Australia: Nhiệm kì mới của Thủ tướng Morrison

Thứ Tư, 22/05/2019, 17:24
Cuộc bầu cử Nghị viện Liên bang Australia diễn ra hôm 18-5 vừa qua đã cho ra một kết quả được giới quan sát đánh giá là “cú sốc”, còn người trong cuộc tự nhận là “phép màu”, với chiến thắng thuộc về đảng Liên minh Tự do - Quốc gia của đương kim Thủ tướng Scott Morrison. Chiến thắng này giúp ông Morrison tại vị trên ghế Thủ tướng Australia đến năm 2022.

“Cú sốc” hay “phép màu”?

Với 77% phiếu đã kiểm (tính đến chiều 20-5), đảng Liên minh Tự do - Quốc gia (LNP) xem như đã chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc đua ở Hạ viện, với kết quả đảng này giành được 75 ghế trên tổng số 151 ghế Hạ viện, trong khi Công đảng Australia theo sát phía sau với 65 ghế.

Đài truyền hình ABC của Australia dự báo LNP có thể giành được khoảng 77 ghế, vượt 1 ghế so với yêu cầu đa số để chính thức thành lập chính phủ. Với kết quả này, LNP sẽ chính thức thành lập chính phủ đa số mà không cần phải liên kết với bất kỳ đảng nhỏ nào.

Bloomberg News hôm 19-5 đã bình luận về cuộc bầu cử Liên bang Australia và gọi kết quả bầu cử là “cú sốc chính trị” tương tự như chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 56 cuộc thăm dò dư luận của giới truyền thông (vốn được xem là hàn thử biểu chính trị) từ năm 2016 đến nay đều đặt đảng LNP của ông Morrison tụt phía sau Công đảng Australia.

Thậm chí ngay sau khi cuộc bỏ phiếu chính thức kết thúc cuối ngày 18-5, thăm dò phòng phiếu do hãng tin tức Nine Entertainment tổ chức cũng cho kết quả Công đảng Australia dẫn 52% so với 48% của LNP. Kể cả hệ thống thăm dò của chính LNP cũng đưa ra dự báo đảng này sẽ thua thiệt khoảng 11 ghế so với Công đảng Australia.

Thế nhưng, chỉ sau 2 ngày kết quả kiểm phiếu từng lúc được công bố, tình hình đã đảo ngược hẳn. LNP vọt lên trước, với 10 ghế nhiều hơn Công đảng Australia và còn được dự báo giành thêm ghế nữa. Trong phát biểu mừng chiến thắng của mình hôm 19-5, ông Morrison đã bày tỏ nỗi vui mừng khôn tả, gọi kết quả bầu cử này là một “phép màu”.

Vậy điều gì đã khiến cuộc bầu cử ở Australia đảo lộn trong phút chốc? Theo giới quan sát, Công đảng Australia thất bại là do một bộ phận cử tri nằm giữa hai “chiến tuyến” đã bất ngờ ngả về phía LNP thay vì Công đảng như dự báo. Các thông số thăm dò đều sai khi đưa ra đánh giá LNP quen với cơ sở cử tri giàu có ở đô thị nên khó lấy phiếu ở khu vực trung lưu ngoại ô. Thực tế, những cử tri lưỡng lự ở vùng Bắc Australia và phía Bắc thành phố Sydney đứng trước nguy cơ mất việc đã chọn lựa LNP.

Thủ tướng Australia Scott Morrison mừng chiến thắng.

Vấn đề nằm ở chỗ hầu như tất cả các chủ đề tranh cử của Công đảng đều tương tự LNP, vì thế cử tri chọn đảng nào họ cảm thấy yên tâm hơn khi đặt cược niềm tin vào. Mặt khác, Công đảng Australia thiên về xu hướng đánh vào tài sản của giới trung lưu và thượng lưu ở các trung tâm đô thị, từ đó cũng khiến một bộ phận không nhỏ cử tri nhóm này bỏ Công đảng chọn LNP.

