Canada: Bê bối chính trị nhằm vào Thủ tướng
- Thủ tướng Canada rút ra bài học sau những rối ren nội các
- Thêm thành viên nội các từ chức, Thủ tướng Canada đau đầu
Sau 4 năm thuận lợi, chính phủ của ông Justin Trudeau bắt đầu rơi vào tình thế khó khăn. Báo chí Mỹ và Canada bắt đầu xoi mói từng cử chỉ nhỏ nhất của ông Trudeau với những lời lẽ không mấy êm dịu. Thậm chí còn tô đậm mức độ nghiêm trọng của vụ việc và đặt ra câu hỏi rằng: liệu ông Trudeau có tiếp tục bám trụ được ghế thủ tướng sau cuộc bầu cử vào tháng 10 tới hay không?
Rắc rối của Thủ tướng Trudeau bắt nguồn từ một vụ việc pháp lý nhưng sau vài tuần đã biến thành một vụ bê bối chính trị. Vụ việc không còn đơn thuần là “thao túng pháp lý” mà bắt đầu đụng chạm đến nhiều vấn đề đang “nóng”, như quy chế cho tỉnh Quebec, ảnh hưởng của doanh nghiệp lên chính quyền, quyền lợi của phụ nữ và người da đỏ bản xứ.
Tâm điểm của vụ bê bối là vụ việc Công ty SNC-Lavalin có trụ sở tại thành phố Motreal, tỉnh Quebec. Năm 2015, công ty này bị các cơ quan chức năng Canada cáo buộc đưa hối lộ số tiền lên đến 48 triệu đô la Canada cho chính quyền Libya dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Vụ việc hiện vẫn đang được điều tra làm rõ.
Vụ việc không gây nhiều chú ý trong dư luận cho đến khi báo Globe and Mail của Canada số ra ngày 7-2 tung “quả bom” cho rằng các phụ tá trong Văn phòng Thủ tướng Trudeau đã tiếp xúc và gây áp lực với nữ Bộ trưởng Tư pháp khi đó là Jody Wilson-Raybould để buộc bà này ký kết một thỏa thuận có lợi cho Công ty SNC-Lavalin.
Tờ báo trích tuyên bố của bà Wilson-Raybould kể rõ bà bị 11 phụ tá của ông Trudeau gây áp lực mạnh, thậm chí còn “ngầm đe dọa” bà nếu không đồng ý ký thỏa thuận “tránh truy tố” với Công ty SNC-Lavalin. Các thỏa thuận loại này được áp dụng phổ biến tại nhiều nước, theo đó cho phép các doanh nghiệp tránh bị truy tố hình sự để đổi lại việc các doanh nghiệp này thừa nhận làm sai, chịu nộp phạt một số tiền và cam kết làm đúng quy định.
Trong trường hợp Công ty SNC-Lavalin nếu bị tuyên có tội theo luật hình sự, công ty có thể bị cấm nhận thầu các dự án của nhà nước trong thời gian 10 năm. Đây sẽ là một thiệt thòi lớn cho công ty, thậm chí có thể ảnh hưởng đời sống của hàng ngàn công nhân ở tỉnh Quebec, quê nhà của Thủ tướng Trudeau.
Tuy nhiên, bà Wilson-Raybould không những không “phục tùng” áp lực của các quan chức Văn phòng Thủ tướng mà còn cảnh báo ngược lại rằng những gì họ yêu cầu bà là “không phù hợp”. Ngay lập tức, Wilson-Raybould bị thuyên chuyển công tác từ Bộ trưởng Tư pháp sang làm Bộ trưởng Cựu chiến binh. Wilson-Raybould từ chức vào ngày 12-2.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould. |
Không những thế, Wilson-Raybould còn tung ra tuyên bố dài 4 trang giấy A4 kể hết những gì mình phải gánh chịu. Các thông tin do bà Wilson-Raybould tung ra trên báo chí đã gây nên một làn sóng giận dữ, giáng một đòn mạnh vào chính quyền Trudeau. Ngày 18-2, đến lượt phụ tá quyền lực nhất của ông Trudeau, cố vấn thân cận nhất Gerald Butts từ chức nhưng ấn đề chưa dừng lại đó.
Đầu tháng 3, bà Wilson-Raybould đã ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Canada về vụ việc. Vụ điều trần của bà Wilson-Raybould được báo chí “châm dầu” làm bùng lên ngọn lửa phẫn nộ, khiến niềm tin, sự đoàn kết trong nội bộ Chính phủ Canada bắt đầu lung lay. Ngày 4-3, thêm một thành viên nội các, Bộ trưởng Các sự vụ người bản xứ Jane Philpott từ chức, với lý do “mất niềm tin vào chính phủ”. Philpott cho rằng bà không thể chấp nhận việc Bộ trưởng Tư pháp bị gây áp lực chính trị khi đang xử lý vụ án hình sự.
Ngay sau khi vụ việc được tờ Globe and Mail phanh phui, Thủ tướng Trudeau đã phản pháo quyết liệt, khẳng định mình không làm gì sai, các phụ tá cũng không can thiệp vào quyết định của Bộ trưởng Tư pháp. Tuy nhiên, ngày 5-3, sau vụ từ chức của Bộ trưởng Philpott, ông Trudeau đã im lặng, không tiếp xúc báo chí.
Giới phân tích đánh giá đội ngũ phụ tá của Thủ tướng Trudeau đã xử lý kém cỏi trong vụ việc của Công ty SNC-Lavalin và sau đó là tiếp tục “yếu kém” khi bị báo chí phanh phui. Giáo sư chính trị học Nelson Wiseman tại Đại học Toronto nhận xét bộ sậu Văn phòng Thủ tướng Trudeau đã xử lý sai vụ việc.
Việc Butts từ chức là động thái sai lầm đầu tiên vì đã “vô tình” phát đi thông điệp “thừa nhận tội tình”. Tiến đến là hàng loạt sai lầm trong việc kiểm soát câu chuyện. Chuyên gia chính trị Canada Nik Nanos cho rằng điều không bình thường chính là đội ngũ phụ tá, cố vấn vốn rất sành sỏi của ông Trudeau bỗng dưng tỏ ra “yếu kém lạ thường” trong việc kiểm soát dư luận. Từ đầu đến giờ, người ta chỉ nghe câu chuyện được kể từ một phía, chưa hề nghe lời nào từ nội các chính phủ ông Trudeau.
Có vẻ như bộ sậu của Thủ tướng Trudeau đang chống đỡ một cách thụ động chứ chưa có chiến lược nào để phản pháo. Có chăng chỉ là tuyên bố đầy vẻ căm giận của Thủ tướng Trudeau rằng bà Wilson-Raybould sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng, một tuyên bố không giúp gỡ gạc được uy tín của ông mà thậm chí còn có thể khiến ông mất điểm nhiều hơn trước công chúng Canada.
Ngày 6-3, toàn bộ 33 thành viên còn lại trong nội các chính phủ của ông Trudeau đã đồng lòng đứng sau lưng ủng hộ thủ tướng trước những búa rìu dư luận và công kích từ các đảng phái đối lập. Một cơ hội cuối cùng cho chính phủ ông Trudeau là cuộc điều trần của cựu cố vấn Butts trước Quốc hội Canada để làm rõ câu chuyện từ phía chính phủ. Cho dù thế, hình ảnh “cậu bé vàng”, Thủ tướng điển trai thích selfie và sành điệu trên mạng xã hội cũng đã bị hoen ố, sứt mẻ đi ít nhiều.