Bầu cử ở Mỹ và tâm lý người dân
Ngôn ngữ được sử dụng rất bi quan, những lời lẽ mang tính cổ vũ truyền thống gần như là không có.
Cuộc bầu cử 2020 khiến tâm lý người Mỹ phân tán nhiều. |
Trái với sự sôi động của hai ứng viên
Theo khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, khoảng 70% người Mỹ nói rằng cuộc bầu cử năm 2020 là một nguồn gốc sâu xa gây ra sự lo lắng. Không thể tin tưởng vào dữ liệu thăm dò dư luận sau cuộc bầu cử năm 2016, họ đang tìm kiếm thông tin trên Twitter, xác định những mối nguy hiểm của sự bất ổn. Trong cuộc bầu cử trước, chỉ 52% số người Mỹ được khảo sát có tâm lý lo lắng.
Làm thế nào mà một nước Mỹ luôn lạc quan lại trở nên như vậy có thể trở thành chủ đề cho một cuộc tranh luận rất dài. Trong cuộc bầu cử năm 2020, các cử tri thường xuyên than vãn rằng không ứng cử viên nào khiến họ tin tưởng hay có thể truyền cảm hứng cho họ. Sự tôn trọng dành cho các nhà chức trách còn thấp, trong khi vòng xoáy của tin tức giả mạo và các thuyết âm mưu diễn ra mạnh mẽ, do sự lan truyền tin tức của các phương tiện truyền thông xã hội và công nghệ.
Khi tâm lý của người Mỹ đang trong vòng luẩn quẩn và hoang mang, việc các ứng cử viên cố gắng đưa ra một thông điệp tích cực dường như không có tác dụng gì. Khi ông Trump nói về việc khôi phục nền kinh tế, một vấn đề thực sự gây được tiếng vang, ông ấy có xu hướng "nhấn chìm" thông điệp của chính mình bằng những lời lẽ liên tục lên án các cuộc biểu tình.
Về phía ông Biden, ông có quá ít sự kiện vận động tranh cử nên thông điệp thống nhất đất nước của ông hầu như không được đưa lên bản tin mỗi tối. Cuối cùng, những cử tri bình thường bị "nhấn chìm" trong "biển" thư điện tử từ cả hai chiến dịch vận động tranh cử, tiến vào "đầm lầy" của Facebook hoặc sử dụng Twitter để kết nối với các ứng cử viên và tìm kiếm hy vọng.
Tâm lý đó của người Mỹ có lẽ cả hai ứng cử viên đều hiểu được nhưng họ cũng chẳng thể làm gì khác, điều họ làm vẫn là tăng tốc hết cỡ cho những cuộc đua nước rút nhằm thuyết phục cử tri hiểu mình hơn và đứng về phía mình thông qua lá phiếu. Tổng thống Donald Trump đã thực hiện 5 cuộc vận động tranh cử ở 5 bang khác nhau vào ngày cuối cùng, lần lượt tại Macomb County (bang Michigan), Dubuque (bang Iowa), Hickory (bang North Carolina), Rome (bang Georgia) và Opa-locka (bang Florida). Ứng cử viên Phó Tổng thống Mike Pence tiến hành cuộc vận động cử tri tại Bắc Carolina ngày thứ hai liên tiếp, nơi ông tham gia vào một buổi nghi lễ nhà thờ cùng với linh mục Franklin Graham tại Boone vào Chủ Nhật.
Về phần mình, ứng cử viên Joe Biden triển khai chiến dịch vận động cử tri ở Pennsylvania, chỉ một ngày sau khi ông Trump tổ chức 4 cuộc vận động tranh cử riêng biệt ở bang này. Theo kế hoạch, ứng cử viên của đảng Dân chủ có các phát biểu tranh cử tại Philadelphia. Trong khi đó, ứng cử viên phó tổng thống Kamala Harris tiến hành các cuộc vận động cử tri ở Gwinnett (bang Georgia) và Fayetteville (bang Bắc Carolina) trong ngày 2-11.
