Anh với chính sách ngoại giao tàu sân bay

Thứ Ba, 18/05/2021, 12:09
Cuối tháng 4-2021, lần đầu tiên Anh điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến các cảng ở châu Á và những điểm nóng trong khu vực này. Đây là tín hiệu cho thấy Anh quyết tâm chuyển hướng sang châu Á, ngay sau khi chỉ vừa mới rời khỏi Liên minh châu Âu.

HMS Queen Elizabeth, tàu sân bay mạnh nhất từ trước đến nay của Hải quân Anh, rời  cảng Portsmouth ở bờ biển phía Nam nước Anh, bắt đầu một hành trình dài tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đứng đầu danh sách viếng thăm.

Thực tế là đang có làn sóng các nước đua nhau triển khai lực lượng hải quân đến các vùng biển ở châu Á. Hầu hết những quốc gia sở hữu lực lượng hải quân khá hùng mạnh đều điều một chiến hạm đến khu vực này để đánh dấu sự xuất hiện của mình và hỗ trợ hoạt động tự do hàng hải, hay FONOP theo cách gọi của các vị chỉ huy hải quân. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến 2020, Hải quân Hoàng gia Anh đã cử 5 tàu chiến đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có một tàu thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông vào tháng 8-2018.

Việc đưa cụm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là bước đột phá trong chính sách chuyển hướng của Anh.

Tuy nhiên, việc triển khai HMS Queen Elizabeth lần này lại khác, một phần vi quy mô của nó lớn hơn nhiều so với bất kỳ sự hiện diện nào của châu Âu ở khu vực này nhưng cũng vì nó báo hiệu Anh đang có một sự thay đổi căn bản về sách lược.

HMS Queen Elizabeth có khả năng đem theo tổng cộng 18 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 - loại máy bay tối tân nhất trong kho vũ khí của phương Tây. Đoàn hộ tống đi theo gồm 6 tàu chiến, 1 tàu ngầm và 14 trực thăng hải quân. Tàu khu trục USS The Sullivans của Mỹ và khinh hạm HNLMS Evertsen của Hà Lan cũng gia nhập hạm đội tác chiến này.

Một điều quan trọng cũng gây sự chú ý không kém, đó là tàu sân bay này chở cả lính thủy đánh bộ Anh và Mỹ. Trung tá Andrew DAmbrogi, sĩ quan chỉ huy phi đội Mỹ trên tàu Queen Elizabeth nói: Chúng tôi chưa bao giờ thấy con tàu này cùng 18 chiếc F-35 đi qua nửa vòng trái đất như vậy. Đây là một hoạt động khá táo bạo, cho thấy năng lực triển khai lực lượng của Anh ở nước ngoài”.

Anh cũng muốn chỉ ra rằng lần triển khai lực lượng sắp tới sẽ củng cố quan hệ đối tác quốc phòng sâu sắc trong khu vực và London cam kết sẽ duy trì sự hiện diện lâu dài hơn tại đây. Nhóm tác chiến tàu sân bay này sẽ tham gia cuộc tập trận Bersama Lima nhân kỷ niệm 50 năm ký thỏa thuận phòng thủ 5 quốc gia Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand và Anh, sau đó đi qua các vùng tranh chấp trên Biển Đông cũng như các khu vực hàng hải nhạy cảm hơn xung quanh Đài Loan và khu vực Nhật Bản. London cũng bộc lộ rằng lần triển khai tàu sân bay này là minh chứng thực tế cho thấy Anh có ý định chuyển hướng nỗ lực quân sự, thương mại và ngoại giao sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhiều hơn. Thậm chí, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 quyết định Anh rời Liên minh châu Âu (EU) với số phiếu sít sao, Chính phủ Anh do đảng Bảo thủ lãnh đạo tuyên bố mục tiêu chính sách đối ngoại tương lai sẽ là tạo ra một nước Anh toàn cầu bằng cách chuyển hướng sự chú ý của nước này sang châu Á.

Hầu hết các nhà phân tích an ninh đều thừa nhận đây là một quyết định đúng đắn, vì trọng tâm của mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính đến những quan ngại về an ninh đang chuyển hướng từ Bắc bán cầu sang châu Á. Và trên thực tế, chính EU cũng đang xoay trục sang châu Á. Và đây là một tư duy tích cực. Châu Âu chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch thương mại của Anh, tiếp theo là Bắc Mỹ với khoảng 18% và chỉ vài năm trước, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ đứng thứ ba với khoảng 7,5%. 

Tuy nhiên, các nước châu Á đã trở thành đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của Anh, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người ta đã dự đoán kim ngạch thương mại của Anh với các nước châu Á sẽ bằng mức với Bắc Mỹ và chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch thương mại của nước này. Trong số 25 đối tác thương mại hàng đầu của Anh, có 6 nước châu Á. 

Ở châu Âu, Anh là điểm đến hàng đầu cho đầu tư trực tiếp của Singapore. Anh cũng là đối tác thương mại đứng thứ ha8 và thứ ba lần lượt về dịch vụ, hàng hóa của Singapore và đến lượt mình, đảo quốc sư tử cũng là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Anh ở Đông Nam Á. Tóm lại, chuyển hướng sang châu Á của Anh không chỉ là khát vọng, mà là một chiến lược đưa ra dựa trên số liệu thống kê cụ thể và chắc chắn.

Trên thực tế, chiến lược hướng Đông mới của Anh thể hiện một sự thay đổi quan trọng trong tư duy về vị thế của nước này trong một thế giới ngày càng liên kết với nhau, có đặc trưng là sự đối địch dai dẳng giữa Mỹ - một siêu cường lâu đời và Trung Quốc - một siêu cường mới nổi.

Theo quan điểm của London, cuộc tranh đấu này sẽ không giống như cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô (cũ) trong Chiến tranh Lạnh trước đây. Lần này, rủi ro cho tất cả các nước đều lớn, thậm chí kết quả còn khó đoán hơn. Điều này nhìn chung là vì các đối thủ cạnh tranh hàng đầu hiện nay ngang sức hơn so với trước đây. Giới quyết sách ở London hiểu rõ thực tế rằng bất kỳ ai thua trong cuộc đối đầu mới này đều sẽ không thể kiểm soát được tương lai của chính mình. Và đây lại là nhiệm vụ quan trọng đối với nước Anh, vốn từng là một bá chủ hùng mạnh trong quá khứ.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.