Brexit và sự thất vọng

Thứ Tư, 27/03/2019, 15:35
Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với tình trạng "nổi loạn" trong nội các liên quan tới những thế lực chống kế hoạch Brexit. Thủ tướng May đã tuyên bố với các nghị sĩ ủng hộ Brexit rằng bà sẽ từ chức nếu họ bỏ phiếu thông qua Brexit vốn 2 lần bị Hạ viện bác bỏ trước đó. Tuy nhiên, ít người tin bà May sẽ bỏ cuộc.

Tờ Financial Times đã mô tả rằng thỏa thuận Anh rút khỏi EU hiện đang trong tình trạng "hôn mê" và bà May đang bị "dồn vào chân tường".

Một cuộc họp lịch sử

Brexit sẽ có tác động quốc tế sâu sắc đối với phần lớn thế giới. Cần phải hiểu rõ hơn tác động này. Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News ngày 25-3, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Anh Amber Rudd cho rằng Thủ tướng May không nên từ chức trước sự chỉ trích từ chính đảng Bảo thủ của bà về cách bà xử lý vấn đề Brexit.

Cùng ngày, phát biểu trên đài phát thanh BBC, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox tuyên bố Anh có thể không rời EU nếu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May không được Hạ viện thông qua trong lần bỏ phiếu tới và sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, phát biểu trên đài phát thanh RTL, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và thuế Pierre Moscovici thể hiện tin tưởng rằng Anh sẽ không rời "mái nhà chung" EU mà không có một thỏa thuận.

Cuộc họp kín kéo dài 3 giờ giữa các nhân vật chủ chốt trong đảng Bảo thủ tại tư dinh Thủ tướng Anh Theresa May ở Chequers đã kết thúc rạng sáng 25-3 mà không đạt được sự nhất trí nào. Nhóm những nghị sĩ ủng hộ Brexit "cứng" đã gia tăng sức ép, thể hiện sự bất mãn đối với thỏa thuận Brexit của thủ tướng, cho thấy khả năng thành công của cuộc bỏ phiếu lần 3 tại Hạ viện tuần này không mấy hy vọng. Các nghị sĩ "nổi loạn" trong đảng Bảo thủ cho rằng Thủ tướng May không đưa ra được điều gì mới ngoài việc lặp lại những điều đã nói về thỏa thuận Brexit.

Báo Guardian dẫn nguồn tin riêng cho biết những người tham gia cuộc họp đưa ra "yêu sách" rằng nếu muốn thỏa thuận Brexit được thông qua, Thủ tướng May cần phải vạch rõ kế hoạch từ nhiệm để người khác dẫn dắt nước Anh bước vào giai đoạn sắp tới của tiến trình đàm phán hiệp định thương mại với EU. Tuy nhiên, Thủ tướng May đã không đưa ra câu trả lời cho đề xuất này.

Nhiều người Anh biểu tình và ký đơn yêu cầu Anh ở lại EU. Ảnh: BBC.

Chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Trong bối cảnh Brexit khó đoán định, các nước EU nói chung trong đó có Séc đã chuẩn bị cho khả năng xấu nhất là Brexit không thỏa thuận. Chính phủ Séc đã thông qua dự luật nhằm tạo điều kiện cho các công dân Anh đang sinh sống tại nước Đông Âu này được đảm bảo quyền lợi như là công dân EU trong giai đoạn chuyển giao từ 30-3-2019 đến 31-12-2020. Séc mong muốn phía Anh cũng sẽ có biện pháp tương tự để bảo vệ quyền lợi của hơn 100.000 công dân Séc đang sinh sống, làm việc tại Anh.

Có một thực tế đó là nước Anh đang đối mặt với 2 khả năng hoặc sẽ rời EU vào 12-4 nếu thỏa thuận Brexit lần 3 bị thất bại tại Hạ viện, hoặc sẽ rời EU vào ngày 22-4 nếu thỏa thuận này được thông qua. Trong khi đó, kiến nghị yêu cầu đình chỉ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và hủy bỏ Brexit trên trang mạng của Quốc hội Anh tới sáng 23-3 đã thu được gần 4 triệu chữ ký.