Về tỷ lệ ủng hộ trung bình trong các cuộc thăm dò dư luận, theo thống kê của RealClearPolitics, ông Biden dẫn trước ông Trump 3,7 điểm ở Pennsylvania - bang mà đương kim Tổng thống Mỹ đã giành chiến thắng với 44.000 phiếu bầu trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Truyền thông Mỹ nghiêng về ứng cử viên Joe Biden. |
Điều người Mỹ đang nghĩ
Có thể nói, chính COVID-19 là nhân tố quan trọng nhất tác động tới sự chuyển biến tâm lý của cử tri Mỹ trong thời gian qua. Từ tháng 5 đến nay, khi dịch COVID-19 tại Mỹ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, tình thế chính trị của bầu cử cũng thay đổi. Ông Biden từng bước gia tăng cách biệt và liên tục dẫn trước Tổng thống Trump với khoảng cách khá xa qua các cuộc thăm dò. Con số ủng hộ ông Biden so với ông Trump ở toàn liên bang là 52-53%, chênh với đương kim Tổng thống Trump khoảng 10 điểm. Hy vọng ông Biden có thể kiểm soát tốt hơn dịch bệnh đã khiến cử tri Mỹ đặt niềm tin vào ông nhiều hơn so với đương kim Tổng thống Trump.
Thế nhưng, dường như người Mỹ vẫn chưa hoàn toàn đặt tất cả niềm tin của mình vào ông Biden. Trong các cuộc thăm dò, nếu hỏi cử tri rằng: “Ai quản lý về kinh tế tốt hơn?” thì câu trả lời vẫn nghiêng về đương kim Tổng thống Trump; trong khi nếu hỏi cử tri “Ai quản lý và phòng, chống dịch bệnh tốt hơn?”, câu trả lời sẽ nghiêng về ứng cử viên Joe Biden.
Một nghiên cứu thăm dò của Gallup gần đây với câu hỏi: liệu cuộc sống của bạn so với 4 năm trước đây có tốt hay không? 56% người được hỏi trả lời là tốt. Có những người cảm giác đại dịch COVID-19 không ảnh hưởng tới họ nhiều thì chắc những cử tri này dù nói ra hay không họ sẽ bỏ phiếu cho người mang lại cuộc sống tốt hơn so với 4 năm trước. Đại dịch đã khiến tâm lý, kỳ vọng và trông đợi của cử tri khác đi.
Chính vì vậy, ngay sát “giờ G”, tình thế dường như không còn chắc chắn về tay ông Biden. Theo tờ The Atlantic, Tổng thống Trump sẽ có vị thế tốt hơn để chiến thắng phiếu đại cử tri nếu ông có thể giành được 1 hoặc 2 bang mà đảng Dân chủ đã giành được trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Chiến dịch của ông đang để mắt tới New Hampshire và Nevada nhưng cũng không bỏ qua một mục tiêu khác - Minnesota - bang có số phiếu đại cử tri bằng hai bang trên cộng lại.
Chiến dịch của ông Trump đang gửi thông điệp đến các cử tri gốc Cuba, Colombia, Venezuela và Nicaragua. “Đó là phương pháp nhắm mục tiêu vi mô cổ điển” - José Parra, một nhà tư vấn của đảng Dân chủ và là cựu trợ lý của cựu lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid, nói. Ông Trump đang “theo đuổi các nhóm cử tri chính ở Nam Florida có thể giúp ông thắng số cử tri đi bầu của đảng Dân chủ”.
Ông Donald Trump từng được cho là sẽ không chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, khiến người ta khó tin rằng lần này ông có thể thua. Chris Kofinis, một chiến lược gia của đảng Dân chủ, nói: “Mọi người nói ông Trump không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay. Nhưng, tôi cũng đã nghe chính xác những điều vô nghĩa tương tự như vậy vào năm 2016”.