Bắc Kinh không vui

Như trên đã nói, Công đảng Australia hầu như “đồng tình” với LNP ở hầu hết các vấn đề đảng này đặt ra trong tranh cử. Chỉ trừ “yếu tố Trung Quốc”. Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị điều chỉnh lại chính sách đối với Australia một khi Công đảng Australia lên nắm quyền như dự báo nhưng với việc LNP tiếp tục nắm quyền, cánh cửa cho việc đó hầu như đã khép lại. Điều này phản ánh một thực tế giữa hai đảng lớn nhất Australia có những khác biệt trong chính sách đối với Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn gặp khó khăn với chính quyền LNP, quan hệ giữa Trung Quốc và Australia luôn trong tình trạng căng thẳng kể từ cuối năm 2017. Dưới thời Thủ tướng Malcolm Turnbull (đảng Tự do trong LNP), Australia luôn khiến Bắc Kinh tức giận khi đưa ra những quyết định trái ngược với lợi ích của Trung Quốc, như ban hành luật cấm nhận nước ngoài tài trợ và cấm người nước ngoài can thiệp vào chính trị nội bộ Australia.

Luật cấm này được cho là nhắm vào Trung Quốc bởi lâu nay báo chí quốc tế từng đưa tin về nhiều hoạt động của người Hoa ở Australia thao túng giới chính trị Australia theo hướng có lợi cho họ và xa hơn là cho Trung Quốc.

Chính sách “chống Trung Quốc” cụ thể nhất của ông Turnbull trước khi rời khỏi ghế Thủ tướng Australia chính là quyết định cấm các công ty công nghệ viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng mạng 5G của nước ông. Rồi đến chính phủ kế nhiệm cũng noi theo ông Turnbull qua việc từ chối tham gia “Sáng kiến Vành đai, Con đường” của Trung Quốc và công khai phản đối chính sách tạo “bẫy nợ” của Trung Quốc thông qua sáng kiến này.

Chưa hết, đầu năm 2018, ông Morrison còn kêu gọi vùng Nam Thái Bình Dương “đứng lên” chống lại sự hiện diện và tạo ảnh hưởng của Bắc Kinh trong vùng. Canberra cũng có tiếng nói cứng rắn trong vấn đề Biển Đông...

Trong khi đó, sự háo hức của Trung Quốc đối với Công đảng Australia được cho là xuất phát từ chính sách thân thiện của đảng này đối với Bắc Kinh, trong đó, 1,2 triệu cử tri người Hoa được xem là lý do quan trọng nhất. Từ thời các chính phủ Công đảng trước đây, Australia đã dành cho Trung Quốc sự ưu ái đặc biệt trong nhiều chính sách kinh tế.

Cựu Thủ tướng Paul Keating (Công đảng Australia) là một đồng minh thân cận của Trung Quốc, đã lên tiếng đòi sa thải các lãnh đạo tình báo Australia đương nhiệm vì đã tham mưu luật cấm người nước ngoài can thiệp vào chính trị nội bộ Australia và lệnh cấm các công ty Trung Quốc đầu tư vào mạng 5G. Lãnh đạo Công đảng Bill Shorten trong lúc vận động tranh cử đã gọi Trung Quốc là “đối tác thương mại chiến lược” thay cho cách nói cứng rắn hơn. Ông Shorten thậm chí còn tuyên bố sẽ “chào đón sự trỗi dậy của Trung Quốc” nếu thắng cử.

Với kết quả thắng lợi trong cuộc bầu cử, ông Morrison sẽ có thêm nhiệm kỳ 4 năm lãnh đạo đất nước. Ngoài những vấn đề cốt lõi như khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại, giải quyết tốt vấn đề gai góc nhất của chính trị Australia là bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu cũng như vấn đề người nhập cư, ông Morrison còn phải giải quyết tốt vấn đề “quan hệ với Trung Quốc”.

Với việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Australia, lựa chọn một chính sách mềm dẻo có lẽ vẫn sẽ là ưu tiên đáng nên xem xét trong thời gian tới của xứ sở chuột túi.

An Châu (tổng hợp)
.
.