Brazil: Hy vọng khôi phục giấc mơ thịnh vượng
- Ứng viên Tổng thống Brazil tố nhiều vấn đề" trong cuộc bầu cử
- Brazil: Ai thay thế ông Lula Da Silva?
Vì sao người dân Brazil lại mất niềm tin vào đảng Lao động của cựu Tổng thống Lula, vốn nổi tiếng với thành tích đã đưa 50 triệu người dân Brazil thoát khỏi cảnh bần cùng?
Với hơn 46% số phiếu, ông Jair Bolsonaro của đảng cực hữu về đầu tại vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Brazil ngày 8-10. Ứng cử viên Fernando Haddad của đảng Lao động về nhì nhưng bị bỏ xa lại phía sau với khoảng 29%. Ông Haddad là người thay thế cựu Tổng thống Lula đang bị ngồi tù. Tại vòng 2 cuộc bầu cử vào ngày 28-10 tới, nhiều khả năng ứng cử viên dân túy cực hữu này thắng cử.
Giới quan sát cho rằng, do thất vọng quá lớn sau 13 năm cánh tả cầm quyền, hơn 46% cử tri Brazil đã dồn phiếu cho ứng viên, không che giấu hoài niệm với thời kỳ mà đất nước bị cai trị với một bàn tay sắt.
Đã qua rồi thời kỳ mà người hùng Lula da Silva đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh bần hàn, giành một chỗ đứng cho Brazil trong câu lạc bộ các nền kinh tế đang trỗi dậy. Trong nhóm BRICS, Brazil lại có nhiều lợi thế. Brazil vừa là một nền dân chủ, vừa có tiềm năng kinh tế cao. 2 sự kiện thể thao trọng đại là Cúp bóng đá Thế giới 2014 và Thế vận hội 2016 tưởng chừng là những cột mốc quan trọng đem lại niềm tự hào và thịnh vượng cho người dân Brazil. Nhưng giấc mơ đã không thành.
Từ khi Olympic 2016 hạ màn, GDP sụt giảm 7% trong 2 năm liên tiếp, Brazil đi từ khủng hoảng kinh tế đến xã hội và chính trị. Tai tiếng tham nhũng bám rễ vào các hoạt động chính trị tại quốc gia này, khiến nữ tổng thống đầu tiên của Brazil bị truất phế. Người đỡ đầu cho sự nghiệp chính trị của bà Dilma Rousseff là cựu Tổng thống Lula da Silva hiện đang ngồi tù.
Thay thế bà Rousseff ở chức vụ tổng thống là ông Michel Temer cũng bị nhiều tai tiếng, làm ăn không minh bạch và ông này chỉ cứu được chiếc ghế tổng thống của mình trong đường tơ kẽ tóc.
Ứng cử viên Fernando Haddad của đảng Lao Động. |
Trong bối cảnh kinh tế sụp đổ, bất mãn xã hội dâng cao, tình trạng mất an ninh lan tràn, nhiều chính trị gia từ tả sang hữu bị cáo buộc tham nhũng, thì nhân vật được gọi là một “Donald Trump” của Brazil đã nổi lên. Đó là ông Bolsonaro.
Ưu điểm của ứng viên này là tới nay không bị tai tiếng tham ô. Ông đòi “mạnh tay quét sạch những thành phần ăn trên ngồi trốc trong chính quyền”. Đây là một lá bài được ông khai thác khéo léo, trong lúc dân tình đang khốn khổ vì khủng hoảng kinh tế. Chính ở điểm này, một phần không nhỏ cử tri từng ủng hộ đảng Lao động của cựu Tổng thống Lula đã đi theo Bolsonaro.
Thêm vào đó, phe của cựu Tổng thống Lula đã phạm một sai lầm lớn về chiến lược: cho tới giờ chót đảng này vẫn tin tưởng vào Lula, trong lúc ông đã phải ngồi tù vì tội tham nhũng và không được quyền tranh cử.
