Cảnh sát Anh bị điều tra vì hoạt động theo dõi bất hợp pháp
- Cảnh sát Anh thử nghiệm công nghệ nhận dạng tự động để bắt nghi phạm
- Bên trong phòng thí nghiệm của cảnh sát Anh
- Cảnh sát Anh đau đầu trước vấn nạn fentanyl
Cuộc điều tra do cựu thẩm phán Sir John Mitting chủ trì đã được phát động vào năm 2014 bởi Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là bà Theresa May (hiện nay là Thủ tướng Anh), nhưng cho đến nay vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu. Các nhà điều tra của nhóm Mitting đang nghiên cứu các hồ sơ, tư liệu cảnh sát trong một khoảng thời gian rất dài, từ năm 1968 đến cuối năm 2018. Trong đó, nhóm điều tra tập trung vào hoạt động của hai đơn vị cảnh sát đặc biệt là Biệt đội Đặc nhiệm chống biểu tình (SDS) và Đơn vị Tình báo quốc gia về Trật tự công cộng (NPOIU).
SDS tồn tại và hoạt động từ năm 1968 đến 2008, còn NPOIU hoạt động từ năm 1999 đến 2010. Các tài liệu cảnh sát không tổng hợp thống kê sẵn các tổ chức, nhóm chính trị mục tiêu theo dõi. Vì vậy, các nhà điều tra phải tự mình tổng hợp số liệu nằm rải rác trong các tập hồ sơ thuộc từng giai đoạn khác nhau.
Do lượng hồ sơ quá nhiều, các nhà điều tra phải làm việc hết công suất và cần thời gian đủ dài để thực hiện xong công việc, vì thế nhóm điều tra dự kiến sẽ hoàn tất cuộc điều tra vào năm 2023 sẽ có báo cáo cuối cùng về các hoạt động sai trái của cảnh sát Anh đối với các nhóm, tổ chức chính trị thiên tả và các nhóm hoạt động phi chính phủ. Dự kiến một phiên tòa xét hỏi để kiểm tra chứng cứ sẽ bắt đầu từ tháng 6-2019.
Theo tư liệu sơ bộ của cuộc điều tra, trong khoảng thời gian 50 năm (từ 1968-2018), các cơ quan cảnh sát Anh đã biệt phái 144 “điệp viên” thuộc đơn vị SDS và khoảng 84 người của NPOIU đã xâm nhập để thu thập và lưu trữ thông tin về các hoạt động của hơn 1.000 nhóm, tổ chức chính trị. Đến nay, đã có 65 điệp viên cảnh sát bị lật tẩy hoặc bị rút khỏi nhiệm vụ, loại ra khỏi đơn vị công tác do vi phạm nguyên tắc làm việc.
Đối tượng do thám của các điệp viên SDS và NPOIU ngoài các tổ chức, nhóm chính trị thiên tả, còn có rất nhiều nhóm hoạt động phi chính phủ thuộc các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật, chống kỳ thị chủng tộc và các nhóm vận động đòi công lý cho nạn nhân bị cảnh sát bạo hành.
Cựu thẩm phán John Mitting. |
Không chỉ thu thập thông tin về các nhóm mình có nhiệm vụ đột nhập, các điệp viên cảnh sát còn theo dõi, thu thập thông tin về các nhóm, tổ chức khác mỗi khi có cơ hội. Thời gian trung bình để một “điệp viên” cảnh sát thu thập thông tin một hoặc vài nhóm, tổ chức nêu trên là khoảng 5 năm. Thông tin được quan tâm thu thập thường là về những hoạt động hằng ngày của các nhóm, tổ chức này, kế hoạch hành động, các cuộc biểu tình phản đối trong tương lai mà nhóm, tổ chức dự định sẽ thực hiện.
Thông tin thu thập được sau đó được các điệp viên chuyển về cho các chỉ huy đội để chuyển về trung tâm điều hành hoạt động do thám của SDS và NPOIU để phân tích và đưa ra phương án đối phó.
Theo điều tra của nhóm Mitting, cảnh sát Anh bắt đầu cho điệp viên ngầm xâm nhập vào các nhóm chính trị cánh tả từ năm 1968 nhưng đến năm 1970, hoạt động cài điệp viên do thám này mới bắt đầu nở rộ. Tổ chức cánh tả được SDS và NPOIU quan tâm do thám nhiều nhất là đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa (SWP), khi đó đảng mang tên là International Socialists (Xã hội chủ nghĩa Quốc tế), đến năm 1977 đổi tên thành SWP. Điệp viên đầu tiên mang bí danh là Stewart Goodman, được cài vào SWP vào năm 1970.
Sau Goodman, một loạt điệp viên khác cũng được triển khai xâm nhập SWP. Ngoài SWP, ít nhất hàng trăm tổ chức thiên tả như đảng Militant cũng nằm trong diện do thám. Các nhà điều tra đặt nghi vấn vì sao SWP lại là mục tiêu tập trung do thám nhiều nhất của cảnh sát Anh? SWP là tổ chức chính trị thiên tả lớn nhất ở Anh từ trước đến nay, với số lượng thành viên lên đến hàng ngàn người. Vì thế, các chuyên gia phân tích nhận định rằng rất có thể nguyên do của việc này xuất phát từ tâm lý “sợ cánh tả” trong bộ máy chính quyền Anh giai đoạn đó.
Một trong những vấn đề nổi cộm trong hoạt động cài điệp viên của cảnh sát Anh là việc các điệp viên này khi xâm nhập vào các nhóm, tổ chức chính trị và các nhóm hoạt động phi chính phủ đã tìm cách quan hệ tình cảm và quan hệ xác thịt với nhiều phụ nữ trong các nhóm, tổ chức này. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ cũng kết thúc luôn các mối quan hệ đó, gây đau khổ cho các bà, các cô trót lỡ tin nhầm họ.
Một điệp viên xâm nhập SWP từ năm 1974 đến năm 1977 thì bị Scotland Yard rút về vì anh này có tỉnh cảm yêu đương với một nữ thành viên SWP và muốn tiết lộ cho cô ta biết mình là điệp viên ngầm của cảnh sát. Về sau, họ trở thành vợ chồng và có với nhau 1 con. Một điệp viên khác sử dụng tên giả là Vince Miller đã thừa nhận anh ta từng có quan hệ với 2 phụ nữ trong thời gian anh ta nằm vùng trong SWP từ năm 1976 đến 1979.
Thêm 2 điệp viên nữa tên giả là Alan Bond và Michael Hartley đã lừa dối nhiều phụ nữ quan hệ xác thịt trong thập niên 1980. Gần đây nhất, tháng 10-2017, một điệp viên mang tên giả là James Straven đã phủ nhận lời cáo buộc ông ta lừa dối tình cảm 2 phụ nữ thuộc một tổ chức bảo vệ môi trường ở Anh trong giai đoạn 1998-2001. Nhưng đến tháng 4-2018, Straven rốt cuộc cũng đã thừa nhận các mối quan hệ bất chính này.
Trong số các phụ nữ bị điệp viên cảnh sát lừa tình, nhiều người đã đứng ra tố cáo và đòi cảnh sát Anh phải bồi thường cho họ. Các phiên tòa xét xử kéo dài nhiều năm vì liên quan đến việc giữ kín hay công khai danh tính của các điệp viên. Chính vì vậy, cho đến nay mới chỉ có 12 phụ nữ được nhận bồi thường. Số còn lại phải chờ phán quyết cuối cùng của tòa án.