Sự trở lại ngoạn mục của bà Cristina Kirchner

Thứ Ba, 05/11/2019, 15:45
Kết quả vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Argentina hôm 27-10 vừa qua không nằm ngoài dự báo của giới quan sát: Liên danh tranh cử Peronist gồm ứng cử viên Tổng thống Alberto Fernandez và ứng cử viên Phó Tổng thống Cristina Fernandez Kirchner đánh bại đương kim Tổng thống Mauricio Macri.

Đây là câu trả lời của cử tri đối với chính sách thắt lưng buộc bụng, đồng thời cũng đánh dấu sự trở lại một cách ngoạn mục của cựu Tổng thống Cristina Kirchner.

Cuộc đấu giữa cặp đôi Peronist mang cùng họ Fernandez với ông Macri xem ra chưa thể ngã ngũ ngay vòng 1 mà phải bước sang vòng 2 sẽ diễn ra vào ngày 10-12 tới. Ông Fernandez tỏ ra rất tự tin khi tuyên bố rằng ông Macri chỉ còn làm tổng thống trong thời gian từ nay cho đến hết ngày 10-12. 

“Tôi sẽ hợp tác trong mọi vấn đề người Argentina cần” - ông Fernandez hào hứng nói. Còn bà Cristina thì tuyên bố sẽ “yêu cầu tổng thống đương nhiệm sử dụng mọi biện pháp có thể nhằm làm giảm bớt tình hình tài chính tồi tệ hiện nay của quốc gia”.

Kết quả bầu cử vòng 1 được đánh giá là lời chối từ của cử tri đối với chính sách thắt lưng buộc bụng của Tổng thống Macri. Các cải cách kinh tế - xã hội của ông trong cả nhiệm kỳ được xem là thất bại vì đã không đáp ứng sự tăng trưởng kinh tế rõ nét như ông đã hứa. 

Liên danh tranh cử giữa ông Alberto Fernandez và bà Cristina Kirchner mừng chiến thắng.

Và vì thế, ông đành phải chọn giải pháp thắt lưng buộc bụng. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, là nguồn gốc gây ra bất ổn xã hội tại nhiều nơi ở Mỹ Latinh và trên thế giới. Thắt lưng buộc bụng đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính phủ đang diễn ra tại một số quốc gia khu vực Mỹ Latinh, và trước đó nữa là các phong trào biểu tình rầm rộ, kéo dài ở Chile, Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha), Liban,...

Khi lên nắm quyền vào năm 2015, ông Macri tuyên bố rằng các cải cách theo hướng thị trường của ông sẽ “ngay lập tức” mang lại sự tăng trưởng chắc chắn, rõ nét cho cả giai đoạn 20 năm. Tuy nhiên, sau một nhiệm kỳ 4 năm của ông, tỉ lệ người nghèo đã tăng khoảng 10%, lạm phát hằng năm vào khoảng 50% và nợ công tương đương 100% GDP, Argentina lại bên bờ vực mất khả năng chi trả nợ, tương tự đợt khủng hoảng 2001. 

Argentina là nền kinh tế lớn thứ 3 ở châu Mỹ Latinh (sau Brazil và Mexico) nhưng tình trạng đói nghèo và nợ công đều gia tăng mạnh là vấn đề không thể chấp nhận được đối với người dân nước này. Tổng thống Macri cũng không có cách lý giải nào đủ sức thuyết phục để người dân Argentina kiên nhẫn với ông thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ở một khía cạnh khác, chiến thắng vòng 1 của liên danh Peronist còn đánh dấu sự trở lại một cách ngoạn mục của bà Cristina Kirchner. Cựu tổng thống 2 nhiệm kỳ Cristina dù đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng và đang bị điều tra nhưng sức hút của bà đối với cử tri vẫn rất mạnh. Cristina được đánh giá là gương mặt hiện đại của phái chính trị Peronist. 

Trước khi lên làm tổng thống, bà là đệ nhất phu nhân, đồng thời cũng là phó tổng thống và vợ chồng bà cũng từng được dư luận tôn xưng là “cặp đôi quyền lực”. 

Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của bà Cristina được đánh dấu bởi những thành công tiếp nối các chính sách của chồng nhưng sang nhiệm kỳ thứ hai (2011-2015), những khó khăn dồn dập kéo đến: kinh tế trì trệ, thất nghiệp tăng, lạm phát lên trên 25%, thâm hụt ngân sách lên 5% và đất nước không thể tiếp cận các nguồn vốn vay bên ngoài. Kinh tế Argentina lại rơi vào tình thế gần giống với năm 2001.

Biểu tình chống chính phủ có bàn tay tổ chức của các chính khách đối lập nổ ra khắp nơi, lên đến hàng trăm ngàn người. Các chương trình an sinh xã hội của bà Cristina bị chỉ trích kịch liệt, trở thành tâm điểm khủng hoảng chính trị. 

Trong bối cảnh đó, sự kiện ông Macri được bầu lên làm tổng thống thay bà Cristina được xem là cột mốc quan trọng đối với Argentina và cả châu Mỹ Latinh: Lần đầu tiên một ứng cử viên bảo thủ với chủ trương kinh tế thị trường chính thống đã đánh bại một liên danh Peronist. Macri còn gây ấn tượng với những hứa hẹn cải cách nhằm làm thay đổi bộ mặt kinh tế đang hết sức ảm đạm.

Đương kim Tổng thống Mauricio Macri.

Tình hình kinh tế Argentina hiện tại gần giống với thời điểm 2015, khi ông Macri đánh bại bà Cristina. Rút kinh nghiệm trong cuộc đối đầu chính trị với bà Cristina, khi liên danh Fernandez-Kirchner vừa hình thành vào tháng 8-2019, ông Macri đã mau chóng đưa ra các quyết sách nhằm lôi kéo cử tri, bao gồm việc cắt giảm thuế đối với giới trung lưu, tăng lương, tăng phúc lợi xã hội và kìm hãm đà tăng giá nhiên liệu - ngòi nổ biểu tình lan khắp Mỹ Latinh hiện nay. 

Bên cạnh đó, ông Macri cũng nỗ lực cứu vãn tình hình nợ công, đưa tỉ lệ thâm hụt ngân sách về bằng mức của bà Cristina năm 2015. Nhưng những giải pháp mang tính tạm thời ấy không tạo ra kết quả mang tính đột phá có thể làm xoay chuyển tình hình khó khăn đang ngày càng hiện rõ.

Giới phân tích cho rằng mặc dù nhiều cử tri vẫn còn không ưa thích bà Cristina nhưng chính những khó khăn ngột ngạt trong suốt thời gian sống dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Macri khiến họ mong mau chóng thoát ra khỏi nó và tìm kiếm một sự thay thế tốt đẹp hơn. 

Fernandez từng là Chánh Văn phòng Tổng thống Nestor Kirchner, gợi nhớ một thời kinh tế thăng hoa, có thể mang lại niềm tin cho cử tri; trong khi đó bà Cristina cũng khiến cử tri không thể quên những gì bà đã làm cho họ, cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. 

Quay trở lại với những chính sách hướng xã hội Peronist có lẽ là lựa chọn khả dĩ nhất mà cử tri Argentina có được vào lúc này. Và đó là lý do cho sự trở lại của bà Cristina.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.