn khoăn, liệu việc quy đổi điểm này có khả thi khi các phương thức xét tuyển, các bài thi, kỳ thi có bản chất khác nhau, phổ điểm cũng không giống nhau. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về việc quy đổi  điểm xét tuyển gây nhiều băn khoăn? -0
Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Hoàng Minh Sơn.

PV: Thưa Thứ trưởng, quy đổi điểm giữa các phương thức về một thang điểm chung đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ông có thể cho biết vì sao Bộ GD&ĐT lại đưa ra quy định này?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Một ngành có nhiều phương thức xét tuyển thì các điểm chuẩn trúng tuyển phải bảo đảm mức độ tương đương. Vì sao sử dụng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông lấy 25 điểm mà điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lại lấy 120 điểm hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 80 điểm, trong khi điểm học bạ lấy 26 điểm? Nếu một ngành có nhiều phương thức xét tuyển thì điểm chuẩn phải đánh giá được mức độ tương đương về năng lực của các thí sinh trúng tuyển. Vì vậy Bộ đưa ra yêu cầu này.

Yêu cầu này cũng xuất phát từ những bất cập lớn của các năm trước khi các trường xét điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu. Việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức hầu như rất khó có căn cứ.

Điều thí sinh quan tâm nhất là điểm chuẩn. Hiện có hai cách xác định điểm chuẩn. Một là dựa vào chỉ tiêu, nghĩa là trường dành bao nhiêu chỉ tiêu cho mỗi phương thức thì điểm chuẩn sẽ do số lượng thí sinh và chỉ tiêu quyết định. Thứ hai là dựa trên quy đổi tương đương, tức là xác định điểm chuẩn đảm bảo công bằng về năng lực giữa các thí sinh trúng tuyển theo các phương thức khác nhau. Rõ ràng, phương pháp thứ hai khoa học và công bằng hơn nhiều so với cách xác định điểm chuẩn dựa trên phân bổ chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, việc quyết định điểm trúng tuyển dựa trên phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức không chặt chẽ, không minh bạch và có thể tạo kẽ hở cho các tiêu cực. Đó là điều nguy hiểm nhất mà Bộ GD&ĐT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đã nhìn ra và bắt buộc không để các trường xác định điểm chuẩn theo từng phương thức để đảm bảo việc tuyển sinh công bằng.

PV: Thứ trưởng có thể phân tích, những mùa tuyển sinh trước khi chưa quy đổi thang điểm thì đã gây mất công bằng như thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Các trường bao giờ cũng nhìn dưới góc độ của mình, dễ làm, thuận lợi, nhưng với vai trò quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, Bộ nhìn tới cái chung, nhìn tới quyền lợi của thí sinh cao hơn. Dù mất công bằng xảy ra ít cũng là mất công bằng, nhưng thực tế sự mất công bằng này không phải là ít. Một ngành có 200 chỉ tiêu, căn cứ vào đâu các trường đưa ra phương thức này lấy 50 chỉ tiêu, phương thức kia lấy 150 chỉ tiêu. Bộ yêu cầu các trường đưa ra căn cứ nhưng chưa trường nào đưa ra được căn cứ cả. Như chúng ta đã biết, xét tuyển sớm bằng các phương thức khác nhau khi học sinh chưa thi tốt nghiệp THPT, có thể các trường chủ động trong nguồn tuyển, nên không muốn bỏ xét tuyển sớm. Nhưng chúng ta xem lại điểm chuẩn của các ngành, giữa các tổ hợp, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều điểm bất hợp lý khi xét tuyển sớm. Đã có những ngành, vì chỉ tiêu còn quá ít nên điểm chuẩn theo mức điểm thi tốt nghiệp THPT nhảy vọt lên, gây thiệt thòi cho thí sinh. Chưa kể, ngành nào đó tăng chỉ tiêu để gọi được 120 em, rồi điểm chuẩn hạ từ 25 xuống 24, để cho hàng loạt thí sinh trúng tuyển, điều này rất nguy hiểm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về việc quy đổi  điểm xét tuyển gây nhiều băn khoăn? -1
Mọi thay đổi trong tuyển sinh đều phải khả thi và đảm bảo công bằng.

