100 ngày và thế kẹt của ông Moon Jae-in

Thứ Năm, 24/08/2017, 17:13
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bước vào Nhà Xanh ngày 10-5 với những nhiệm vụ cấp bách như giải quyết mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa ngày càng tiến bộ của Triều Tiên; tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai miền, cũng như hóa giải những mâu thuẫn với Trung Quốc, quốc gia không hài lòng trước việc Seoul triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng ông Moon Jae-in dường như đã lái con tàu Hàn Quốc đi đúng hướng trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những hạn chế và thách thức quá lớn khiến ông chưa thực hiện được những cam kết đề ra, đặc biệt là những căng thẳng đang ngày một gia tăng với Triều Tiên.

Thành công

Trước lễ nhậm chức, ông Moon Jae-in đã có cuộc gặp riêng với tất cả các đảng phái đối lập ở Hàn Quốc để kêu gọi sự ủng hộ của họ đối với việc điều hành đất nước, điều mà chưa có bất kỳ nhà lãnh đạo Hàn Quốc nào từng làm. Những nỗ lực của ông Moon Jae-in đã được đền đáp nhất định. Tỷ lệ ủng hộ mà người dân dành cho ông vẫn duy trì ở mức trên 70% kể từ sau lễ nhậm chức.

Sự ủng hộ mà ông có được, bắt nguồn từ những sáng kiến và chính sách mà ông đề ra, hiện đang tiếp tục trở thành động lực giúp nhà lãnh đạo này thúc đẩy những thay đổi và cải cách mà ông mong muốn.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp báo đánh dấu 100 ngày cầm quyền.

Những nỗ lực của ông nhằm đưa Hàn Quốc lên vị thế xứng đáng được thể hiện qua 5 mục tiêu và 100 nhiệm vụ chính sách được công bố hồi tháng trước, tập trung chủ yếu vào việc tăng thu nhập cho người dân, nhất là những người thu nhập thấp.

Để đạt mục tiêu này, ông Moon cam kết sẽ tạo ra gần 1 triệu việc làm trong khu vực công trong nhiệm kỳ đầu cầm quyền, với khoảng 110.000 việc làm được tạo mới trong năm nay. Những sáng kiến được ca ngợi nhiều nhất của ông Moon là kế hoạch cải tổ toàn diện chương trình chăm sóc sức khỏe, được người dân ưu ái gọi là “Mooncare”.

Nếu hoàn tất đúng hạn vào năm 2020, chương trình này sẽ giúp người dân Hàn Quốc giảm bớt 18% chi phí y tế cá nhân, và giúp những người có mức thu nhập thấp nhất giảm tới 46% chi phí trong lĩnh vực này.

Không chỉ ở trong nước, những thành quả về mặt ngoại giao mà ông có được qua các cuộc gặp cấp cao trong chưa đầy 100 ngày cầm quyền đầu tiên cũng là điều không thể phủ nhận. Ông Moon Jae-in đã đến Mỹ vào cuối tháng 6/2017 để có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Donald Trump sau gần 2 tháng nhậm chức.

Tại thủ đô Washington của Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định mối quan hệ liên minh và những nỗ lực chung nhằm kiềm chế mối đe dọa Triều Tiên, một sự đảm bảo về mặt an ninh cần thiết trong bối cảnh các vụ thử tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên khiến Hàn Quốc và các khu vực xung quanh vô cùng quan ngại.

Ông Moon cũng nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Trump đối với “vai trò lãnh đạo của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy một môi trường hiệu quả để tiến tới thống nhất Bán đảo Triều Tiên”.

Tổng thống D.Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ hứng chịu “lửa và cơn thịnh nộ” nếu dám đe dọa MỹTổng thống D.Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ hứng chịu “lửa và cơn thịnh nộ” nếu dám đe dọa Mỹ.

Với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức vào tháng 7 vừa qua, ông Moon Jae In đã đưa các hoạt động ngoại giao của quốc gia này quay trở lại lộ trình sau những bê bối liên quan đến việc phế truất cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Tại đây, ông đã kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các mục tiêu và chính sách đối phó với Triều Tiên, ông tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo phương Bắc để thảo luận việc hợp tác và hòa bình, đồng thời thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên song song với việc tìm kiếm một hiệp định hòa bình.

Mặc dù không thể tránh khỏi một số khó khăn trong việc theo đuổi chính sách ngoại giao mới do mớ bòng bong mà chính phủ của ông Moon Jae In được thừa kế..., song phải thừa nhận rằng ông Moon đã khá thành công trong việc khôi phục vị thế của Hàn Quốc thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh trong một khoảng thời gian ngắn và khẳng định sáng kiến hòa bình của mình.

