Anh: Chia rẽ sâu sắc trước Brexit
- Thủ tướng Anh nhận thêm "trái đắng" từ Quốc hội vì Brexit
- Bị EU từ chối, Thủ tướng Anh vội vã đến Bỉ vì Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May đã bước thêm một bước, tiến gần hơn đến một Brexit “cheo leo vách đá” khi ngày 12-2 bà kêu gọi các nghị sĩ hãy cho bà thêm thời gian để tìm kiếm một thỏa thuận Brexit tốt hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh Brexit đang đến gần, việc Thủ tướng May công khai đưa ra khả năng sẵn sàng đối mặt với việc đưa nước Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận - nếu như Quốc hội Anh không bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit của bà - đang gây ra một nỗi lo lắng tập thể ở cả trong và ngoài Quốc hội Anh.
Chủ tịch Ủy ban Chọn lựa Brexit của các nghị sĩ Công đảng tại Hạ viện, Hilary Benn, cho biết các lãnh đạo doanh nghiệp đang “vò đầu bứt tai” trước triển vọng Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào cuối tháng sau.
Sau tuyên bố của Thủ tướng May ngày 12-2, hiện có rất nhiều đồn đoán trái ngược nhau tại Hạ viện, đó là liệu thủ tướng sẽ để nước Anh rời EU không thỏa thuận hay đó chỉ là cách để bà gây sức ép lên các nghị sĩ muốn chống lại thỏa thuận Brexit của bà. Tuy nhiên, không một ai ngoài một số ít những người thân cận của bà biết được thực sự Thủ tướng May sẽ dẫn dắt nước Anh theo kịch bản nào, thậm chí một số quan chức cấp cao trong nội các cũng không biết được ý đồ thực sự của Thủ tướng May là gì.
Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Anh đã tìm cách thuyết phục Brussels và những người theo phái hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ của bà là bà sẵn sàng để xảy ra tổn thất cho nền kinh tế Anh và EU bằng cách thực hiện Brexit không thỏa thuận nếu như các bên không đạt được sự thỏa hiệp đối với thỏa thuận “li dị” của Anh. Bà May đang tìm cách thay đổi một số điểm trong thỏa thuận Brexit với EU từng bị các nghị sĩ Anh bỏ phiếu phản bác hồi tháng 1-2019.
Những nghị sĩ theo phái hoài nghi châu Âu đã kịch liệt phản đối những điều khoản của phương án chốt chặn đối với vấn đề đường biên giới Ireland tại cuộc bỏ phiếu hồi tháng 1-2019, do vậy Thủ tướng May muốn có những sửa đổi để nhận được sự ủng hộ của những nghị sĩ này. Nhưng Brussels lại khăng khăng từ chối xem xét lại thỏa thuận mà Chính phủ Anh và EU đã nhất trí với nhau hồi tháng 11-2018.
Thỏa thuận bà May đạt được với EU không làm vừa lòng những nhà lập pháp tại Anh. |
Văn phòng Thủ tướng Anh hiện vẫn không từ bỏ khả năng bà May sẽ chỉ tiến hành bỏ phiếu đối với thỏa thuận Brexit lần 2 vào tuần cuối của tháng 3, sau ngày 21-3 diễn ra cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo của EU. Vào thời điểm đó, Thủ tướng May sẽ đưa các nghị sĩ vào một lựa chọn khó khăn đó là hoặc chấp nhận thỏa thuận Brexit mà bà đưa ra hoặc nước Anh sẽ phải đối mặt với một Brexit không thỏa thuận vào ngày 29-3, theo quy định của luật pháp Anh và Điều 50 của Hiệp ước Lisbon của EU.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Công đảng Ed Milband đã đặt câu hỏi bà May sẽ làm gì nếu phải lựa chọn giữa việc nước Anh rời EU không thỏa thuận vào ngày 29-3 hay sẽ gia hạn Điều 50, tức là sẽ lui lại ngày nước Anh rời EU? Thủ tướng May thể hiện sự điềm tĩnh đến khó hiểu khi đối mặt trước hàng loạt câu hỏi của các nghị sĩ tại Hạ viện.