Mãi tới ngày 11-9, tức 5 tuần trước bầu cử vòng 1, Lula và đảng Lao động mới chính thức chỉ định ông Fernando Haddad thay thế. Ông là một trí thức, 55 tuổi, ít được công chúng và kể cả các cử tri cánh tả Brazil biết đến. Có lúc đảng Lao động tưởng chừng đã bị loại ngay từ vòng 1. Tình thế rắn không đầu của bên cánh tả là một yếu tố quan trọng giúp cho ứng viên cực hữu kiếm phiếu.
Một điểm mạnh nữa của Jair Bolsonaro là ông đánh trúng tâm lý công luận Brazil chán ngán với tình trạng mất an ninh trên toàn quốc. Vừa hứa hẹn “tái lập kỷ cương”, ông vừa chủ trương cho người dân được quyền mang súng để tự vệ. Thêm vào đó, đảng cực hữu Brazil đã dựa vào Hội Thánh Tin lành Phúc âm, rất có thế lực tại Brazil.
Là một người theo Công giáo, Jair Bolsonaro đã không ngần ngại đi theo đạo Tin lành để dựa vào thế lực của giáo hội này, vốn có ảnh hưởng lớn đối với giới địa chủ và nhiều doanh nhân trong ngành công nghiệp thực phẩm.
Được từ bên giáo hội Phúc âm Tin lành đến giới chủ Brazil ủng hộ, Jair Bolsonaro không che giấu là ông vẫn ngưỡng mộ thời gian 20 năm mà Brazil dưới sự lãnh đạo của giới tướng lĩnh quân sự. Ứng viên cực hữu này cũng không một chút mặc cảm khi phơi bày lập trường kỳ thị của ông đối với cộng đồng người da đen ở Brazil, mà ông từng đòi “thanh lọc” các khu nhà ổ chuột để giải quyết nạn cướp bóc trên đường phố.
Đối với những người từng kỳ vọng Brazil là một ngọn cờ dân chủ tại châu Mỹ Latinh, là một thành trì kinh tế vững chắc trong khu vực, thì tỷ lệ đắc cử trên 46% ở vòng 1 của ứng viên tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro là một tin xấu, là một bước thụt lùi về nhân quyền, về bình đẳng xã hội.
Jair Bolsonaro là một ứng viên gây nhiều chia rẽ trong công luận vì những phát biểu quá lời về nhiều vấn đề xã hội. Trong cuộc vận động tranh cử trước vòng 1, hàng trăm nghìn người biểu tình thuộc cánh tả và nữ giới đã xuống đường, chống ứng viên Bolsonaro.
Vào ngày 6-9, ông Bolsonaro đã bị đâm bằng dao ở Sao Paulo. Cùng ngày ông này ra viện, 29-9, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra ở hơn 30 thành phố tại Brazil, với khẩu hiệu “Ele não” (tạm dịch: Không bầu cho ông ta) phản đối ứng cử viên Bolsonaro.
Nếu ông Bolsonaro thắng cử vòng 2, Brazil sẽ rơi vào sóng thần dân túy. Bởi vì trong cùng một lúc, các cuộc bầu cử khác (thống đốc bang, thượng viện), 3 người con trai của Bolsonaro cùng nhiều thành viên đảng Xã hội - Tự do của ông Bolsonaro đã giành được thắng lợi tại nhiều bang lớn, nâng số nghị sĩ của đảng này từ 3 lên hơn 50 người tại nghị viện.
Tin chắc thắng lợi trong tầm tay, ông Bolsonaro cam kết một trị liệu sốc cho nền kinh tế đất nước. Nếu trở thành tổng thống, ông sẽ dự tính tiến hành một loạt biện pháp tư hữu hóa và cải cách chế độ hưu bổng.
Nhật báo Le Monde của Pháp ra ngày 8-10 nhận định nếu ứng cử viên dân túy cực hữu Bolsonaro thắng cử thì sẽ là một tai họa lớn cho nền dân chủ non trẻ được xây dựng từ nhiều thập niên qua ở đất nước lớn nhất Nam Mỹ này.