Bộ trưởng Dịch vụ tài chính Nhật Bản tự sát:

Áp lực điều tra hay vì bê bối tình ái?

Thứ Sáu, 28/09/2012, 13:35

Theo Đài NHK đưa tin, ông Tadahiro Matsushita, Bộ trưởng Dịch vụ tài chính và Cải cách bưu chính của Nhật Bản được phát hiện đã chết tại nhà riêng. Sở cảnh sát Tokyo nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp vào 4 giờ 59 phút giờ địa phương ngay lập tức đã bắt tay vào tiến hành điều tra nguyên nhân cái chết. Dẫn lời cảnh sát, hãng tin Kyodo vừa cho biết, có thể ông Matsushita đã để lại 1 bức thư. Theo điều tra ban dầu, cảnh sát kết luận ông Matsushita đã tự sát.

Chính trị gia lão luyện

Tờ Mainichi Times đưa tin: Một vệ sĩ phát hiện ông Matsushita trong tình trạng bất tỉnh tại nhà riêng. Sau đó ông được đưa tới bệnh viện để cấp cứu, song đã qua đời.

Hai nghị sĩ giấu tên nói với kênh truyền hình NHK rằng, sức khỏe của ông Matsushita, 73 tuổi, suy giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây và ông phải chống chọi với bệnh ung thư.

Sinh năm 1939, Matsushita vừa được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Dịch vụ tài chính và Cải cách bưu chính vào tháng 6 năm nay. Trước đó, ông Matsushita đã giữ nhiều chức vụ khác nhau như Thứ trưởng Bộ Tái thiết Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Tham gia vào Bộ Xây dựng từ năm 1962, ông Matsushita đã có 5 nhiệm kỳ liên tiếp là thành viên của Hạ viện Nhật Bản kể từ năm 1993 với tư cách là thành viên của đảng Dân chủ Tự do tại tỉnh Kagoshima.  Tuy nhiên, khi Matsushita gặp thất bại trong việc hỗ trợ tư nhân hóa ngành bưu chính, người đứng đầu đảng của ông là đảng Dân chủ tự do lúc đó, nguyên Thủ tướng Koizumi đã từ chối ủng hộ chiến dịch của Matsushita hồi năm 2005. Sau đó ông rời khỏi đảng Dân chủ Tự do và gia nhập đảng Nhân dân mới (People's New Party) hiện đang liên minh với đảng của Thủ tướng Noda.

Năm 2009, Matsushita quay trở lại Hạ viện và lần này trong vai trò là thành viên của đảng Nhân dân mới. Matsushita đã trúng cử và hiện là 1 trong 3 thành viên của đảng Nhân dân mới có giữ ghế trong Quốc hội.

Mạnh tay với làm ăn ngầm

Khi nhận nhiệm vụ tại Bộ Dịch vụ tài chính (FSA), Tadahiro Matsushita đã rất mạnh tay điều tra những giao dịch nội gián tại Tập đoàn Tài chính chứng khoán Nomura với mong muốn lập lại kỷ cương cho ngành tài chính Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết, ông thực sự bị sốc khi nghe thấy tin vị bộ trưởng này đột ngột ra đi. "Tôi không nói nên lời. Matsushita luôn giúp tôi lạc quan hơn khi phải đối mặt với những thời kỳ khó khăn" - Ông Noda cho biết.

Tháng 6 vừa qua, chính Thủ tướng Noda đã bổ nhiệm ông Matsushita vào vị trí trên. Sau khi đảm nhiệm chức vụ này, ông Matsushita đã tuyên bố sẽ thực hiện điều tra sâu hơn nữa về các vụ scandal giao dịch nội gián tại Nomura Holdings Inc., công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Nhật Bản.

Vụ scandal này cũng đã khiến 2 lãnh đạo cấp cao của Nomura là Giám đốc điều hành (CEO) Kenichi Watanabe và Giám đốc Quản lý (COO) Takumi Shibata phải từ chức hồi tháng 7.