Bà đã từng căng thẳng tuyên bố với các nghị sĩ: “Nếu các vị không muốn xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận thì các vị phải đồng ý với dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU”. Nhưng sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 1-2019 tại Hạ viện, bà lại nói sẽ quay trở lại Hạ viện với nội dung sửa đổi “sớm nhất có thể”.
Việc rời khỏi EU không thỏa thuận là một rủi ro chính trị vô cùng to lớn cho dù các nghị sĩ bảo thủ hoài nghi châu Âu thuyết phục rằng những nguy hiểm của kịch bản này đã bị phóng đại và việc gián đoạn hoạt động kinh doanh thương mại với EU nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận cũng có thể hạn chế được.
Thủ tướng May đã được các nhà nghiên cứu kinh tế của Chính phủ hồi tháng 11-2018 cảnh báo rằng Brexit không thỏa thuận sẽ khiến GDP của Anh giảm 9,3% so với mức hiện tại trong 15 năm tới nếu Anh tiếp tục ở lại EU. Phớt lờ cảnh báo và cắm đầu đi tiếp đến cái đích Brexit không thỏa thuận sẽ khiến bà May gặp nhiều rủi ro.
Số liệu GDP được công bố ngày 12-2 cho thấy năm 2018 là năm tồi tệ nhất của nền kinh tế Anh kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn cho rằng bà May đang chơi trò chơi vô cùng mạo hiểm với đời sống của người dân Anh.
Lập trường “thỏa thuận của tôi hay không có thỏa thuận nào hết” của Thủ tướng May đã bị suy yếu khi ITV đưa tin trưởng đoàn đàm phán EU của Anh, ông Olly Robbins, được cho là đã vô tình tiết lộ rằng các nghị sĩ sẽ được cảnh báo nếu bác lại thỏa thuận rút khỏi EU sửa đổi lần 2 của Chính phủ thì Brexit sẽ bị hoãn lại và tiến trình rút khỏi EU theo quy định của Điều 50 sẽ được gia hạn “dài dài”.
Tuy nhiên, những nghị sĩ ủng hộ châu Âu, những người lo ngại Thủ tướng Anh có thể lại có ý định “điên rồ” là đưa nước Anh rời khỏi EU mà không cần thỏa thuận, hiện đang nỗ lực tìm cách thông qua luật để ngăn chặn Thủ tướng làm điều mà họ lo ngại này. Những nghị sĩ kỳ cựu, trong đó có nghị sĩ Yvette Cooper của Công đảng, sẽ cố gắng lần nữa để có thể nắm quyền kiểm soát tiến trình Brexit vào cuối tháng này sau khi kế hoạch của họ bị thất bại tại Hạ viện hồi tháng 1-2019.
Thủ tướng May đã hứa sẽ có một bản kiến nghị trình lên Quốc hội về Brexit và các nghị sĩ có thể sửa đổi và bỏ phiếu vào ngày 27-2, điều này cho thấy những nghị sĩ thuộc phái muốn Anh ở lại EU đã đúng khi đưa ra lập luận rằng Thủ tướng phải hoãn thời gian Anh rời EU lại nếu như Hạ viện không thông qua thỏa thuận Brexit sửa đổi lần 2.
Sự thành công chắc chắn phụ thuộc vào việc liệu các bộ trưởng của đảng Bảo thủ có sẵn sàng từ chức để ngăn chặn kịch bản Anh rời EU không thỏa thuận hay không; Một số bộ trưởng nhiều lần lên tiếng dọa sẽ từ chức nhưng cho đến nay chưa ai thực sự làm điều này. Tuy nhiên, bà May sẽ đấu tranh để Brexit không thỏa thuận vẫn tiếp tục là một lựa chọn, theo lời khuyên của Niccolo Machiavelli, người lập luận rằng đôi lúc “tỏ ra điên rồ lại là một điều rất khôn ngoan”.