Quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang điểm thi: Cần thống nhất để đảm bảo công bằng
Theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2025, các trường đại học (ĐH) được phép quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thành điểm thi môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển.
Mặc dù khẳng định việc quy đổi là cần thiết khi thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không còn được tuyển thẳng như trước song một số ý kiến vẫn băn khoăn về đảm bảo công bằng khi việc quy đổi hiện nay đang được thực hiện theo thang riêng của từng trường mà thiếu sự thống nhất trên toàn hệ thống khiến thí sinh lúng túng.
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, có thực trạng một số cơ sở đào tạo lạm dụng việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong quá trình xét tuyển, thậm chí sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ thành một tiêu chí quyết định cơ hội trúng tuyển của thí sinh trong khi đó cơ hội tiếp cận để được cấp các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiện có sự khác biệt giữa học sinh các vùng, miền làm dấy lên những lo ngại về việc thiếu sự công bằng đối với một bộ phận học sinh còn hạn chế về điều kiện kinh tế. Do vậy, Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển nhưng điểm môn ngoại ngữ được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định điểm cộng khuyến khích, điểm thưởng với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không được vượt quá 10% mức tối đa của thang điểm xét. Với quy định này, Bộ GD&ĐT cho rằng, thí sinh có thể sử dụng tối đa thế mạnh ngoại ngữ của mình để tăng cơ hội trúng tuyển ĐH.
Hiện nhiều trường ĐH đã công bố công thức quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang điểm thi môn ngoại ngữ áp dụng cho năm 2025. Hầu hết các trường chấp nhận quy đổi đối với chứng chỉ từ 5.0 trở lên. Trong đó, nhiều trường quy đổi cho thí sinh 10 điểm Tiếng Anh với IELTS từ 6.5-9.0 như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Học viện Tài chính, Học viện Phụ nữ Việt Nam, ĐH Thủ đô Hà Nội.
Các trường ĐH thành viên của ĐHQG Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền quy đổi sang 10 điểm Tiếng Anh với chứng chỉ IELT từ 7.0 đến 9.0. Trường ĐH Thăng Long và ĐH Kinh tế quốc dân quy đổi chứng chỉ IELT 7.5 đến 9.0 sang điểm 10 môn Tiếng Anh. Học viện Ngân hàng và Trường ĐH CMC hiện đang đặt ra yêu cầu cao nhất khí sinh đạt IELTS 8.0 mới được tính là 10 điểm trong khi đó, Trường ĐH Thương mại quy đổi IELTS từ 5.0 thành 10 điểm, mức tối đa.
Ngoài ra, một số trường ĐH như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Thủ đô, ĐH Sài Gòn còn quy đổi điểm cho thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên với mức tương đương 6-8 điểm. Bên cạnh đó, hiện cũng có một số trường ĐH không dùng chứng chỉ IELTS để quy đổi trực tiếp mà thay vào đó là cộng điểm khuyến khích với mức cộng điểm dao động khá lớn. Đơn cử, với IELTS 5.5, Trường ĐH Dược Hà Nội cộng 0,25 điểm, trong khi Học viện Kỹ thuật Mật mã cộng đến 1,5 điểm; IELTS 8.0 được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cộng 3.0 điểm trong khi đó, Trường ĐH Dược Hà Nội cộng 1.5 điểm, còn Học viện Kỹ thuật Mật mã cộng 2.5 điểm…
Thực tế trên cho thấy, sự đa dạng trong việc quy đổi, cộng điểm ưu tiên đối với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế phản ánh cách tiếp cận, yêu cầu khác nhau của từng trường ĐH nhưng đồng thời cũng cho thấy sự thiếu thống nhất trong quy định, gây khó khăn, lúng túng cho thí sinh trong việc tính toán, lựa chọn và so sánh cơ hội xét tuyển giữa các trường.
Chia sẻ thêm với PV Báo CAND về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang điểm thi môn Ngoại ngữ có tính hợp lý nhất định song việc mỗi trường quy đổi một kiểu sẽ khiến thí sinh bối rối, do đó các trường nên thống nhất quy định, chuẩn hóa việc quy đổi hoặc cần có hướng dẫn chung từ Bộ GD&ĐT để đảm bảo công bằng.
Theo phân tích của TS. Lê Viết Khuyến, mặt tích cực của việc quy đổi là thí sinh có chứng chỉ quốc tế thường đã được chứng minh năng lực Tiếng Anh ở mức khá giỏi. Do đó, khi quy đổi sẽ tiết kiệm thời gian và giảm áp lực thi cử cho học sinh, khuyến khích học ngoại ngữ thực chất, thí sinh có động lực học Tiếng Anh bài bản để thi các chứng chỉ chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có điều kiện học thêm Tiếng Anh hoặc thi chứng chỉ quốc tế.
Bên cạnh đó, việc quy đổi chưa chắc chính xác vì IELTS từ 6.5 trở lên không đồng nghĩa với điểm 10 môn Tiếng Anh do hai bài thi khác nhau về cấu trúc và yêu cầu. Để hỗ trợ thí sinh, các trường ĐH cần công bố sớm và rõ ràng về phương án tuyển sinh, chuẩn hóa và công khai minh bạch bảng quy đổi điểm nhằm giúp thí sinh biết cách quy đổi điểm, điều kiện chấp nhận chứng chỉ, hạn sử dụng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng lưu ý thí sinh cần theo dõi kỹ đề án tuyển sinh của từng trường ĐH để biết chính xác mức quy đổi và điều kiện áp dụng vì trên thực tế có những trường chấp nhận quy đổi nhưng cũng có 1 số trường chỉ cộng điểm ưu tiên. Do vậy, thí sinh vẫn nên đăng ký dự thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm phương án dự phòng và không được chủ quan, bỏ bê các môn học khác trong tổ hợp xét tuyển.
Ngoài ra, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thường chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm nên học sinh không nên thi quá sớm, chỉ nên thi từ lớp 11 và thi tại các đơn vị uy tín, được Bộ GD&ĐT công nhận.