Australia: Sửa chữa sai lầm trước đây đối với người bản địa
"Với những thế hệ bị đánh cắp, tôi xin nói những lời sau đây: Với tư cách Thủ tướng Australia, tôi xin lỗi. Thay mặt Chính phủ Australia, tôi xin lỗi. Thay mặt Quốc hội Australia, tôi xin lỗi. Tôi nói lời xin lỗi này một cách vô hạn".
Ông Rudd đã đọc lời xin lỗi đó trong 4 phút trước toàn thể Quốc hội Australia, với sự hiện diện của 100 đại diện cao cấp của người bản địa. Bên ngoài tòa nhà Quốc hội, hàng trăm người bản địa cũng có mặt để theo dõi và lắng nghe lời xin lỗi của ông Rudd với những thái độ và cảm xúc khác nhau.
Nhiều người trong số họ, trong đó có bà Lowitja O'Donohue, một trong những nhân vật uy tín nhất của tổ chức Stolen Generations, đã bày tỏ sự cảm kích trước hành động “biết điều” lần đầu tiên của chính quyền Australia.
Bà O'Donohue năm nay 75 tuổi, từng là nạn nhân của chính sách bắt cóc trẻ em bản địa, cho biết bà có mặt tại Quốc hội Australia để lắng nghe lời xin lỗi mà bà và nhiều thế hệ người bản địa Australia đã chờ đợi từ rất lâu.
Tuy nhiên, rất nhiều người bản địa tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội Australia thì không hài lòng với lời xin lỗi của ông Rudd vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu họ đều cho rằng sự mất mát tình cảm và tổn thất tinh thần quá to lớn mà họ và cha mẹ họ đã phải gánh chịu suốt hàng chục năm trời chỉ đổi lấy vài lời "xin lỗi suông” như vậy quả thật không thỏa đáng.
Đó là chưa kể nỗi thống khổ của những người thuộc một nhóm sắc tộc bị tước mất bản sắc văn hóa do phải sống trong môi trường văn hóa của các dân tộc khác suốt nhiều năm liền. Hậu quả là có nhiều người ngày nay trở thành kẻ xa lạ ngay trong chính cộng đồng dân tộc của mình. Những người này đòi hỏi Chính phủ Australia phải có cử chỉ bồi thường bằng tiền mặt cho họ.
Hàng trăm người bản địa tụ tập trước tòa nhà Quốc hội để nghe lời xin lỗi của ông Rudd. |
Chính sách đồng hóa người bản địa mà các chính quyền da trắng ở Australia tiến hành từ đầu thế kỷ XX (BBC News cho là cuối thế kỷ XIX) đến đầu thập niên 70 từ lâu đã bị thế giới tiến bộ và một phần đông người Australia lên án là dã man, vô nhân đạo, và theo Liên minh người Bản địa Australia (NAA) thì nó đã được xếp vào loại tội ác chống lại loài người, tức tội diệt chủng.
Theo một báo cáo điều tra mang tên "Hãy mang họ về nhà" công bố vào năm 1998, trong giai đoạn thực thi chính sách đó, chính quyền Australia đã bắt cóc hoặc cưỡng bức mua chuộc khoảng trên dưới 100.000 trẻ em người bản địa từ sơ sinh cho đến dưới 15 tuổi.
Chính sách này bắt nguồn từ những học thuyết chủng tộc hết sức tàn nhẫn cho rằng người bản địa thuần khiết không thể tự tồn tại được và tất sẽ diệt vong(!?). Và con cái của họ cần phải được “đồng hóa”, phải được “khai hóa” để tránh nguy cơ nói trên(!?).
Thế là, các đời chính quyền Australia da trắng bắt đầu chương trình di dời trẻ em bản địa. Người ta dùng đủ mọi thủ đoạn để tách những đứa trẻ đó khỏi bố mẹ chúng, đưa đến các trại mồ côi, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em của người da trắng, và cho làm con nuôi trong gia đình da trắng.
Tuy nhiên, kết quả thực tế đã chứng minh ngược lại rằng, chính vì bị cách ly, mang đi “đồng hóa” như thế mà các dân tộc bản địa có nguy cơ bị diệt vong cao hơn. Người bản địa Australia đã có mặt tại lục địa này từ hàng ngàn năm trước khi thực dân Anh đặt chân lên vùng Sydney vào năm 1788.
Cho đến ngày nay, cuộc sống của họ vẫn thuộc vào hạng thấp kém nhất so với các cộng đồng dân cư khác trên lãnh thổ Australia. Hiện còn khoảng 450.000 người bản địa Australia, thuộc nhóm nghèo khó nhất, mù chữ, thất nghiệp nhiều nhất, và có tuổi thọ bình quân thấp hơn 17 năm so với một người Australia trung bình.
Đây mới chính là cái sai lầm lớn nhất, tai hại nhất, thậm chí là tội ác của các đời chính quyền Australia trước đây đối với dân bản địa.
Vì sao một chính sách bị lên án từ lâu nhưng mãi đến hôm nay, khi Thủ tướng Rudd (tuyên thệ nhậm chức hôm 12/2) quyết tâm thực hiện lời hứa lúc tranh cử của mình, thì nó mới được mang ra mổ xẻ và soi xét? Câu trả lời có lẽ không khó lắm. Thực ra, vấn đề của người bản địa đã bị nhiều đời chính quyền Australia né tránh vì không muốn đụng chạm đến quá khứ đáng hổ thẹn và cũng vì ngại phải bồi thường.
Ngay dưới thời Thủ tướng John Howard, mặc dù đã có nhiều tiểu bang xin lỗi dân bản địa, nhưng chính quyền liên bang thì nhất định không mà chỉ bày tỏ "hối tiếc một cách sâu sắc và chân thành". Thậm chí, các đảng phái chính trị còn lợi dụng vấn đề người bản địa như một chiêu bài để công kích nhau trong các cuộc bầu cử.
Tất cả giờ đây phải thay đổi, đúng như lời hứa của ông Rudd khi vận động tranh cử. Sau 4 phút xin lỗi dân bản địa, Thủ tướng Rudd đã đọc bài diễn văn dài 20 phút trước toàn thể Quốc hội Australia, trong đó, ông kêu gọi các đảng phái chính trị hãy dẹp bỏ lợi ích riêng để cùng chung tay hành động nhằm bù đắp và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ đối với người bản địa.
Ông Rudd không nhắc đến việc thành lập một quỹ quốc gia để bồi thường nhưng nhiều người cho rằng ông muốn để ngỏ khả năng thương lượng bồi thường cho từng trường hợp cụ thể.
Một lời xin lỗi có thể chưa đủ. Ngay cả bồi thường cũng chưa đủ. Bruce Trevorrow, người bản địa đầu tiên thuộc “Stolen Generation” được bồi thường vì những tổn thất kể trên sau phiên tòa hồi tháng 8/2007 đã thốt lên rằng, "có bồi thường mấy thì tiền bạc cũng không thể sửa chữa được gì trong những nỗi đau đã hằn sâu trong tâm khảm của chúng tôi - những đứa trẻ vô tội bị người ta mang đi khỏi bố mẹ mình!".
Cái mà người bản địa cần là những hành động cụ thể của Chính phủ đối với cuộc sống của họ, như thu ngắn cách biệt về mức sống, tuổi thọ, trình độ học vấn,... Và đây cũng chính là những việc làm mà Thủ tướng Rudd đặt ra trong 10 năm tới