Theo nhận định của Hideaki Miyajima, giáo sư chuyên ngành quản trị doanh nghiệp tại Đại học Waseda, cái chết của ông Matsushita là một mất mát lớn của ngành tài chính Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng hy vọng khung luật pháp của ngành này vẫn sẽ được giữ vững, ngành tài chính vẫn sẽ ổn định.

Sau một tháng đảm nhiệm chức vụ, Matsushita đã yêu cầu bộ phận tư vấn tại FSA nghiên cứu các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với vấn đề giao dịch nội gián. Theo đó, ông muốn các tổ chức và cá nhân làm rò rỉ thông tin nội bộ sẽ bị phạt nặng hơn và phải chịu án kỷ luật khắt khe hơn.

Theo Shiro Yoshioka, chuyên gia phân tích đến từ Japaninvest Group Plc có trụ sở đặt tại Tokyo, cuộc điều tra về giao dịch nội gián mà người quá cố tiến hành mới chỉ thực hiện được một nửa. Người lên thay Matsushita sẽ phải chịu áp lực thực hiện điều tra kỹ lưỡng hơn đồng thời đẩy nhanh nỗ lực khôi phục niềm tin của thị trường.

Nomura Holdings Inc - nơi từng xảy ra bê bối giao dịch nội gián.

Trước khi chết, Matsushita cũng đang xem xét cho phép Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản vốn là một ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước bắt đầu thực hiện cho vay thương mại và các hoạt động bán lẻ vào tháng 4/2013. Ngay sau khi vị Bộ trưởng qua đời, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định, động thái của ngân hàng trên sẽ làm tổn hại đến các ngân hàng trong khu vực vốn đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau.

Theo Jun Okumura, chuyên gia tư vấn tại Hãng tư vấn Eurasia Group, thay vì để mặc cho FSA hoạt động không hiệu quả như trước, Matsushita đã rất mạnh tay cải cách và chắc chắn phải chịu rất nhiều áp lực từ vụ việc này.

Còn theo  Kazuo Nagayoshi, quan chức cao cấp tại Bộ Dịch vụ tài chính Nhật Bản, Matsushita là một người rất nhiệt tình và làm việc chăm chỉ. Hàng tuần, ông đều liên lạc với văn phòng tại địa phương.  Khi còn đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Tái thiết Nhật Bản, Matsushita đã đến thăm các vùng bị khủng hoảng hạt nhân sau thảm họa động đất sóng thần vào tháng 3 năm ngoái.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura mới đây thông báo, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã quyết định để Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi tạm thời giữ chức vụ quản lý ngân hàng của Bộ trưởng phụ trách dịch vụ tài chính Tadahiro Matsushita, người được cho là "Bộ trưởng Tiền tệ Nhật Bản" vừa ra đi. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi được chỉ định tạm thời kiêm nhiệm chức vụ quản lý ngân hàng của ông Matsushita, ông Azumi nói: "Tôi sẽ nỗ lực để cơ quan quản lý tài chính hoạt động công bằng-minh bạch, giúp ổn định hệ thống tài chính đất nước". Jun Azumi nói rằng, ông Tadahiro là  "một chính trị gia dày dạn và có năng lực làm việc cao".

Mới đây, có một vài nguồn thông tin cho rằng, ông Tadahiro Matsushita tự tử do bê bối tình ái. Ông được phát hiện trong tư thế treo cổ tại nhà riêng ở Tokyo. Ngoài ra, người ta còn phát hiện một lá thư tuyệt mệnh của ông Tadahiro gửi cho vợ, Thủ tướng Yoshihiko Noda và các thành viên Nội các.

Được biết, tạp chí lá cải Shukan Shincho đã đăng tải vụ bê bối tình ái giữa ông Matsushita và một phụ nữ "ngoài luồng"

Nguyễn - Phương Thu (tổng hợp)
.
.