Khó khăn

Ở trong nước, nguồn tài chính để chi trả cho các mục tiêu thay đổi và cải cách vẫn là đề tài bị nhiều đảng phái chính trị công kích nhất.

Ở ngoài nước, bất chấp những nỗ lực của ông Moon, bối cảnh an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Bình Nhưỡng gia tăng đe dọa về mặt quân sự thay vì chấp thuận đề xuất đối thoại của Hàn Quốc. Các chuyên gia cho rằng sáng kiến hòa bình của ông Moon Jae-in gặp nhiều hạn chế trong bối cảnh hiện nay bởi Triều Tiên dường như chỉ quan tâm tới việc “ăn miếng trả miếng” với Mỹ hơn là các đề xuất của Seoul.

Triển vọng quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và Nhật Bản cũng không mấy xán lạn. Sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), Seoul tuyên bố khôi phục việc triển khai một khẩu đội THAAD, quyết định chắc chắn sẽ càng hủy hoại hơn quan hệ vốn không mấy êm đẹp với Trung Quốc.

Những tranh cãi về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc từng bị lạm dụng thời kỳ thực dân Nhật Bản chiếm đóng cũng là một nhân tố cản trở quá trình cải thiện quan hệ song phương. Seoul đã tiến hành một vụ điều tra đặc biệt về thỏa thuận liên quan tới vấn đề này vốn từng được chính quyền bà Park Geun-hye ký với Nhật Bản để giải quyết những bất đồng.

Giới phân tích cho rằng bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi cho Chính phủ Moon Jae-in để thực hiện những dự định ban đầu của mình... Nhiệm vụ cấp bách nhất có lẽ là làm thế nào để giữ chặt những ngòi nổ trong tay.

Một mặt vẫn giữ vững các mục tiêu và lập trường, Tổng thống Moon Jae-in đang tích cực thúc đẩy đối thoại với cả Triều Tiên và Mỹ cũng như Trung Quốc để tìm bước đột phá giải quyết tình hình. Nếu đối thoại chính thức không thể diễn ra, ông Moon nên huy động mọi lựa chọn khả thi, kể cả các cuộc đàm phán âm thầm nhằm duy trì liên lạc.

Mắc kẹt?

100 ngày kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang cảm thấy dường như mình có ít không gian để xoay xở giữa một bên là đối thủ “thâm căn cố đế” và một bên là sự hiếu chiến ngày càng gia tăng của Mỹ, đồng minh lâu đời của Hàn Quốc.

CHDCND Triều Tiên đã phủi bỏ đề nghị đàm phán của ông Moon Jae-in, nhà lãnh đạo theo đường lối tự do đầu tiên của Hàn Quốc trong suốt 1 thập kỷ qua. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Seoul vô cùng quan ngại với cảnh báo rằng Mỹ sẽ trút “lửa và cơn thịnh nộ” xuống Triều Tiên nếu bị các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đe dọa.

Mọi cuộc xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên đều sẽ làm liên lụy tới Hàn Quốc, quốc gia hiện đang phải đối mặt với việc có hàng nghìn binh sỹ và khẩu pháo của Triều Tiên triển khai dọc biên giới bị quân sự hóa.

Theo các quan chức cấp cao và cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, do không có nhiều lựa chọn, ông Moon Jae-in đã hối thúc Washington trực tiếp nói chuyện với phía Bình Nhưỡng để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, phía Triều Tiên tỏ ra coi thường Hàn Quốc và không đàm phán với Seoul. Bình Nhưỡng muốn có những cuộc nói chuyện trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên, khả năng đối thoại ở thời điểm này được xem là ít khả thi do hai nhà lãnh đạo cứng rắn (của cả Triều Tiên và Mỹ) đều đang mâu thuẫn với nhau...

THAAD gây tranh cãi.

Tổng thống Hàn Quốc trước đó đã nhắc tới việc đối thoại để giải quyết các bất đồng ở miền Bắc. Ông còn khẳng định “một cuộc chiến thảm khốc sẽ không bao giờ diễn ra trên bán đảo Triều Tiên”, thậm chí cho rằng Mỹ sẽ phản ứng một cách kiềm chế và có trách nhiệm trước tình hình hiện nay, với lập trường tương tự như Hàn Quốc, song sau đó chỉ vài ngày, Tổng thống Trump lại tuyên bố Triều Tiên sẽ hứng chịu “lửa và cơn thịnh nộ” nếu dám đe dọa Mỹ.