PV: Một số ý kiến cho rằng, các kỳ thi có bản chất khác nhau, yêu cầu kiến thức khác nhau thì khó có thể quy đổi về cùng thang điểm, Thứ trưởng suy nghĩ sao về quan điểm đó?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến đó. Nếu như các kỳ thi đánh giá các năng lực hoàn toàn khác nhau của thí sinh, rõ ràng chúng ta không thể dùng các phương thức khác nhau đó để đánh giá năng lực thí sinh để xét tuyển vào cùng một ngành.

Tuy nhiên, nếu đã dùng các phương thức khác nhau để xét tuyển vào cùng một ngành thì các phương thức đó phải cùng đánh giá được những năng lực cốt lõi phù hợp với yêu cầu của ngành đó. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được.

Một vấn đề nữa là có nhiều ý kiến về việc quy đổi như thế nào để đảm bảo khoa học? Chúng ta có nhiều phương pháp.

Có thể dùng phương pháp phân vị. Ví dụ, lấy mốc 1%, 10% hay 20%... thí sinh có điểm cao nhất của từng phương thức, từ điểm để đạt từng mốc của các phương thức ta đó sẽ đưa ra được mức tương đương. Ví dụ, trường muốn xác định điểm xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 26 thì sẽ xác định được các phương thức kia là bao nhiêu.

Cách thứ hai là hồi quy tuyến tính, chia theo các khoảng điểm. Ví dụ như trong điểm thi tốt nghiệp THPT, lấy khoảng từ 20-21 điểm, quy chiếu những em đạt mức điểm này đạt điểm thi đánh giá năng lực trong khoảng nào, ví dụ như 80 - 90 điểm, thì có thể quy đổi tương đương. Chúng ta càng chia nhỏ các khoảng điểm thì quy đổi càng chính xác. Ngoài ra còn có các phương pháp khác và các trường hoàn toàn có thể làm được.

PV: Có ý kiến cho rằng yêu cầu quy đổi điểm vi phạm quyền tự chủ của các trường.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thứ nhất, cần phải đặt ra câu hỏi thế nào là tự chủ? Thứ hai là phải tuân theo những nguyên tắc tối cao trong luật, nguyên tắc về giáo dục bảo đảm chất lượng, độ tin cậy, công bằng. Mọi quyền tự chủ các trường đều phải tuân thủ những nguyên tắc này.

Các năm trước, Bộ yêu cầu các trường giải trình việc phân chia chỉ tiêu theo phương thức nhưng các trường không làm được.

Năm nay, Bộ hướng dẫn việc quy đổi điểm và các trường phải giải trình được điểm chuẩn trúng tuyển của các tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.

Bộ sẽ đưa ra khung quy đổi cho những phương thức phổ biến, ví dụ điểm học bạ, điểm tốt nghiệp phổ thông với các tổ hợp khác nhau cũng như một số kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường. Trên cơ sở đó, các trường hoàn toàn có thể điều chỉnh theo đặc thù của ngành, của trường để quy đổi.

Bộ đưa quy đổi khung dựa trên điểm thi của thí sinh, các trường còn phải căn cứ thêm trên kết quả học tập của các em sinh viên năm thứ nhất, thứ hai đã tuyển sinh theo các phương thức khác nhau để quy đổi theo đặc thù riêng. Đó là quyền tự chủ của các trường. Sẽ có việc các trường quy đổi khác nhau vì đặc thù của từng trường, từng ngành khác nhau, nhưng Bộ sẽ đưa ra khung quy đổi chung cho các phương thức phổ biến, không phân biệt ngành, để các trường có căn cứ điều chỉnh. Tôi tin rằng khi đó, sự khác biệt của các trường sẽ không quá lớn nếu không có căn cứ.

PV: Khung điểm quy đổi này sẽ được Bộ tính toán dựa trên các yếu tố nào để đảm bảo độ tin cậy, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Bộ đã dùng dữ liệu của các năm trước để đưa ra các nhận định, đánh giá. Các trường cũng đã dùng các phương thức khác nhau và cho ra kết quả gần tương đồng. Bộ sẽ cập nhật thêm dữ liệu điểm các kỳ thi của năm nay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thu Phương (ghi)
.
.