Lựa chọn trường phù hợp để tăng cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 công lập
Nhằm tạo thuận lợi và giảm bớt áp lực cho học sinh, năm học 2025-2026, Hà Nội đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu để tăng tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập từ 60-61% lên trên 64%, cao hơn khoảng 3%-4% so với các năm học trước.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, học sinh lớp 9 năm nay sẽ có cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, mức tăng không nhiều nên thí sinh cần chọn trường, đăng ký nguyện vọng xét tuyển phù hợp để tăng cơ hội trúng tuyển trong cuộc đua vào lớp 10.
Tăng chỉ tiêu, thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa công bố quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THPT công lập và công lập tự chủ năm học 2025-2026. Năm nay, các trường THPT công lập và công lập tự chủ trên địa bàn thành phố được Sở GD&ĐT Hà Nội giao tuyển sinh gần 80.000 chỉ tiêu vào lớp 10. Trong đó, các trường THPT công lập được giao 78.400 chỉ tiêu, tương đương với 1.763 lớp. Các trường THPT công lập tự chủ được giao 1.340 chỉ tiêu với 32 lớp.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng giao cho 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của thành phố tuyển sinh vào lớp 10 với tổng chỉ tiêu khoảng 12.000 học sinh.
Với việc thành phố tăng khoảng 3.000 chỉ tiêu chung vào lớp 10 công lập so với năm học 2024-2025, hầu hết các trường THPT công lập trên địa bàn đều tăng số chỗ học lớp 10 so với năm ngoái, phổ biến thêm 45-90 chỉ tiêu, tương đương 1-2 lớp; một số trường cá biệt có thể tăng tới trên 135 chỉ tiêu, tương đương khoảng 3-4 lớp. Đáng chú ý, một số trường THPT top đầu năm nay cũng đã tăng chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 khá mạnh, đứng đầu là THPT Việt Đức được tuyển tới 945 học sinh, tăng 135 học sinh so với năm trước; THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, THPT Kim Liên, THPT Yên Hòa, THPT Xuân Đỉnh, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Mỹ Đình… đều tăng 90 học sinh so với năm trước.
Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, với việc tăng hàng nghìn chỉ tiêu trên toàn thành phố, tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội năm nay sẽ nằm ở mức trên 64%, cao hơn 3-4% so với các năm học trước. Đây là nỗ lực lớn của thành phố, của ngành Giáo dục Thủ đô trong việc tạo điều kiện cho học sinh có thêm cơ hội vào lớp 10 công lập, từ đó góp phần giảm bớt áp lực cho nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn.
Nhiều học sinh, phụ huynh học sinh bày tỏ vui mừng trước việc Hà Nội tăng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Em Nguyễn Hoàng Hà, học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: Em có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Trường THPT Kim Liên nên khi thấy nhà trường được tăng 90 chỉ tiêu, em rất vui. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng em sẽ có nhiều cơ hội hơn. Tuy vậy, Hà cũng cho rằng, do tính cạnh tranh vào lớp 10 công lập luôn cao, nhất là các trường top đầu nên để tăng khả năng trúng tuyển việc quan trọng nhất vẫn là tập trung ôn tập để có kết quả thi tốt. Tiếp đó là có chiến lược sắp xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng điểm cao nhưng vẫn trượt hết các nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Chị Lê Thu Thủy, phụ huynh học sinh có con đang học lớp 9 tại Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết: Việc Hà Nội tăng thêm 3.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập cũng đồng nghĩa với việc toàn thành phố sẽ có thêm hàng nghìn học sinh có cơ hội được học tập tại các trường công lập, nâng tỷ lệ trúng tuyển của học sinh trên toàn thành phố lên lên mức cao hơn. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho phụ huynh học sinh, nhất là các gia đình không có điều kiện kinh tế.

Cần chọn trường, đăng ký nguyện vọng phù hợp
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, việc chọn trường quan trọng nhất là phải có chiến lược, chiến thuật phù hợp. Theo bà Nhiếp, việc chọn trường "tốt" không quan trọng bằng trường phù hợp. Sự phù hợp ở đây được thể hiện ở một số khía cạnh. Đầu tiên là học sinh phải đặt mục tiêu đạt điểm từng môn và đặt mục tiêu theo từng giai đoạn. Bên cạnh năng lực học tập, sự phù hợp còn cần thể hiện ở vị trí, khoảng cách đi lại từ nhà đến trường và phù hợp với nguyện vọng sau này học sinh muốn học đại học.
Chẳng hạn nếu học sinh muốn theo học đại học những trường yêu cầu các môn Toán, Vật lý, Hóa học thì cần tìm hiểu kĩ trường muốn theo học có tổ chức dạy nhiều tổ hợp liên quan đến các môn này không, bởi vào lớp 10 các con được được lựa chọn môn học. Việc tìm hiểu kỹ này sẽ giúp học sinh tránh được tình trạng đỗ rồi mới thấy “chơi vơi”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lí thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, giống như những năm trước, học sinh lớp 9 của Hà Nội năm nay có 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định. Nguyện vọng 3, thí sinh được đăng kí vào một khu vực tuyển sinh bất kì thuộc 12 khu vực tuyển sinh tại Hà Nội.
Cũng theo ông Bình, với công thức tính điểm xét tuyển vào lớp 10 từ năm học 2025-2026 là không nhân hệ số với 2 môn Toán và Ngữ văn, điểm chuẩn có thể sẽ hạ so với các năm trước nhưng không có nghĩa đề thi khó hơn hay kết quả thi sẽ giảm mà chỉ do thay đổi cách tính điểm. Do đó, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần cân nhắc kỹ trong việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng, đặc biệt là không đăng kí nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 vào các trường có sức hút tương tự nhau thể hiện ở số lượng đăng kí, điểm chuẩn những năm gần đây để tránh rủi ro.
Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cũng lưu ý, để tăng cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 công lập năm nay, học sinh cần tận dụng cả 3 nguyện vọng đăng ký xét tuyển được phân chia theo khu vực tuyển sinh. Đồng thời, phân bổ cả 3 nguyện vọng xét tuyển thành 3 nhóm có điểm chuẩn khác nhau từ cao đến thấp, trong đó khoảng cách giữa các nguyện vọng xét tuyển phải chênh nhau trong khoảng 3 điểm nhằm đảm bảo an toàn, tránh tình trạng điểm cao nhưng vẫn trượt.