Ba Lan: Căng thẳng vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống

Thứ Hai, 13/07/2020, 16:21
Ngày 12-7, cử tri Ba Lan sẽ đi bỏ phiếu vòng 2 để bầu tổng thống. Đây được xem là cuộc bầu cử quyết định vận mệnh đất nước trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhiều mặt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan là cuộc đối đầu giữa 2 đối thủ ngang tài ngang sức, đồng trang lứa. Một bên là đương kim Tổng thống Andrzej Duda, và "người thách đấu" là Thị trưởng Warsaw Rafal Trzaskowski. Điều kỳ lạ diễn ra trong buổi chiều ngày 6-7 chính là cùng lúc diễn ra sự kiện “tranh luận” của 2 ứng cử viên nhưng không ở cùng một nơi mà ở 2 nơi khác nhau.

Tại mỗi nơi, mỗi ứng cử viên cũng dàn dựng sân khấu diễn đàn, trên đó đặt 2 bục phát biểu dành cho 2 người, có bản tên đầy đủ, nhưng thực tế chỉ có một người đứng nói và quay sang đặt câu hỏi cho người bên cạnh “vắng mặt”. Cả hai ứng cử viên đều phản bác, phủ nhận, tẩy chay nhau kịch liệt.

Cuộc đua được dự đoán sẽ diễn ra đầy khó khăn và gay cấn, rất khó phân định ai thắng ai thua. Tại vòng 1 cuộc bầu cử, Tổng thống Duda tạm dẫn đầu với 43,5% phiếu, còn Thị trưởng Trzaskowski đạt 30,5% phiếu. Nhưng bước vào vòng 2, tình hình có thể sẽ khác đi. Người ta dự đoán rằng ở vòng 2, Thị trưởng Trzaskowski có thể nhận được đa số phiếu của những cử tri đã ủng hộ các ứng cử viên nhỏ lẻ khác đã bị loại sau vòng 1. Trong cuộc đua vòng 1, lá phiếu cử tri bị phân tán nhiều do có nhiều ứng cử viên cùng tham gia cuộc đua.

Cuộc bầu cử lại bị phủ bóng bởi đại dịch Covid-19 khiến cho cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn từ tháng 5 đến cuối tháng 6. Đã từng có cuộc tranh cãi ồn ào về việc hoãn bầu cử, trong đó đảng Pháp luật và Công lý (PiS) nhất quyết đòi tổ chức bỏ phiếu ngay trong tháng 5, không hoãn, vì khi đó cử tri Ba Lan đang hài lòng với hiệu quả của biện pháp phong tỏa chống dịch thành công của chính phủ do PiS cầm quyền.

Cuộc bỏ phiếu được xem như một trưng cầu ý kiến về “Đệ tam Cộng hòa” Ba Lan, với trật tự hiến pháp dân chủ tự do hình thành trong gần 30 năm qua. Tổng thống Duda được xem là nhân tố chủ đạo nhất trong “cuộc chiến” đánh đổ trào lưu dân chủ tự do đang lớn mạnh ở Ba Lan. Nhà nghiên cứu Anna Wojcik tại Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan nhận xét: Người Ba Lan sẽ phải quyết định đất nước họ sẽ đi theo hướng một nền dân chủ đa nguyên, hay là chấp nhận nền dân chủ đa số không có đối trọng kiểm soát quyền lực của đảng cầm quyền.

Sự lựa chọn đó được thể hiện ở hai đại diện tiêu biểu tranh đua nhau tại vòng 2. Hai ứng cử viên đều bằng tuổi nhau, 48 tuổi, sinh cách nhau vài tháng. Cả hai cùng đi học trung học tại những ngôi trường danh giá ở thành phố lớn, và đều lấy bằng tiến sĩ tại một trong hai trường đại học hàng đầu của Ba Lan. Đặc biệt, cả hai đều là đại biểu Quốc hội đại diện cho cùng một địa phương: thành phố Krakow ở miền Nam Ba Lan.

Tổng thống Andrzej Duda.

Tuy nhiên, tiểu sử cá nhân 2 người lại có những điểm khác biệt đáng kể, đó là sự khác biệt, thậm chí là phân hóa, về giai cấp, văn hóa và địa lý, vốn là những yếu tố tạo nên sự phân cực trong chính trị đất nước và sẽ tạo ra yếu tố tâm lý kịch tính trong cuộc bỏ phiếu ngày 12-7 tới. “Nói một cách đơn giản, cả ông Duda và ông Trzaskowski đều là những gương mặt của đất nước Ba Lan” – nhà bình luận chính trị kỳ cựu Adam Szostkiewicz của tờ báo Polityka nhận xét.

Ông Trzaskowski xuất thân gia đình có cha là nhạc sĩ nhạc jazz nổi tiếng, lớn lên ở Warsaw và từng học trung học 1 năm tại bang Michigan của Mỹ đầu những năm 1990. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng châu Âu tại Warsaw, ông lấy học bổng sang học tại Đại học Oxford, Anh, lấy bằng tiến sĩ triết học Anh, là chuyên gia giỏi về quan hệ quốc tế. Ông tiếp tục học tại Viện Nghiên cứu An ninh của EU trước khi bước chân vào làm chính trị.

Tổng thống Duda cũng xuất thân gia đình danh gia vọng tộc, có cha mẹ đều là giảng viên tại Đại học Mỏ - Địa chất Krakow. Vì thế, từ nhỏ cậu bé Duda đã nhận được sự giáo huấn cực kỳ nghiêm khắc của cha mẹ, được dạy dỗ phải ngoan đạo ) và giữ gìn các giá trị truyền thống. Lớn lên, ông tham gia phong trào hướng đạo của thanh niên Ba Lan, và là một trong những trụ cột của truyền thống yêu nước Ba Lan.

“Trzaskowski tiêu biểu cho truyền thống tự do, quốc tế hóa và ủng hộ châu Âu, trong khi Duda thì ngược lại, đại diện cho một Ba Lan tỉnh lẻ, bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa Ba Lan” – Szostkiewicz viết tiếp. Szostkiewicz cho rằng sự chia rẽ, phân hóa của Ba Lan hôm nay là do chính người Ba Lan tạo ra và phải chọn lựa.

Điều đó thể hiện rõ trong cách hai ứng cử viên tổ chức diễn đàn tranh luận bầu cử và cả trong cách cử tri ủng hộ họ thể hiện thái độ, xử sự đối với đối phương. Họ tận dụng những vấn đề trong tiểu sử bản thân của hai ứng cử viên để tung hô ứng cử viên của mình, chẳng hạn như cử tri ủng hộ ông Trzaskowski khoe rằng ông biết nói 5 ngôn ngữ châu Âu; đồng thời bới móc, châm chọc ứng cử viên đối phương. Điều này thể hiện một khía cạnh không đẹp trong vận động chính trị tranh cử.

Ngược lại, cử tri ủng hộ đảng PiS cũng tìm cách bôi bác ông Trzaskowski, cho rằng ông là một “phần tử” chịu ảnh hưởng nước ngoài nguy hiểm. PiS kiểm soát hệ thống truyền hình nhà nước Ba Lan, và đã mô tả ứng cử viên đối lập là “đại diện cho thế lực vận động hành lang nước ngoài hùng mạnh có liên hệ với nhóm Bilderberg và tỉ phú George Soros”.

Cuộc cạnh tranh chính trị giữa những người ủng hộ hai ứng cử viên Ba Lan còn lan sang cả hệ thống nhà thờ Công giáo của nước này. Nó làm cho cuộc bầu cử trở nên méo mó, căng thẳng hơn.

An Châu (Tổng hợp)
.
.