Tổng thống Moon Jae-in, người từng có liên quan tới việc hoạch định các chính sách liên quan tới Triều Tiên giai đoạn 1998-2008, bước vào nhiệm sở với cam kết khôi phục quan hệ với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đối diện với sự hung hăng của miền Bắc và từ chối đối thoại, Seoul thực sự không có nhiều lựa chọn.

Có thể nói, việc làm thế nào để kiềm chế một Triều Tiên ngày càng khiêu khích vẫn là vấn đề cấp bách và quan trọng nhất đối với Chính phủ Hàn Quốc, vốn kỳ vọng nhiều vào việc làm ấm lên quan hệ hai miền song vẫn chưa thể thành công cho tới thời điểm hiện nay.

Mỹ, CHDCND Triều Tiên và giải pháp quân sự?

Sau màn "vung gươm múa kiếm" tưởng chừng sẽ đẩy Bán đảo Triều Tiên đến một chiến tranh thảm khốc, trạng thái "căng như dây đàn" đã có dấu hiệu chùng bớt và "thùng thuốc súng" chực nổ xem ra đã tạm được tháo ngòi. Kịch bản này hoàn toàn không quá bất ngờ trong bối cảnh lựa chọn quân sự rõ ràng không phải là giải pháp khôn ngoan cho tranh cãi về chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Hơn ai hết, 2 nhân vật chính trong cuộc đua của “bão lửa và cơn thịnh nộ” vừa qua trên Bán đảo Triều Tiên là Washington và Bình Nhưỡng đều nhận thức được rằng những thiệt hại có thể xảy đến với mình và thế giới là vô cùng thảm khốc và “ngoài sức tưởng tượng” trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột quân sự kéo theo một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Trong lịch sử, nhiều đời Tổng thống Mỹ, trong đó có cố Tổng thống Dwight Eisenhower quan niệm rằng "với vũ khí hạt nhân, chiến tranh không chỉ trở thành thảm kịch mà còn trở nên phi nghĩa" và cần thúc đẩy ngoại giao thay vì chạy đua vũ trang. Đây có lẽ là lý do mà lâu nay Mỹ vẫn theo đuổi biện pháp “song trùng” đối với Triều Tiên khi một mặt liên tục đưa ra những cảnh báo cứng rắn, còn mặt khác vẫn ưu tiên các biện pháp ngoại giao.

Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gây ngạc nhiên với tuyên bố Washington không phải là kẻ thù của Bình Nhưỡng cũng như không hề muốn “thay đổi chế độ hoặc sự sụp đổ của chính quyền CHDCND Triều Tiên”. Trái lại, Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên và các sức ép về kinh tế chỉ nhằm buộc Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán.

Về phần mình, không phải ngẫu nhiên CHDCND Triều Tiên bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch phóng tên lửa nhằm vào đảo Guam - vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Bản thân Bình Nhưỡng hiểu rằng một cuộc đối đầu trực diện với liên minh Mỹ - Hàn chẳng khác gì "trứng chọi với đá" khi liên minh này sở hữu các hệ thống vũ khí hiện đại với sức công phá cực lớn, còn Mỹ luôn khẳng định vị trí độc tôn là siêu cường số 1 thế giới.

Chưa kể, nếu theo đuổi “cuộc chơi” này đến cùng, Triều Tiên sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất cả về người và của, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phải vật lộn với các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế và những thiệt hại vô cùng lớn do thiên tai gây ra.

Chung vách với CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc lâu nay vẫn phải “sống trong sợ hãi” trước mối đe dọa thực sự từ tên lửa của nước láng giềng. Chỉ cách Khu phi quân sự (DMZ) vỏn vẹn khoảng 50 km, thủ đô Seoul của Hàn Quốc hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của các vụ tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên. Vì thế, không ít lần Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã phải trấn an dư luận với tuyên bố sẽ không có bất cứ hành động quân sự nào trên Bán đảo Triều Tiên nếu chưa có sự đồng thuận của nước này và Seoul sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá.

Là người theo đuổi “Chính sách Ánh dương”, ông tin tưởng vào việc hợp tác, thay vì tuyên chiến để giải quyết căng thẳng với Triều Tiên. Điều này không phải là không có cơ sở khi các biện pháp trừng phạt thời gian qua luôn bị coi là phản tác dụng đối với Bình Nhưỡng, trong khi các cuộc đối thoại trước đây xem ra mang lại hiệu quả tích cực hơn. Do đó, chính quyền mới của Hàn Quốc đã rất tích cực tham vấn với các nước đồng minh như Mỹ và Nhật Bản nhằm tìm cách tháo ngòi căng thẳng, cũng như liên tục đưa ra các đề xuất đối thoại.

Dù sao thì nói chuyện vẫn hơn là “động chân động tay” với nhau.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.