Huy Hoàng dẫn đầu châu Á, nhưng đến bao giờ bơi lội Việt Nam mới có “cửa” tại Olympic?

Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:14

Ở cả hai nội dung 800m tự do và 1500m tự do tại Olympic Tokyo 2020, không một tay bơi nào của châu Á sánh kịp thành tích của Nguyễn Huy Hoàng. Tuy nhiên điều đó cũng chưa đủ để kình ngư của Việt Nam giành được vé vào chung kết. Bơi lội ở Olympic thực sự vẫn là một môn thi đấu quá khốc liệt với những quốc gia châu Á.

"Tôi đã đạt được 3 chức vô địch liên tiếp ở nội dung 800m và sẽ cố gắng để bước lên bục cao nhất lần thứ 4. Tôi là VĐV đầu tiên trong lịch sử bơi tự do làm được điều đó. Tôi nghĩ ở độ tuổi này, Michael Phelps cũng khó để so sánh và duy trì đẳng cấp cao như vậy trong một thời gian dài".

Đó là những phát biểu làm dậy sóng dư luận của kình ngư người Trung Quốc Sun Yang, sau khi anh giành chức vô địch thế giới nội dung bơi 800m tự do vào năm 2019. Và sự ngạo mạn của Sun Yang nhanh chóng khiến người hâm mộ thế giới nổi giận.

Cho đến trước khi phải nhận án cấm thi đấu 4 năm 3 tháng vì những lùm xùm liên quan đến doping, Sun Yang mới chỉ có 3 lần giành huy chương vàng Olympic, trong khi con số mà Michael Phelps có được là 23 (13 HCV cá nhân, 12 HCV đồng đội). So với Michael Phelps, thành tích của Sun Yang còn kém rất xa.

Thế nhưng vì sao Sun Yang lại có thể “lớn giọng” đến như vậy? Câu chuyện phải ngược trở lại năm 2012, khi Sun Yang giành được 2 huy chương vàng bơi Olympic London, nội dung 400m tự do và 1500m tự do. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một VĐV nam của Trung Quốc giành được huy chương vàng Olympic. Không phải một, mà đến hai huy chương vàng. Tới Rio 2016, Sun Yang giành thêm được một huy chương vàng ở nội dung 200m tự do. Với người Trung Quốc, đó thực sự là một kỳ tích.

Huy Hoàng dẫn đầu châu Á, nhưng đến bao giờ  bơi lội Việt Nam mới có “cửa” tại Olympic? -0
Kình ngư Sun Yang từng là thần tượng của giới trẻ Trung Quốc. 

Sun Yang nhanh chóng trở thành thần tượng mới của giới trẻ Trung Quốc. Trên mạng xã hội Weibo, kình ngư này có tới 32 triệu người theo dõi và mỗi phát ngôn của Sun Yang đều trở thành slogan cho giới trẻ. Cái tôi vì thế cũng lớn dần theo thành công, cho đến một ngày Sun Yang bị Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) phạt cấm thi đấu 8 năm vì có lần thứ hai dính vào doping (sau được giảm xuống còn 4 năm 3 tháng).

Nhìn cái cách Sun Yang được dư luận Trung Quốc “cưng chiều”, cũng đủ thấy khát khao của họ lớn thế nào ở môn bơi lội. Dù vẫn được biết đến là một cường quốc thể thao thế giới, luôn cạnh tranh gắt gao cho vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại mỗi kỳ Olympic, tuy nhiên trước khi có Sun Yang, Trung Quốc vẫn chỉ là kẻ ngoài cuộc ở các cuộc đấu bơi lội.

Điền kinh, bơi lội là một trong những môn thể thao cơ bản, có nhiều bộ huy chương nhất ở mỗi kỳ Olympic. Tuy nhiên dường như nó không phù hợp với thể trạng của người châu Á. Hay nói đúng hơn, quá khó để các VĐV châu Á có thể cạnh tranh được những đối thủ đến từ các châu lục khác.