Có thể thấy rõ, khủng hoảng trong lòng nước Anh được đẩy lên cao trào mới với cuộc biểu tình kéo dài hơn 5 giờ tại khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội Anh có số người tham dự tới hơn 1 triệu người, phản đổi Brexit, yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lần 2 và yêu cầu Thủ tướng Theresa May từ chức.

Đáp lại, bà May đề nghị thảo luận với họ trong những ngày tới "bởi Quốc hội đang chuẩn bị đưa ra những quyết định quan trọng". Bà nói rằng hiện có "4 lựa chọn rõ ràng". Thứ nhất, thông qua đề xuất của bà May việc bỏ phiếu lần thứ ba sẽ không được phép diễn ra trừ khi có những thay đổi "đáng kể" trong đề xuất đó. Thứ hai, yêu cầu gia hạn thêm trước khi tới ngày 12-4. Điều này có nghĩa là Anh sẽ phải tham gia kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra từ ngày 23-26-5.

Thứ ba, bãi bỏ Điều 50, tức là hủy bỏ Brexit, điều mà bà May khẳng định sẽ là sự "phản bội lại kết quả cuộc trưng cầu dân ý" của người dân Anh. Thứ tư, rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đã không chấp nhận. Tờ Sunday Times đưa tin có 11 thành viên nội các lập kế hoạch yêu cầu bà May từ chức để một nhân vật khác lên thay thế bà nhằm tháo gỡ tiến trình Brexit bế tắc hiện nay. Theo quy định của đảng Bảo thủ, bà May không thể đối mặt với một thách thức chính thức nào về quyền lãnh đạo của bà từ chính nội bộ đảng Bảo thủ cho đến tháng 12-2019 vì bà đã vượt qua được một thách thức tương tự cách đây 3 tháng.

Tuy nhiên, bà có thể bị thuyết phục không thể cố trụ quyền lực nếu các bộ trưởng hàng đầu và các thành viên cấp cao khác trong đảng Bảo thủ rời bỏ bà. Bất chấp tin tức về cuộc nổi loạn trong nội các, không có dấu hiệu nào từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho thấy bà May sắp từ chức.

Với một sự ra đi "không có thỏa thuận" thảm khốc có thể xảy ra vào ngày 29/3, 27 nhà lãnh đạo EU khác đã quyết tâm chịu trách nhiệm và đến Brussels với kế hoạch rõ ràng, đề nghị hoãn Brexit đến ngày 22-5 nếu các nghị sĩ Anh ủng hộ thỏa thuận rút khỏi EU của Thủ tướng May. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo muốn biết bà sẽ làm gì nếu thỏa thuận thất bại một lần nữa.

Nếu giới chính trị Anh không đưa ra được một giải pháp nào khác từ nay cho tới đêm 29-3, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sẽ buộc phải chuyển từ quy chế quốc gia thành viên EU sang quy chế nước thứ 3. Trong trường hợp không có thỏa thuận, thỏa thuận rút khỏi EU của Anh đang được đặt trên bàn chờ phê chuẩn, về lý thuyết là khoanh vùng và đảm bảo cho việc rời khỏi EU của Anh, sẽ không được thực thi. Một Brexit không thỏa thuận, được bà Theresa May cho là thảm họa, sẽ kéo theo những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Không ai ở châu Âu muốn chứng kiến một Brexit không thỏa thuận bởi điều này cũng gây ra những tác động về kinh tế đối với EU. Anh là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu và rất nhiều ngành công nghiệp cũng như các chuỗi cung ứng của Anh và EU có mối quan hệ mật thiết với nhau. EU đã quá mệt mỏi với Brexit.

Sự kiên nhẫn đối với Anh đang ngày càng mai một và sắp cạn kiệt. Brexit hoàn toàn đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát và Anh chỉ có thể đứng nhìn Brexit không thỏa thuận xảy ra trước mắt mình cùng với những tác động kinh tế mà nó gây ra. Người dân Anh đã quá thất vọng với giới chính trị gia của mình.

Vinh Hoa
.
.