Tại ASIAD 18, Sun Yang giành huy chương vàng nội dung 1500m tự do với thành tích 14 phút 58 giây 53. Chậm hơn 3 giây 10, Nguyễn Huy Hoàng của Việt Nam về thứ hai, đạt huy chương bạc. Việc Sun Yang bị cấm thi đấu dài hạn và vắng mặt ở Olympic Tokyo 2020 khiến Huy Hoàng trở thành tay bơi châu Á có thành tích tốt nhất ở các cự ly mà anh tham dự. Tuy nhiên, nếu so với các VĐV dự Olympic 2020, thành tích đó nhà vô địch châu Á như Sun Yang cũng chưa đủ để lọt vào phần thi chung kết (thành tích top 8 là 14 phút 52 giây 66), thì rõ ràng kết quả 15 phút 0 giây 24 của Huy Hoàng cũng thật khó để mơ mộng.

Huy Hoàng dẫn đầu châu Á, nhưng đến bao giờ  bơi lội Việt Nam mới có “cửa” tại Olympic? -0
 Ở tuổi 21, Huy Hoàng đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại Olympic Tokyo.

“Nhìn chung thể thao châu Á khi ra thế giới cũng chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản và một vài quốc gia có thể coi là cường quốc. Họ có điều kiện về cơ sở vật chất, kinh tế. Ngay bản thân VĐV của mình khi so sánh với Thái Lan và nhiều nước châu Á còn chưa có điều kiện tốt bằng.

Nhưng ở môn bơi, ngay Trung Quốc còn vất vả cạnh tranh thì rõ ràng chúng ta cũng hiểu rằng mình phải đối đầu với những khó khăn ra sao. Tất nhiên nhà nước vẫn rất quan tâm đến thể thao, nhưng điều gì cũng cần có nền tảng và thẳng thắn rằng chúng ta chưa thể so được với nhiều nước”, huy chương vàng GANEFO 1966, cựu vô địch bơi lội châu Á Vũ Thị Sen bày tỏ.

Chuyên gia bơi lội của Việt Nam tiếp tục: “Tại Olympic lần này, Ánh Viên lớn tuổi rồi, còn Huy Hoàng thì cũng không bằng được thành tích cá nhân tốt nhất. Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh, việc tập luyện thi đấu gặp nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, việc được có mặt tại Olympic cũng là một vinh dự lớn rồi. Nói chung là các cháu chủ yếu cũng chỉ cố gắng phấn đấu để vượt thành tích cá nhân, chứ còn mình làm sao so sánh được với các nước trình độ Olympic. Chúng ta được có mặt ở sân chơi này đã là vinh dự lớn rồi.

Tôi cũng luôn theo dõi xem các VĐV có phá được kỷ lục cá nhân không, nhưng thực tế là trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh khiến nhiều thứ bị ảnh hưởng.

Với Huy Hoàng, việc vượt chuẩn A và giành vé đến Tokyo là một thành tích đáng khen rồi. Đây là một VĐV trẻ, rất có triển vọng. Bản thân tôi cũng hi vọng bạn ấy còn cải thiện được thành tích cá nhân thêm nữa. Huy Hoàng có thể trạng hợp với những cự ly dài và còn có thể tiến thêm được nữa. Nhưng tất nhiên, tầm châu Á là một chuyện và Olympic lại là chuyện khác”. 

Chuyện của điền kinh

Cũng giống như bơi lội, điền kinh là một sân chơi khốc liệt với các quốc gia châu Á ở Olympic. Ở nội dung 400m vượt rào nữ, Quách Thị Lan là đương kim vô địch ASIAD 18. Tại Olympic Tokyo, cô là VĐV gốc Á duy nhất được góp mặt, nhưng cũng chỉ thông qua tấm vé đặc cách. Đến phần thi vòng loại, Quách Thị Lan đạt thành tích 55 giây 71. Ban đầu, VĐV của Việt Nam chỉ về thứ 5 và phải chờ đợi tấm vé vớt vào bán kết. Tuy nhiên do có 1 VĐV ở lượt chạy của mình phạm luật, Quách Thị Lan được đôn lên hạng 4, giành quyền đi tiếp.

Trên bảng xếp hạng, VĐV 400m rào nữ số một châu Á chỉ xếp hạng 23/40 sau vòng loại. Thành tích vào bán kết có lẽ đã là quá tuyệt vời với Quách Thị Lan.

Ở Olympic 2004, Liu Xiang từng khiến cả Trung Quốc phát sốt khi giành huy chương vàng nội dung 110m rào nam. Và đây có lẽ cũng là lần hiếm hoi, điền kinh châu Á được nếm trải hương vị của chiến thắng ở sân chơi Olympic.

    

PV
.
.